Xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành giải bài toán nhân sự thời 4.0

GD&TĐ - Tiếp cận đào tạo liên ngành, xuyên ngành là hướng đi của các trường đại học hàng đầu thế giới. 

Sinh viên Trường Đại học Việt Đức (bên trái) tham dự hội nghị quốc tế Vật lý kỹ thuật và ứng dụng lần thứ 8, tháng 10/2023. Ảnh: Mạnh Tùng
Sinh viên Trường Đại học Việt Đức (bên trái) tham dự hội nghị quốc tế Vật lý kỹ thuật và ứng dụng lần thứ 8, tháng 10/2023. Ảnh: Mạnh Tùng

Tại Việt Nam, xu hướng này đang được nhiều trường lựa chọn, gắn kết công nghệ với các lĩnh vực khác, đáp ứng nhu cầu nhân sự của thời đại 4.0.

Đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động

Năm 2011, Đại học Quốc gia Hà Nội khai giảng khóa đầu tiên chương trình thạc sĩ mang tên Khoa học bền vững. Thời điểm đó, đây là một ngành học có tên “rất lạ”. Nhìn vào điều kiện dự thi, nhiều người còn ngạc nhiên hơn khi sinh viên tốt nghiệp đại học các ngành Khoa học môi trường, Khoa học trái đất, Khoa học cơ bản, Kỹ thuật - công nghệ; Khoa học xã hội và nhân văn, Luật, Kinh tế, Xã hội học, Nhân học, Tâm lý học, Khoa học chính trị, Công tác xã hội, Khoa học giáo dục, Báo chí tuyên truyền đều có thể dự thi.

Như vậy, sinh viên từ các lĩnh vực hoàn toàn trái ngược là khoa học tự nhiên và khoa học xã hội lại cùng có thể học chung với nhau, thậm chí là học chung ngay lập tức, không cần phải học thêm bất kỳ môn cầu nối nào, trong cùng một chương trình “liên ngành” Khoa học bền vững.

Khoa Các khoa học liên ngành, Đại học Quốc gia Hà Nội là đơn vị đào tạo và nghiên cứu chuyên biệt về các lĩnh vực liên ngành. Hiện đơn vị đào tạo trình độ đại học với các ngành: Quản trị thương hiệu, Quản trị tài nguyên di sản, Quản lý giải trí và sự kiện, Quản trị đô thị thông minh và bền vững, Thiết kế sáng tạo.

Khởi đầu của việc đào tạo liên ngành đó nay trở thành xu hướng ở các trường đại học của Việt Nam ở chính bậc đại học. Nhiều năm nay, hàng loạt trường đại học chuyển sang đào tạo theo hướng liên, xuyên ngành, tích hợp các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành đào tạo.

Chẳng hạn, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đào tạo chính quy ngành Quản lý Thể dục thể thao, là liên ngành giữa mảng quản lý, kinh doanh và thể thao; Học viện Ngân hàng có ngành Hệ thống thông tin quản lý, ngành học có mối liên kết chặt chẽ giữa 3 mảng kiến thức công nghệ, quản trị và nghiệp vụ.

ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông Trường Đại học Công Thương TPHCM cho biết, tiếp cận đào tạo liên ngành, xuyên ngành là lựa chọn của các trường đại học hàng đầu thế giới, nhất là trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay. Trường Đại học Công Thương TPHCM đang có một số ngành liên ngành như Công nghệ Tài chính (Fintech) hay Quản trị kinh doanh thực phẩm.

Trong đó, Fintech là ngành kết hợp giữa chuyên ngành Tài chính và Công nghệ thông tin. Fintech cập nhật những ứng dụng mới nhất về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng - tài chính; giúp các ngân hàng, công ty chứng khoán, bảo hiểm… có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống vốn bị giới hạn về thời gian, không gian cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp...

Quản trị kinh doanh thực phẩm lại kết hợp giữa ngành Công nghệ thực phẩm và Quản trị kinh doanh, đào tạo những nhà quản lý cho các doanh nghiệp kinh doanh và chế biến thực phẩm. Người học được trang bị kiến thức cơ bản về kinh tế, marketing, khoa học thực phẩm, kỹ thuật và quản lý chất lượng thực phẩm, đồng thời có trình độ ngoại ngữ và công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu của xã hội.

“Như vậy có thể thấy, đào tạo liên ngành hay xuyên ngành là thiết kế những ngành, chuyên ngành mới, chủ yếu kết hợp các ngành công nghệ với các ngành kinh doanh, kinh tế nhằm đáp ứng nhu cầu xã hội. Việc này nhằm tạo nhân sự có đủ năng lực giải quyết các bài toán lớn mà nếu chỉ đơn ngành truyền thống khó có thể giải quyết”, ông Phạm Thái Sơn cho biết.

Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM học thực hành tại Trung tâm Mô phỏng khối ngành kinh tế. Ảnh: HUIT

Sinh viên Trường Đại học Công Thương TPHCM học thực hành tại Trung tâm Mô phỏng khối ngành kinh tế. Ảnh: HUIT

Tại Đại học Kinh tế TPHCM (UEH), gắn kết tri thức đa lĩnh vực trở thành định hướng của trường trong nhiều năm gần đây, trong đó đặt trọng tâm vào tính ứng dụng của công nghệ, máy tính với lĩnh vực kinh doanh, kinh tế, luật, quản lý nhà nước, truyền thông, thiết kế và dữ liệu. Do đó, UEH tập trung theo đuổi tiếp cận theo hướng đa ngành, liên ngành, xuyên ngành trong đào tạo và nghiên cứu, thay vì đơn ngành như mô hình đại học truyền thống.

Khoảng 3 - 5 năm gần đây, UEH đã đưa ra nhiều chương trình đào tạo kết hợp giữa công nghệ và các ngành truyền thống như Thiết kế và Truyền thông (kết hợp Truyền thông và Công nghệ), Kiến trúc và Đô thị thông minh (kết hợp Đô thị và Công nghệ), Khoa học dữ liệu, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin kinh doanh, Hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp, Công nghệ đổi mới sáng tạo, Robot và Trí tuệ nhân tạo.

Riêng trong năm 2023, trong số 51 ngành đào tạo tại cơ sở chính TPHCM, UEH mở 5 chương trình mới gắn liền với kỷ nguyên số gồm: Công nghệ Tài chính (Fintech); Công nghệ Marketing (Martech); Kinh doanh số (Digital business); Kỹ sư Robot và Trí tuệ nhân tạo (Robot & AI, hệ kỹ sư); Kỹ sư Công nghệ Logistic (Logtech, hệ kỹ sư).

Trường Đại học Công Thương TPHCM, Đại học Kinh tế TPHCM không phải là những cơ sở giáo dục đại học hiếm hoi quan tâm tới xu hướng đào tạo liên ngành, xuyên ngành. Từ năm 2019, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM tuyển ngành Robot và Trí tuệ nhân tạo. Đây được xem là “ngành xuyên ngành” với sự phối hợp của ba khoa đào tạo Cơ khí, Điện - điện tử và Công nghệ thông tin.

Trường Đại học Kiến trúc TPHCM cho ra đời ngành Mỹ thuật Đô thị, là liên ngành mang tính tổng hợp, có sự gắn kết hài hòa những yếu tố và giá trị thẩm mỹ nghệ thuật trong kiến trúc, cảnh quan và môi trường đô thị. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cũng cho ra mắt nhiều chuyên ngành liên ngành như Du lịch số, Kinh tế số, Tin - sinh học, Công nghệ Tài chính.

Không chỉ ở khối kinh tế, kỹ thuật, xu hướng liên ngành, xuyên ngành còn được các trường, khoa thuộc khối khoa học xã hội, nhân văn bắt nhịp. Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) có ngành Quản lý thông tin, một ngành khoa học liên ngành về tổ chức và khai thác thông tin và dữ liệu. Trường Đại học Hà Nội có ngành Truyền thông đa phương tiện với sự giao thoa kiến thức của nhiều lĩnh vực như Công nghệ Thông tin, Mỹ thuật, Truyền thông, Marketing…

Trường Đại học Luật TPHCM có cách tích hợp đa ngành khác với việc đẩy mạnh đào tạo liên thông giữa 3 ngành Luật, Quản trị kinh doanh và Ngôn ngữ Anh (chuyên ngành tiếng Anh pháp lý). Trong đó, trường đặc biệt tập trung vào chương trình đào tạo liên thông từ ngành Quản trị kinh doanh và ngành Ngôn ngữ Anh sang ngành Luật.

Khi công bố phương án tuyển sinh của trường năm 2023, ThS Lê Văn Hiển, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Đào tạo cho biết, sau khi đã học xong năm thứ 2 của ngành thứ nhất (ngành Quản trị kinh doanh hoặc ngành Ngôn ngữ Anh), nếu đạt học lực từ loại khá trở lên, sinh viên sẽ được đăng ký học liên thông sang ngành Luật.

Sau thời gian 5 - 5,5 năm (tính từ năm 2023), nếu sinh viên hoàn thành cả 2 chương trình đào tạo sẽ được nhà trường xét tốt nghiệp và cấp 2 văn bằng cử nhân trình độ đại học hình thức chính quy (trong đó có bằng cử nhân ngành Luật).

Tân sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tân sinh viên Trường Đại học Sài Gòn trong ngày khai giảng năm học 2023 - 2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Tận dụng nguồn lực tối đa

Theo các chuyên gia giáo dục, trong kỷ nguyên công nghệ, cùng với chủ trương phát triển nền kinh tế số, hình thức đào tạo đơn ngành ở trường đại học sẽ dần được thay thế bởi hình thức tích hợp đa ngành, liên ngành. Chương trình đào tạo phải tích hợp được các học phần với các kiến thức ở các lĩnh vực khác nhau trong cùng một ngành hoặc một nhóm ngành đào tạo.

Đào tạo theo hướng liên ngành, xuyên ngành sẽ trang bị cho người học các kiến thức chuyên ngành, đa ngành và đa lĩnh vực, các kỹ năng nghề nghiệp tổng hợp, giúp người học dễ dàng thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động.

ThS Cù Xuân Tiến, Trưởng phòng Tuyển sinh và Công tác sinh viên, Trường Đại học Kinh tế - Luật (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, trường là đơn vị đầu tiên đào tạo chương trình đào tạo cử nhân chất lượng cao Công nghệ Tài chính (Fintech) thuộc ngành Tài chính - Ngân hàng. Tính đến nay, trường có thêm nhiều ngành liên ngành khác, chẳng hạn như chuyên ngành Kinh doanh số và Trí tuệ nhân tạo, chuyên ngành Toán ứng dụng trong Kinh tế, Quản trị và Tài chính…

“Việc đào tạo liên ngành trong lĩnh vực kinh tế, kinh doanh giúp sinh viên sau khi ra trường không chỉ nắm vững chuyên môn mà còn ứng dụng được các công nghệ, ứng dụng để giải quyết các công việc thực tế.

Đây sẽ là xu hướng trong tương lai được các trường hướng đến”, ông Cù Xuân Tiến cho biết. Ngoài ra, việc tạo ra những ngành mới không đòi hỏi nhân sự giảng viên hay cơ sở vật chất phục vụ đào tạo. Nhà trường chỉ sắp xếp, tận dụng nguồn lực sẵn có. Về mặt kiến thức, chương trình liên ngành vẫn đảm bảo được kiến thức chuyên môn với khoảng 60% thời lượng. Thời gian còn lại, sinh viên sẽ được trang bị các kiến thức về công nghệ, khoa học dữ liệu, các ứng dụng trong lĩnh vực kinh doanh…

Khi bàn về xu hướng tích hợp đa ngành, GS.TS Đặng Vạn Phước, Trưởng khoa Y (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, việc này sẽ giúp cơ sở giáo dục đại học tận dụng nguồn nhân lực nếu trường nằm trong một “hệ sinh thái” đa ngành, đa lĩnh vực. GS.TS Đặng Vạn Phước nêu ví dụ, các ngành Khoa học sức khỏe có mối quan hệ mật thiết Kỹ thuật, Công nghệ, Quản trị, Khoa học Xã hội và Nhân văn.

Do đó, trong việc đào tạo bác sĩ, đơn vị này có thể phối hợp với các trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM. Cụ thể, phần Y học cơ bản (cơ sở) chính là kiến thức Khoa học tự nhiên (Toán, Vật lý, Hóa học). Khoa Y có thể phối hợp với Trường Đại học Khoa học Tự nhiên để đào tạo các học phần này.

Tương tự, các học phần liên quan đến Kỹ thuật y khoa có mối quan hệ với một số ngành kỹ thuật của Trường Đại học Bách khoa, Trường Đại học Quốc tế; các học phần về Y đức, cộng đồng có liên quan đến các ngành của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn. Ngoài ra, người làm ngành y cần cả kiến thức về luật, kinh tế, quản trị… nên đơn vị có thể phối hợp cùng Trường Đại học Kinh tế - Luật.

Tại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Cơ sở II Trường Đại học Ngoại thương (ngày 6/10), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc nhấn mạnh, hiện các trường đại học kinh tế, kinh doanh hàng đầu thế giới đang thay đổi rất nhanh với xu thế đào tạo liên ngành, xuyên ngành. Việc đào tạo kinh tế, kinh doanh gắn với các ngành STEM, gồm khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học. Do đó, Trường Đại học Ngoại thương và các trường đại học kinh doanh cần đổi mới, bắt kịp xu thế đào tạo theo chuẩn khu vực và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ