Xử lý khủng hoảng kiểu Park Hang-seo

Xử lý khủng hoảng kiểu Park Hang-seo

Một ngày sau khi AFC công bố quyết định phạt 5.000 USD và đình chỉ 4 trận với HLV Park Hang-seo, ông đã ngay lập tức có động thái sửa sai trước truyền thông với một bức thư xin lỗi.

Trong đó có đoạn: "Tôi cần phải phản ứng mạnh mẽ với trọng tài nhằm kiểm soát diễn biến đang diễn ra quá nóng. Đã có rất nhiều khán giả theo dõi trận đấu từ nhiều quốc gia tại châu Á, nên bất kể ý định của tôi là gì thì hành động của tôi đối với trọng tài vẫn là không phù hợp

Tôi muốn nhấn mạnh rằng tôi không sử dụng bất kỳ ngôn ngữ nào lăng mạ trọng tài. Khả năng tiếng Anh của tôi không ở mức độ có thể đưa ra những nhận xét mang tính xúc phạm. Sau trận đấu, tôi đã chủ động gặp tổ trọng tài để nói lời xin lỗi về hành động của mình".

Thực tế, đã có nhiều lần ông Park lên tiếng xin lỗi về những hành động có phần thái quá như vậy. Ngay sau khi nhận thẻ đỏ trực tiếp trong trận chung kết SEA Games 30, ông Park đã lên tiếng xin lỗi. Thế nhưng, đó không chỉ đơn thuần là sự cầu thị trong công việc mà còn cho thấy sự chuyên nghiệp trong cách xử lý khủng hoảng của ông Park.

Cần phải thừa nhận rằng, sau khi án phạt được AFC ban hành, đã có nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Đa phần trong đó cho rằng, ông Park cần kiềm chế hơn nữa các hành vi tương tự. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến đội tuyển mà còn là hình ảnh của cá nhân ông. Rất may là ông Park chỉ bị đình chỉ trong các trận đấu giao hữu của đội tuyển, nếu không đội tuyển Việt Nam sẽ gặp khó khăn trong các trận đấu tại vòng loại World Cup 2022 sắp tới.

Cũng vì nhận thấy những tranh cãi gây bất lợi cho cá nhân mà ông đã phải thông qua người đại diện Lee Dong-jun tiến hành một cuộc "xử lý khủng hoảng". Đây là điều mà ít huấn luyện viên ngoại khi đến Việt Nam làm được.

Trước đó, cần nhớ rằng ông Park từng thể hiện sự cao tay của mình trong quá trình đàm phán hợp đồng với VFF. Thời điểm tháng 7/2019, khi báo chí Việt Nam và Hàn Quốc đồng loạt đăng tải những thông tin về việc gia hạn hợp đồng mới của ông Park, trong đó có nhiều bài phân tích, dự đoán về các điều khoản và mức lương mới, điều này khiến cho ông Park tỏ ra không hài lòng.

Ông cho rằng quá trình đàm phán đã không được bảo mật thông tin. Những phân tích, dự đoán sai lệch sẽ gây ảnh hưởng đến cá nhân ông, người hâm mộ Việt Nam sẽ nghĩ sai về động cơ của ông.

Thời điểm đó, ông Park và người đại diện đã chủ động "đóng băng" cuộc đàm phán này. Người đại diện Lee Dong-jun cũng đã gửi một thông cáo báo chí đến các cơ quan truyền thông Việt Nam và Hàn Quốc.

Đó là sự chủ động mà nhiều người cho rằng, ông Park đã nắm thế cửa trên trong cuộc đàm phán. Dù biết rằng, việc báo chí có những thông tin phân tích, nhận định về quá trình đàm phán là hết sức bình thường, thế nhưng với vị thế là người đang thành công, ông Park vẫn giành thế chủ động về phía mình.

Hay đó là câu chuyện hồi tháng 9/2019, khi Đoàn Văn Hậu bất ngờ xin rời đội tuyển Việt Nam để sang Hà Lan làm thủ tục gia nhập Heerenveen cũng được ông Park xử lý thông qua truyền thông.

Ông không hài lòng với việc rời đội của Văn Hậu, thế nhưng bản thân lại để VFF và CLB Hà Nội quyết định vấn đề này. Ông tổ chức ngay một cuộc gặp gỡ báo chí tại sân tập để bày tỏ quan điểm. Thế nhưng, cái được chính là phần nào sức ép từ truyền thông đã giúp ông gây áp lực lên cả đơn vị chủ quản của Hậu và VFF. Việc Văn Hậu có thể trở về dự SEA Games 30 cũng xuất phát từ đó.

HLV Park Hang-seo không chỉ được biết đến là một nhà chiến lược, chiến thuật trong bóng đá, ông còn là bậc thầy của ngoại giao. Trên hết đó là sự khéo léo trong vấn đề nhập gia tùy tục. Cách xử lý khủng hoảng kiểu Park Hang-seo đã chứng minh điều đó.

Theo Tiền Phong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ