Xử lý thế nào khi cựu Chủ tịch ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà tử vong?

GD&TĐ - Cuối tháng 11/2018, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam, khám xét đối với ông Trần Bắc Hà để điều tra tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ông Trần Bắc Hà khi còn ở đỉnh cao quyền lực tại BIDV.
Ông Trần Bắc Hà khi còn ở đỉnh cao quyền lực tại BIDV.

Cùng bị khởi tố với ông Hà thời điểm đó còn có các bị can Trần Lục Lang (cựu phó tổng giám đốc BIDV), Kiều Đình Hòa (cựu giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh) và Lê Thị Vân Anh (cựu trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV chi nhánh Hà Tĩnh).

Cuối tháng 3/2019, con trai ông Trần Bắc Hà là Trần Duy Tùng - 34 tuổi, Chủ tịch HĐQT Công ty CP An Phú, trụ sở tại TP Quy Nhơn, Bình Định - cũng bị cơ quan điều tra khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản".

Như báo GD&TĐ đưa tin, ông Trần Bắc Hà - cựu Chủ tịch của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã tử vong. Thông tin được biết, bị can Trần Bắc Hà được đưa vào một bệnh viện, nhưng đã chết trước đó.

Dưới góc nhìn pháp lý, trao đổi với báo GD&TĐ, Luật sư Nguyễn Anh Thơm, trưởng VPLS Nguyễn Anh (Đoàn LSTP Hà Nội) cho biết, ông Trần Bắc Hà đang là bị can bị Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố về tội vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng theo quy định tại điều 206 Bộ luật hình sự năm 2015.

Đây là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù giam nên Cơ quan điều tra đã bắt tạm giam bị can để điều tra xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo thông tin được biết, quá trình tạm giam, do bị bệnh hiểm nghèo nên ông Trần Bắc Hà đã qua đời sáng ngày 18/7/2019.

Ông Trần Bắc Hà đang là bị can trong giai đoạn điều tra nên căn cứ Điều 157 và Điều 230 BLTTHS, Cơ quan CSĐT sẽ ra quyết định đình chỉ bị can Trần Bắc Hà. Cơ quan điều tra ra quyết định đình chỉ điều tra khi thuộc một trong các trường hợp “Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội đã chết”.

Đây là vụ án đồng phạm, do đó việc đình chỉ điều tra đối với bị can Trần Bắc Hà sẽ không làm ảnh hưởng đến các bị can khác trong vụ án. Qua quá trình tạm giam bị can hơn 7 tháng qua, Cơ quan CSĐT về cơ bản đã thu thập đầy đủ các chứng cứ, chứng minh hành vi phạm tội của bị can Trần Bắc Hà, cũng như các đồng phạm khác.

"Lời khai nhận của bị can trong các vụ án kinh tế không phải là chứng cứ quyết định hành vi phạm tội. Chứng cứ buộc tội các bị can được sử dụng là các chứng cứ vật chất như các giấy tờ, tài liệu có sự ký nhận, các thiệt hại xảy ra trên thực tế đã được xác định…

Thực tế, nhiều vụ án liên quan đến tội phạm kinh tế, dù cho bị can không thừa nhận hành vi phạm tội nhưng quá trình điều tra đã có đủ căn cứ chứng minh bị can đã ban hành và ký nhận các giấy tờ tài liệu và được giám định đó chính là chữ ký của bị can nên bị can phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình đã gây ra tương ứng với quy định của pháp luật...", LS. Nguyễn Anh Thơm chia sẻ.

Cũng theo luật sư Nguyễn Anh Thơm, đối với vần đề thu hồi tài sản do phạm tội mà người phạm tội đã chết thì theo quy định của pháp luật, bị can vẫn phải liên đới bồi thường trách nhiệm dân sự nếu gây thiệt hại đến tài sản của cá nhân, tổ chức hoặc Nhà nước.

"Để  bảo đảm hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án, Cơ quan điều tra có thể áp dụng biện pháp kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản của bị can Trần Bắc Hà theo Điều 128, 129 BLTTHS. Do đó, khi bị can chết vì việc thu hồi tài sản sẽ được Cơ quan thi hành án căn cứ vào Bản án, quyết định của Tòa án khi xét xử các bị cáo đồng phạm khác đã có hiệu lực pháp luật...", LS. Nguyễn Anh Thơm nói.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ