Xử lý nghiêm hành vi bảo kê, phá hoại nông sản của người dân

Xử lý nghiêm hành vi bảo kê, phá hoại nông sản của người dân

Nguyên nhân dẫn đến các hành vi phá hoại này có thể là do xích mích, mâu thuẫn trong sinh hoạt, sản xuất của những người trong cùng khu dân cư, thôn, làng. Tuy nhiên, nhiều nhất vẫn là xuất phát từ hành vi phá hoại của các đối tượng hoạt động theo kiểu ‘xã hội đen’ nhằm đòi tiền bảo kê, đòi chia hoa lợi hoặc cạnh tranh trong sản xuất, kinh doanh về nông nghiệp.

Hành vi phá hoại để đòi tiền bảo kê ngày càng có xu hướng tăng lên và có nguy cơ lan rộng biến thành một loại tội phạm mới, mảnh đất “béo bở” cho đối tượng hình sự khai thác. Điều đáng nói là rất nhiều vụ việc cơ quan chức năng không tìm ra kẻ phá hoại, kẻ chủ mưu, phần lớn các vụ việc “chìm vào quên lãng” do không tìm ra kẻ phá hoại. Nhất là các vụ việc phá hoại nhỏ, thiệt hại ít mang tính chất ‘dằn mặt’ hăm dọa gây bức xúc cho người dân, dư luận xã hội.

Có thể nói hành vi phá hoại nông sản, cây công nghiệp gây ra những tác hại nguy hiểm đối với xã hội. Đó là không chỉ ảnh hưởng đến cuộc sống, sản xuất của người nông dân, doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm nông nghiệp mà còn gây mất trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn và các hệ lụy tiêu cực khác như cản trở phát triển đất nước, khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp. Nguy hại hơn là gây mất niềm tin của người dân đối với cơ quan nhà nước, hệ thống pháp luật. Vì vậy, việc sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý triệt để tình trạng này là rất quan trọng, cấp thiết.

Theo chúng tôi, các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra và kiên quyết xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi bảo kê, phá hoại cây nông nghiệp, nông sản của người dân. Bên cạnh đó, phải có hình thức xử phạt, chế tài thật nặng để răn đe, phòng ngừa hành vi phá hoại nguy hiểm này. Hành vi phá hại cây trồng, mùa màng của người dân, nhất là nông dân nghèo là hành vi vô nhân tính, bởi nó không chỉ xâm phạm quyền sở hữu mà còn ảnh hưởng đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, đời sống của người nông dân, bộ phận chiếm số đông trong dân số của nước ta.

Thiết nghĩ, với tính chất, mức độ nguy hại của hành vi phá hoại nêu trên, cơ quan chức năng cần ưu tiên xử lý triệt để loại tội phạm này trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của mình. Điều này không chỉ răn đe, phòng ngừa tình trạng này tái diễn, mà còn buộc những kẻ phá hoại nông sản phải trả giá cho hành động vi phạm pháp luật của mình./.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ