Xu hướng làm việc 4 ngày trong tuần: Cân nhắc tính khả thi

GD&TĐ - Các công đoàn trên thế giới đang kêu gọi chính phủ thực hiện làm việc 4 ngày/tuần.

Rút ngắn thời gian làm việc của người lao động đang là xu hướng toàn cầu. Ảnh: Japan Times
Rút ngắn thời gian làm việc của người lao động đang là xu hướng toàn cầu. Ảnh: Japan Times

Tại châu Á, một số quốc gia như Hàn Quốc và Indonesia cũng đang thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày để nhân sự có nhiều thời gian nghỉ ngơi, cân bằng sức khoẻ và tinh thần, từ đó tăng hiệu quả công việc. Tại Việt Nam, vấn đề này cũng nhận được nhiều sự quan tâm của người lao động.

Xu hướng trên thế giới

Quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa việc làm 4 ngày/tuần vào năm 2022 là Bỉ. Tiếp theo đó, Iceland đã thực hiện cuộc thử nghiệm kéo dài 4 năm từ 2015 tới 2019. Tính tới năm 2022, có đến 90% người lao động ở quốc gia này đã giảm số giờ làm việc mỗi tuần xuống còn 35 giờ với mức lương cũ, năng suất lao động hoặc giữ nguyên hoặc tăng lên.

Trong một dự án thử nghiệm tương tự tại nước Anh, có 60 công ty với tổng số khoảng 3.000 nhân viên đã chuyển sang chế độ làm việc 4 ngày trong tuần. Đáng chú ý, doanh thu của các doanh nghiệp không hề giảm mà còn tăng lên đáng kể. Còn ở Lithuania, người lao động có con nhỏ có thể làm tối thiểu 32 giờ/tuần.

Tại các quốc gia châu Á, chế độ làm việc 4 ngày được áp dụng cho nhân viên các cơ quan chính phủ UAE từ tháng 7/2023. Có tới 90% dân số UAE làm việc trong cơ quan nhà nước, vì vậy đại đa số họ chỉ làm việc 4 ngày/tuần. Đối với Nhật Bản – một trong những quốc gia nổi tiếng với văn hóa làm việc nghiêm túc và có phần căng thẳng, chính phủ đã đưa ra loạt định hướng cho các doanh nghiệp thực hiện rút ngắn số ngày làm việc trong tuần kể từ năm 2021.

Theo dữ liệu Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố, Việt Nam thuộc nhóm các nước có thời gian làm việc cao nhất thế giới và khu vực. Năm 2023, người Đông Nam Á làm việc trung bình 40,1 giờ/tuần. Tổng thời gian làm việc trong năm ở Việt Nam sau khi đã trừ thời gian nghỉ lễ là 2.320 giờ, cao hơn Indonesia 440 giờ, hơn Campuchia 184 giờ, hơn Singapore 176 giờ...

Cũng theo số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế, chỉ có hai nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần, một phần ba số quốc gia áp dụng làm 48 giờ giống Việt Nam và khoảng hai phần ba các nước có 48 giờ/tuần trở xuống.

Trong báo cáo “Tuần làm việc 4 ngày: Châu Á đã sẵn sàng chưa?” của Robert Walters, 88% nhân sự tại Việt Nam mong muốn thử nghiệm tuần làm việc 4 ngày, trong đó hơn 60% tin rằng mô hình này giúp cải thiện năng suất và tăng hiệu quả công việc.

Thực hiện thận trọng, từng bước

Sống trong khu trọ nhỏ cùng gia đình tại phường Phúc Tân (Hoàn Kiếm, Hà Nội), mỗi ngày của chị Trần Thị Duyên (27 tuổi, quê Nghệ An) đều bắt đầu từ 6 giờ 30 phút sáng để ra khỏi nhà và trở về nhà lúc 8 giờ tối. Công ty ở dưới Hà Đông, quãng đường di chuyển xa nên để tránh giao thông ùn tắc và muộn làm, chị Duyên phải đi từ sáng sớm. Một tuần, chị đi làm 5 ngày từ thứ Hai đến thứ Sáu và thêm 2 ngày thứ Bảy trong tháng. Chia sẻ quan điểm về tuần làm việc ngắn, chị Duyên cho biết bản thân hoàn toàn ủng hộ.

“Công việc hiện tại của tôi là hành chính nhân sự, khối lượng công việc không quá nhiều, có nhiều khoảng thời gian “chết”. Tôi nghĩ hoàn toàn có thể dồn công việc lại và xử lý nhanh gọn trong khoảng 4 ngày. Nếu làm được điều đó, tôi sẽ có nhiều khoảng thời gian dành cho bản thân để nghỉ ngơi, về quê, đi chơi, hẹn hò… Hiện nay tôi được nghỉ trọn vẹn một ngày chủ nhật và có hai tuần trong tháng được nghỉ thứ 7, nhiều lúc cũng muốn về quê thăm ông bà lớn tuổi song đành chịu vì mệt và ngại quãng đường xa, về ở quê được một ngày cũng vội vàng, cập rập”, chị Duyên cho biết.

Trên thực tế, ở không ít cơ quan, đơn vị, nhiều người lao động vẫn có thời gian rảnh để làm các công việc cá nhân khác, dư địa để cắt giảm thời gian làm hoặc tận dụng để tăng năng suất lao động vẫn còn rất lớn.

Bên cạnh những ý kiến ủng hộ thì ở một góc nhìn khác, một số nhân sự lại bày tỏ lo ngại khi rút ngắn số ngày làm việc, áp lực sẽ tăng lên vì khối lượng công việc vẫn giữ nguyên. “Hiện tôi đang làm lập trình viên tại một công ty công nghệ có vốn đầu tư nước ngoài, thường xuyên phải làm việc với cả khách hàng trong nước và quốc tế. Thời gian làm việc giờ hành chính tôi còn không đủ để xử lý được hết khối lượng công việc nên thường xuyên phải làm thêm giờ. Vì vậy, tôi nghĩ chia đều công việc ra trong 5 ngày có lẽ sẽ bớt áp lực hơn”, anh Ngô Minh Đức (28 tuổi, quận Đống Đa, Hà Nội) nêu ý kiến.

Theo các chuyên gia, giảm thời gian làm việc là một trong những mục tiêu an sinh xã hội được các tổ chức Công đoàn hướng tới trong nhiều năm qua. Mục đích là giúp người lao động nghỉ ngơi phục hồi sức khỏe, có thời gian chăm lo cho gia đình và cân bằng đời sống vật chất và tinh thần, nhờ đó, tăng hiệu quả làm việc và giảm thiểu tai nạn lao động. Tuy nhiên việc này cần cân nhắc để cân đối cho phù hợp, đảm bảo lợi ích cho tất cả các đối tượng.

Giảm số ngày làm việc song vẫn phải đảm bảo được tiền lương cũng như đóng góp của người lao động cho doanh nghiệp, xã hội. Thực tế hiện nay, rất nhiều người lao động có hoàn cảnh khó khăn và mong muốn làm việc thêm giờ để tăng thu nhập. Song cũng có nhiều ngành nghề, lĩnh vực, người lao động mong muốn giảm số ngày làm việc để được nghỉ ngơi đồng thời kết hợp làm thêm những việc khác. Vì vậy, trong điều kiện bối cảnh kinh tế và xã hội của nước ta hiện nay, cần xem xét, tổng hợp đánh giá, lựa chọn thời gian thích hợp để thực hiện từng bước giảm dần thời gian làm việc của người lao động.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tranh biện giúp trẻ có khả năng giao tiếp tốt và tư duy logic. Ảnh: INT

Bí quyết dạy trẻ tranh biện hiệu quả

GD&TĐ - Để có thể sở hữu kỹ năng tranh biện, trẻ cần lưu ý tới một số yếu tố như lựa chọn chủ đề, đưa ra lập luận vững chắc, lý lẽ thuyết phục...