Ra dịch âm đạo bất thường (máu, mủ, huyết trắng hôi...) ở bé gái là một vấn đề gây nhiều lo lắng cho các phụ huynh, nhất là khi các bé còn nhỏ, chưa dậy thì. Trong đó, có một nguyên nhân thường gặp cần được lưu ý là dị vật âm đạo.
Tình trạng bệnh kéo dài do dị vật
Các bệnh viện đã tiếp nhận không ít trường hợp trẻ phải nhập viện do có dị vật âm đạo. Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã tiếp nhận bé gái 5 tuổi, nhập viện trong tình trạng âm đạo bị chảy máu và có nhiều dịch nhầy.
Bé gái được chẩn đoán viêm âm đạo do dị vật. Các bác sĩ Khoa Ngoại Tiết niệu đã sử dụng thiết bị nội soi chuyên dụng, gắp thành công dị vật là 3 mảnh bông gòn trong âm đạo bé gái.
Trước khi nhập viện hơn 2 tháng, trẻ xuất hiện tình trạng chảy máu và tiết dịch nhầy âm đạo màu vàng. Gia đình đã đưa trẻ đi thăm khám, điều trị nhiều nơi nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại. Gần đây, tình trạng bệnh của trẻ nặng hơn, trẻ được gia đình đưa đến Bệnh viên Nhi Trung ương. Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ trẻ có dị vật âm đạo và đã tiến hành hội chẩn chuyên khoa Ngoại Tiết niệu.
Sau khi hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định nội soi và thực hiện gắp dị vật ra khỏi âm đạo cho bệnh nhi. Cụ thể, ba mảnh bông gòn, kích thước ~ 2cm dính chặt vào thành dưới âm đạo, ăn sâu vào tổ chức niêm mạc. Sau khi được bác sĩ lấy dị vật, bơm rửa âm đạo, tình trạng sức khỏe của trẻ đã ổn định và xuất viện.
ThS.BSCKII Vũ Xuân Hoàn – Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Nhi Trung ương, người trực tiếp nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi cho biết, từ năm 2023 đến nay, Khoa Ngoại Tiết niệu đã tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp dị vật âm đạo ở trẻ, các dị vật là mảnh chiếu trúc, cục pin và mảnh bông gòn.
Đối với dị vật âm đạo, nếu không phát hiện sớm và điều trị kịp thời sẽ gây ra tình trạng viêm nhiễm vùng âm đạo. Tình trạng này kéo dài có thể tạo các ổ mủ nằm sâu rất khó chữa. Thậm chí, nếu để lâu ngày, tình trạng này có thể gây ảnh hưởng đến chức năng sinh sản của trẻ sau này.
Trước đó, năm 2023, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết, bé N.T.N.H. (sinh năm 2018, ở Nam Định) được gia đình đưa vào khám tại đây trong tình trạng âm hộ viêm đỏ, chảy dịch nâu từ trong âm đạo có mùi rất hôi. Theo chẩn đoán ban đầu từ bệnh viện tuyến dưới, bé H. có dị vật âm đạo. Hình ảnh siêu âm cho thấy, âm đạo có hình tăng âm kèm bóng cản đường kính 11mm.
Qua khai thác thông tin, gia đình cho biết, bé ở cùng với bà bố mẹ đi làm xa. Bà tắm cho bé phát hiện âm hộ sưng nên đưa trẻ đi khám. PGS.TS Lê Thị Anh Đào - Trưởng khoa Phụ ngoại A5, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội đã tiến hành nội soi âm đạo gắp dị vật cho bé. Sau thủ thuật, bệnh nhi ổn định.
Đơn vị này cũng từng gắp 2 dị vật trong vùng kín của một bé gái 5 tuổi, ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc. Các dị vật này nằm sâu ở âm đạo và trực tràng. Tại thời điểm đến khám, vùng kín của trẻ bị viêm đỏ, chảy dịch mùi hôi. Kết quả siêu âm cho thấy phát hiện có dị vật trong âm đạo của bé.
PGS.TS Lê Thị Anh Đào cho biết, sau khi tiến hành nội soi buồng tử cung, các bác sĩ đã gắp được 1 dị vật kích thước 20x7mm cùng nhiều mảnh xốp màu đen. Khi tiếp tục đưa camera quan sát thì phát hiện thêm 1 vật màu đen, khó gắp qua đường âm đạo. Các bác sĩ chuyển qua thăm khám tại trực tràng, gắp được vật lạ kích thước 20x10mm là tay lego robot.
Hiểm họa khi không xử trí kịp thời
PGS.TS Lê Thị Anh Đào cho biết, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội tiếp nhận nhiều ca nhét dị vật vào vùng kín ở trẻ nhỏ sống xa cha mẹ. Do đó, phụ huynh khi chăm sóc vùng kín cho trẻ, cần chú ý vệ sinh hằng ngày, dạy bé không được đưa bất kỳ vật gì vào trong âm đạo.
“Gia đình nên chú ý đến những vật nhỏ. Trẻ chưa có ý thức rất dễ nhét vào các lỗ tự nhiên (lỗ mũi, lỗ tai, lỗ âm đạo). Nếu phát hiện, hãy đưa đến cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất. Bởi, dị vật âm đạo nếu không phát hiện sớm sẽ là nguyên nhân dẫn đến chảy dịch âm đạo, viêm âm đạo. Nghiêm trọng hơn, tình trạng đó có thể dẫn đến viêm phần phụ ở trẻ em”, PGS.TS Lê Thị Anh Đào lưu ý.
Qua trường hợp trẻ nhét dị vật vào âm đạo, bác sĩ Vũ Xuân Hoàn cho biết, trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa từ 3 - 5 tuổi, thường thích khám phá thế giới xung quanh. Đặc biệt, trẻ thích khám phá bản thân, cơ thể của mình nhưng chưa lường trước được nguy hiểm.
Trẻ thường nhét dị vật vào vùng kín một cách không có chủ ý. Chính vì thế, cha mẹ, người chăm sóc trẻ cần chú ý đến trẻ. Đồng thời, dặn dò trẻ không được nhét dị vật vào cơ thể mình để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Theo bác sĩ Hoàng Phương Thùy - Khoa Chẩn đoán hình ảnh siêu âm, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), bất kỳ vật gì đặt vào âm đạo đều được gọi là dị vật âm đạo. Thường gặp nhất là một vài mẩu khăn giấy hoặc bông vải.
Các bé còn nhỏ hay tò mò có thể nhét vào âm đạo bất kỳ thứ gì chúng thấy, những mẩu bút chì sáp màu, các loại hạt (hạt cườm trên quần áo, trang sức), đồng xu, viên pin, cành cây... Hiếm gặp hơn, dị vật âm đạo có thể là hậu quả của lạm dụng tình dục.
Nếu dị vật âm đạo bị kẹt lại sẽ gây viêm nhiễm và gây ra các dấu hiệu như ngứa ngáy, sưng đỏ vùng âm hộ, ra máu hoặc ra dịch có mùi hôi khó ngửi. Tình trạng này cũng có thể gây ra các vấn đề khó chịu khi đi tiểu hoặc biến chứng thủng âm đạo, rò âm đạo niệu đạo, rò âm đạo trực tràng. Để điều trị, cần lấy dị vật ra. Nếu có nhiễm trùng, trẻ cần dùng kháng sinh.
Theo các bác sĩ, phụ huynh cần lưu ý tới cách chăm sóc trẻ tại nhà sau khi bé được lấy dị vật. Nếu trẻ được kê đơn thuốc, cần đảm bảo bé uống đủ thuốc, đủ thời gian. Để giúp trẻ giảm kích thích ngứa ngáy, phụ huynh có thể cho bé ngâm trong bồn tắm với nước ấm vài lần một ngày. Không nên pha thêm xà phòng với nước. Không nên rửa âm hộ với xà phòng.
Rửa sạch âm hộ bằng nước và lau khô nhẹ nhàng. Đồng thời, phụ huynh cần dạy trẻ cách lau chùi âm hộ sau khi đi vệ sinh xong. Cụ thể, trẻ cần lau theo hướng từ trước ra sau. Để xa các vật nhỏ khỏi tầm với của trẻ. Đặc biệt, cần cất giữ những viên pin ở nơi tránh tầm với của trẻ. Bởi, khi bị đưa vào cơ thể, pin sẽ rò rỉ và gây bỏng.