Xử trí khi con nói tục

GD&TĐ - Nói tục, chửi bậy không chỉ là tật xấu khó bỏ của người lớn, mà ở trẻ em, nó cũng đang là một vấn nạn. Sửa tật nói bậy cho trẻ không phải chỉ một sớm, một chiều là xong. Ứng xử việc này như thế nào không hề dễ dàng với các bậc phụ huynh trong việc dạy dỗ con trẻ.  

Xử trí khi con nói tục

Cha mẹ hoảng... vì con nói tục

Chị Nguyễn Thanh Huyền (34 tuổi, ở xã Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) than phiền rằng con mình ngoan ngoãn thế mà dạo này bỗng trở nên khó bảo, hay nói bậy. Hôm vừa rồi đi đón con ở trường, chị vô cùng choáng váng khi thấy cu Bin vừa đuổi theo bạn, vừa lớn tiếng: “Đ.M, tao mà bắt được mày thì mày no đòn con nhé”. Nhìn thái độ, biết là chúng chỉ đang đùa, thế nhưng, chị cũng không nén nổi tức giận. Trước đây, mỗi khi nghe bọn trẻ con cùng xóm chửi bậy, chị đã lắc đầu ngán ngẩm, tỏ vẻ không hiểu ông, bà, cha, mẹ chúng dạy dỗ kiểu gì. Hôm nay trực tiếp nghe con nói, chị thực sự sốc.

Chị Nguyễn Thu Hòa (Thanh Trì, Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ, có lần hai mẹ con đi bộ qua một quán nước gần nhà, cu Minh nghe thấy một chú đang ngồi trong quán nói bậy. Cu cậu thắc mắc: “Mẹ ơi câu đó nghĩa là gì?” thì chị Hòa chỉ bảo đó là câu nói hư, không được phép nói. Cu Minh ngoan ngoãn gật đầu.

Vậy mà buổi tối khi bị bố mắng vì chơi điện thoại quá nhiều, cu Minh cáu kỉnh ném điện thoại của bố rồi còn kèm theo câu chửi bậy hôm trước vô tình nghe được ở quán nước: “Khốn khiếp”. Không thể bình tĩnh được khi thấy con hư, bố cháu đã đánh cho cháu một trận đòn. Nhưng sau đó, có vài lần nổi cáu, cu Minh lại buột miệng nói câu bậy đó với bất kì ai, kể cả ông bà hay các bạn cùng chơi.

Cần nghiêm khắc và làm gương

Chia sẻ về điều này, TS Vũ Thu Hương, khoa Giáo dục Tiểu học, Trường ĐHSP Hà Nội, cho rằng, trong số ba mục tiêu giáo dục trẻ gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ hành vi thì mục tiêu giáo dục đạo đức (thái độ và hành vi) là quan trọng và khó nhất. Dạy một đứa trẻ học chữ khó một thì dạy đứa trẻ đó về thái độ, hành vi đúng đắn khó gấp trăm lần. Việc này đòi hỏi sự chung tay cố gắng của cả cha mẹ, thầy cô giáo, những thành viên khác trong gia đình và nhà trường.

Khi con nói bậy, cha mẹ phải đạt câu hỏi: “Đứa bé này học nói bậy từ đâu?”. Trẻ em cảm nhận, quan sát và học hỏi mọi hành vi xung quanh mình. Nếu chúng đã nói bậy thì đến 99% là do chúng nghe cha mẹ mình nói hoặc nghe ở đâu đó.

Theo TS Vũ Thu Hương, khi con bạn chửi bậy là lúc trẻ không kiểm soát được bản thân. Chính vì thế bạn hãy bình tĩnh xử trí và không nên phản ứng thái quá tránh trường hợp bé hiểu lầm việc chửi bậy sẽ được bố mẹ chú ý ngay lập tức và sẽ gây tác dụng ngược lại, không tốt cho việc giáo dục trẻ.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng cần chú ý đến những ảnh hưởng từ môi trường đến con trẻ. “Nếu phát hiện ra trẻ có những biểu hiện xấu đến từ môi trường, cha mẹ cần tìm hiểu nguồn ảnh hưởng và tìm cách tách con ra khỏi đối tượng xấu mà không cần nhắc nhở gì đến, con trẻ sẽ nhanh chóng quên đi những lời nói đó và tránh việc hình thành thói xấu ở trẻ”.

“Sửa tật nói bậy cho trẻ không phải chỉ một sớm, một chiều là xong, thế nên bạn cần hết sức kiên nhẫn. Nói tục, chửi bậy là một thói quen và nếu không được uốn nắn từ sớm sẽ rất khó từ bỏ. Bởi thế, ngay khi phát hiện ra con mình nhiễm thói xấu này, phụ huynh đừng lờ đi mà hãy có thái độ thật nghiêm khắc”. TS Vũ Thu Hương

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.