Xuân đa sắc màu

GD&TĐ - Mỗi dịp Tết đến xuân về tại các trường dân tộc nội trú (DTNT) lại nở rộ vườn hoa đa sắc màu văn hóa dân tộc.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An gói bánh chưng, bánh tét đón Tết sớm tại trường. Ảnh: NTCC
Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An gói bánh chưng, bánh tét đón Tết sớm tại trường. Ảnh: NTCC

Qua lời ca, điệu múa, món ăn truyền thống… thầy và trò đã cùng nhau mang xuân vào trường.

Mang Tết về trường

Không chỉ chú trọng công tác giảng dạy, Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An (tỉnh Nghệ An) còn đặc biệt quan tâm đến đời sống tinh thần, giáo dục học sinh biết gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc, cội nguồn nơi mình sinh ra. Vì vậy, cứ trước Tết Nguyên đán, nhà trường lại tổ chức lễ hội “Sắc xuân nội trú”.

Theo cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng nhà trường, thầy và trò cùng nhau xây dựng nhiều nội dung phong phú, đa màu sắc văn hóa cộng đồng các dân tộc thiểu số miền Tây Nghệ An.

Có thể kể đến chuỗi hoạt động gồm diễn xướng nghệ thuật trên sân khấu (hát các làn điệu dân ca cổ, múa dân tộc, trình diễn trang phục dân tộc…); đêm hội chào Xuân (đốt lửa trại, múa lăm vông, đi cà kheo...); tổ chức gian hàng giới thiệu các sản vật miền núi, thi ẩm thực và trình bày mâm cỗ Tết…

Các hoạt động được tổ chức công phu, ấn tượng với sự tham gia tích cực, hào hứng, sôi nổi của cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh. Thông qua các hoạt động sẽ giới thiệu cho học sinh hiểu thêm về nét đẹp cộng đồng các dân tộc ở Việt Nam, cách đón Tết cổ truyền của người dân khắp cả nước.

Quan tâm chăm lo, giáo dục học sinh; nhất là văn hóa dân tộc là yêu cầu được Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An luôn coi trọng. “Học sinh là người Thái, Thổ, Khơ Mú, Ơ đu, Tày Poọng… tạo nên một không gian đa văn hóa trong đời sống học đường.

Chưa kể, sống ở trường dân tộc nội trú, các em bị tách khỏi đời sống văn hóa bản địa (cảnh quan tự nhiên núi rừng, phong tục tập quán làng bản, mối quan hệ họ hàng…). Chính vì vậy thông qua hoạt động tại trường, học trò sẽ biết trân trọng các giá trị, nét đẹp, bản sắc dân tộc”, cô Kiều Hoa chia sẻ.

Năm nào cũng vậy, vào dịp cuối năm, thầy và trò Trường Phổ thông DTNT THCS & THPT huyện Bắc Yên (Sơn La) lại háo hức chuẩn bị các hoạt động cho ngày Tết cổ truyền như thi nấu ăn, gói bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian như ném còn, ném pao, đẩy gậy…

Phó Hiệu trưởng nhà trường - thầy Bạc Văn Ân chia sẻ: “Học sinh dân tộc sống xa gia đình. Nhiều em học ở trường từ lúc 11 tuổi đến khi tốt nghiệp THPT là 7 năm. Mỗi năm các em về nhà chỉ 2 lần vào dịp hè và Tết. Vì vậy trường, lớp là gia đình thứ hai.

Những hoạt động nấu ăn, gói bánh, thi văn hóa văn nghệ, thể thao không chỉ góp phần gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc mà còn củng cố sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc trên địa bàn.

Đặc biệt, việc tổ chức hoạt động chủ đề Tết cũng là cơ hội để học sinh, giáo viên cùng trải nghiệm thực tế, quan tâm và chăm lo hơn đến đời sống tinh thần, nắm bắt tâm tư tình cảm các em. Hằng năm, thầy và trò có một lần ngồi quanh nồi bánh chưng cùng chia sẻ với nhau những khó khăn trong cuộc sống gia đình, việc học tập… từ đó thêm hiểu, tình cảm thầy trò càng gắn kết”.

Các hoạt động trên cũng giúp học sinh dân tộc nội trú hiểu sâu sắc hơn về ngày Tết cổ truyền, nét đẹp văn hóa dân tộc, gắn kết tinh thần đoàn kết giữa học sinh với học sinh, giáo viên và học sinh.

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa gói bánh chưng. Ảnh: NTCC

Giáo dục học trò biết sẻ chia

Học sinh trường DTNT sinh hoạt và học tập trong khuôn viên nhà trường, vì vậy hằng năm, Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn (Lạng Sơn) đều tổ chức hoạt động “Tết đoàn viên – Xuân hạnh phúc” để học trò có thêm không gian thể hiện khả năng: Nấu ăn, múa hát, tham gia các trò chơi dân gian.

Chia sẻ của cô Vương Xuân Thuận - Hiệu trưởng Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn: ““Tết đoàn viên – Xuân hạnh phúc” là sân chơi lành mạnh để học trò được giáo dục kỹ năng sống, cách làm việc nhóm, chia sẻ nét đẹp văn hóa dân tộc thông qua nấu món ăn truyền thống như xôi bảy màu, nem rán, bánh chưng, bánh tét. Đây cũng là dịp để các em khoác lên mình trang phục dân tộc, tạo thành vườn hoa đa sắc màu tại trường nội trú”.

Đồng quan điểm với cô Vương Xuân Thuận, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa – Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cho hay: “Chúng tôi chú trọng tổ chức hoạt động trải nghiệm Tết Nguyên đán cho học sinh. Điều này giúp các em có cơ hội trải nghiệm không khí, văn hóa Tết, nhất là văn hóa ẩm thực và sinh hoạt cộng đồng.

Những lời ca, điệu múa cùng trang phục mang sắc màu thổ cẩm được dệt nên bởi bàn tay tài hoa của người phụ nữ vùng cao cũng tạo nên không khí đầm ấm, tựa như gia đình, đầy sẻ chia, thương mến…”.

Ngoài hoạt động văn hóa, nghệ thuật đây cũng là dịp để nhà trường, xã hội chia sẻ với học sinh hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt. Theo đó, trong chuỗi hoạt động “Tết đoàn viên – Xuân hạnh phúc”, Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn lồng ghép tổ chức hoạt động “Hũ gạo tình thương” nhằm huy động sự giúp đỡ của doanh nghiệp, nhà hảo tâm, đoàn thể, cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh… với học trò hoàn cảnh khó khăn; tiếp thêm động lực giúp các em yên tâm học tập, đón Tết đầm ấm, đầy đủ hơn.

“Với hoạt động “Hũ gạo tình thương” năm 2023, chúng tôi đã vận động được 48 triệu đồng tương đương 142 suất quà dành tặng học sinh hoàn cảnh khó khăn dịp Tết. Qua đó, giáo dục học trò biết thấu hiểu, sẻ chia với bạn nghèo, khó khăn. Bởi vậy, những món quà dù nhỏ nhưng mang lại sự ấm áp, động viên kịp thời trò nghèo vui Tết”, cô Vương Xuân Thuận nói.

Năm 2024, Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn tiếp tục triển khai chương trình “Hũ gạo tình thương” cùng đó là chương trình “Áo ấm cho em” trong chuỗi hoạt động của chương trình “Tết sum vầy - Xuân chia sẻ”.

Đầu tháng 1/2024, nhà trường phát động trong giáo viên, nhân viên, học sinh và cùng đồng hành là các cơ quan, doanh nhiệp, nhà hảo tâm… chung tay góp Tết cho trò nghèo.

“Hy vọng với loạt hoạt động ý nghĩa, nhà trường sẽ mang tới cho học trò một mùa Xuân ấp áp, tạo động lực để các em thêm gắn bó với trường, lớp, cố gắng vươn lên trong học tập, rèn luyện”, cô Vương Xuân Thuận trải lòng.

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cùng học trò. Ảnh: NTCC

Cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An cùng học trò. Ảnh: NTCC

Lan tỏa văn hóa truyền thống

Không chỉ mong muốn đem đến cho học trò cái Tết ấm áp, đa văn hóa từ cộng đồng dân tộc thiểu số, Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa (Thanh Hóa) đã lồng ghép nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc vào hoạt động Tết hằng năm. Qua đó, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh tiếp xúc, trải nghiệm những giá trị văn hóa truyền thống, bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc; tiếp xúc, giao lưu đa văn hóa.

Học sinh Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn chơi trò chơi ô ăn quan trong ngày 'Tết đoàn viên – Xuân hạnh phúc' năm 2023. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường DTNT tỉnh Lạng Sơn chơi trò chơi ô ăn quan trong ngày 'Tết đoàn viên – Xuân hạnh phúc' năm 2023. Ảnh: NTCC

Chia sẻ thông tin, thầy Hiệu trưởng Phạm Anh Toàn đồng thời trao đổi: “Trường học là ngôi nhà thứ hai của các em, vì vậy hằng năm chúng tôi tổ chức cho học trò gói bánh chưng làm quà cho gia đình, thầy cô. Hình ảnh những học trò nhỏ, thân thương xách cặp bánh chưng lên xe về quê đón Tết cùng bố mẹ, dân làng với khuôn mặt rạng ngời… làm bất kỳ ai nhìn thấy cũng vui lây và ấm lòng”.

Không dừng ở đó, trong chuỗi hoạt động đón Tết tại trường, Ban giám hiệu Trường THPT DTNT tỉnh Thanh Hóa còn tổ chức phiên chợ vùng cao giữa lòng thành phố để học trò trưng bày và giới thiệu các sản vật đặc sắc, tiêu biểu, đa dạng của địa phương. Qua đó, rèn kỹ năng thuyết trình, tự tin trước đám đông.

“Thông qua hoạt động trải nghiệm sẽ giúp học trò hình thành, phát triển kỹ năng tiếp cận, hiểu hơn văn hóa truyền thống, vận dụng vào thực tế. Từ đó, các em biết trân trọng văn hóa dân tộc, trách nhiệm với sự phát triển của quê hương, gắn bó cộng đồng, nối gần khoảng cách vùng miền, dân tộc”, thầy Phạm Anh Toàn nhấn mạnh.

“Gắn bó lâu năm với Trường THPT DTNT Nội trú, tôi biết học trò rất thiệt thòi; hiểu biết về văn hóa truyền thống của các em bị mai một do sống xa nhà từ sớm. Vì vậy, nhà trường chính là cái nôi để giáo dục, khơi gợi ý thức bảo tồn văn hóa của cha ông để lại qua nhiều hình thức, hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, sân khấu hoá văn học, lịch sử; tổ chức thi ẩm thực để học sinh tìm hiểu và thể hiện hiểu biết”, cô Nguyễn Thị Kiều Hoa - Hiệu trưởng Trường THPT DTNT tỉnh Nghệ An chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ