Xu hướng trường đại học mạnh tay chi tiền tỷ đầu tư phòng thí nghiệm

GD&TĐ - Để phục vụ giảng viên, SV học tập, nghiên cứu ngành liên quan đến công nghệ, kỹ thuật, các trường đại học mạnh dạn chi tiền tỷ mua thiết bị tiên tiến...

Sinh viên trải nghiệm thiết bị ở phòng thí nghiệm Yaskawa i3 -Mechatronics, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: HCMUTE
Sinh viên trải nghiệm thiết bị ở phòng thí nghiệm Yaskawa i3 -Mechatronics, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM. Ảnh: HCMUTE

Nhiều doanh nghiệp cũng đồng hành với nhà trường đầu tư cho phòng thí nghiệm.

Hơn 10 tỷ mua siêu máy chủ

Cuối tháng 2/2024, siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100 dựa trên kiến trúc Ampere đã về đến Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) trong niềm vui của thầy và trò. Đây là thành quả sau 9 tháng nhà trường thương thảo với Tập đoàn Nvidia, Mỹ - hãng sản xuất chip đắt giá nhất thế giới. Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM) cũng là cơ sở giáo dục đại học đầu tiên ở Việt Nam sở hữu siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100.

TS Nguyễn Tấn Trần Minh Khang - Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, NVIDIA DGX A100 là hệ thống phổ quát cho tất cả cơ sở hạ tầng trí tuệ nhân tạo (AI), từ phân tích (analytics), đào tạo (training) đến suy luận (inference). Thiết bị này nằm trong dự án chuyển đổi số và phục vụ chạy các mô hình deep leaning (học sâu), máy học phục vụ nghiên cứu khoa học từ nhóm nghiên cứu, phòng thí nghiệm và đề tài nghiên cứu khoa học.

Cũng theo TS Khang, NVIDIA DGX A100 là sản phẩm kết tinh thành quả nghiên cứu khoa học của Mỹ, có một số giới hạn khi xuất khẩu ra khỏi nước này. Do đó, phải mất thời gian dài, Tập đoàn Nvidia mới đồng ý cung cấp sản phẩm này. Theo đó, siêu máy chủ được ứng dụng trong nghiên cứu, giảng dạy ngành Trí tuệ nhân tạo, Khoa học dữ liệu, Công nghệ thông tin.

Ngoài ra, 6.000 sinh viên của trường ở các ngành học khác có thể đăng ký sử dụng máy nếu có giảng viên hướng dẫn. Kinh phí mua siêu máy chủ này là hơn 10 tỷ đồng. Đây là thiết bị phục vụ nghiên cứu, đào tạo đắt nhất mà trường trang bị cho giảng viên, sinh viên.

Đầu tư tiền tỷ mua công nghệ, thiết bị hiện đại, phục vụ hoạt động dạy học và nghiên cứu cũng là việc được nhiều trường đại học, đặc biệt khối công nghệ, kỹ thuật triển khai trong thời gian gần đây. Chẳng hạn, để chuẩn bị mở 2 ngành đào tạo: Thiết kế Vi mạch (bậc đại học) và Vi mạch bán dẫn (sau đại học), Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đầu tư hàng loạt phòng thí nghiệm, thiết bị hiện đại.

Trong đó, phải kể đến hệ thống phòng thí nghiệm tiên tiến, chuyên sâu phục vụ thiết kế và đo kiểm vi mạch bán dẫn như: Phòng thí nghiệm Vi mạch và Hệ thống cao tần, Thiết kế vi mạch số, Kỹ thuật siêu cao tần và anten, Kỹ thuật Máy tính, Tính toán nâng cao, Vật liệu năng lượng và ứng dụng, Vật liệu kim loại - Hợp kim,…

Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông Việt - Hàn (Đại học Đà Nẵng) cũng đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ cho ngành Thiết kế vi mạch. Nhà trường còn trang bị nhiều thiết bị thí nghiệm vi điện tử, thiết kế mạch điện tử; xây dựng không gian nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100 tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NTCC

Siêu máy chủ AI NVIDIA DGX A100 tại Trường Đại học Công nghệ Thông tin (Đại học Quốc gia TPHCM). Ảnh: NTCC

Hợp tác cùng doanh nghiệp

253.000 USD là số tiền Tập đoàn Yaskawa Nhật Bản đã tài trợ cho Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM đầu tư xây dựng Phòng thí nghiệm Yaskawa i3-Mechatronics, phục cho việc học và nghiên cứu của giảng viên, sinh viên. Lễ khánh thành Yaskawa i3-Mechatronics diễn ra cuối tháng 1/2024. Phòng thí nghiệm được trang bị 3 hệ thống Robot tích hợp với thiết kế mô phỏng một dây chuyền gia công và kiểm tra sản phẩm trong nhà máy tự động hóa thông minh.

Hệ thống này giúp sinh viên không chỉ học tập, nghiên cứu chuyên sâu về các hệ thống Robot mà còn có khả năng tích hợp kiến thức hiện đại như xử lý ảnh, AI (trí tuệ nhân tạo) trong một hệ thống tổng thể. Ngoài ra, Yaskawa còn tài trợ 6 bộ điều khiển phục vụ cho việc thực hành điều khiển hệ thống chuyển động.

Cùng thời điểm này, giai đoạn 2 Phòng thí nghiệm Cơ điện tử – Robot do Công ty TNHH Yaskawa Electric Việt Nam tài trợ cũng được đưa vào sử dụng tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM). Thiết bị gồm 2 robot tải trọng 7kg, tích hợp hệ truyền động gồm biến tần, động cơ servo, hệ thống cảm biến hình ảnh và giao diện điều khiển mô phỏng một hệ thống robot hoàn chỉnh trong thực tế.

Hai “set” cánh tay Robot công nghiệp mới loại lớn ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: Hàn, sơn, và phân loại sản phẩm kết hợp thị giác máy, tự động hóa; tổng giá trị 70.000 USD. Cách đó 4 năm, Yaskawa Electric Việt Nam đã tài trợ giai đoạn 1 phòng thí nghiệm Cơ điện tử - Robot đặt tại Khoa Điện - Điện tử tại trường này với 6 module cánh tay Robot tải trọng 0,5kg; tổng giá trị 250.000 USD.

Theo đại diện nhà trường, phòng thí nghiệm Yaskawa còn là nơi để sinh viên và học viên cao học thực hiện đồ án tốt nghiệp với nhiều chủ đề: Hệ thống phân loại sản phẩm kết hợp thị giác máy, Hệ thống sản xuất linh hoạt, Điều khiển bám và gắp vật động trên băng chuyền.

Từ phòng thí nghiệm này, giảng viên của Khoa Điện - Điện tử đã thực hiện thành công nhiều dự án nghiên cứu triển khai dựa trên công nghệ robot như: Ứng dụng công nghệ theo dõi chuyển động cho việc đơn giản hóa lập trình Robot; Ước lượng vị trí và hướng của vật thể cho ứng dụng Robot gắp vật...

Việc doanh nghiệp tài trợ các thiết bị tiên tiến cho phòng thí nghiệm, thực hành có mối quan hệ chặt chẽ với chất lượng đào tạo của nhà trường. Theo đó, khi nhà trường khẳng định được thương hiệu, uy tín trong việc đào tạo, mà biểu hiện là chất lượng đầu ra, các doanh nghiệp lớn sẽ tìm đến hỗ trợ. Ở chiều ngược lại, chính sự hợp tác của doanh nghiệp cũng giúp nhà trường nâng cao chất lượng giảng dạy, nghiên cứu.

“Gói tài trợ 2 giai đoạn của Yaskawa đã góp phần tăng cường cơ sở vật chất cho Khoa Điện - Điện tử, hướng tới mục tiêu nâng cao năng lực đào tạo và nghiên cứu khoa học, đáp ứng nhu cầu thực tiễn sản xuất trong công nghiệp”, TS Nguyễn Vĩnh Hảo - Trưởng Bộ môn Điều khiển Tự động, Khoa Điện - Điện tử (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM) nói trong ngày khánh thành giai đoạn 2 Phòng thí nghiệm Cơ điện tử - Robot.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM trong ngày nhận bàn giao phần mềm SIMARIS Design và khí cụ điện SINOVA của Công ty TNHH Siemens hồi cuối năm 2023, cũng chia sẻ: “Những bộ phần mềm thiết kế, lập trình và thiết bị đào tạo được bàn giao ngày hôm nay được nhà trường sử dụng hiệu quả trong công tác nghiên cứu, học tập, thực hành của cán bộ, giảng viên và sinh viên”.

Cuối năm 2023, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM khánh thành Phòng thí nghiệm Hộp số truyền động vô cấp CVT (Bosch Transmission Lab). Phòng thí nghiệm này do Công ty Bosch Việt Nam tài trợ, ước tính trị giá 90.000 Euro, đáp ứng tính ứng dụng trong lĩnh vực nghiên cứu công nghệ di chuyển.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.