Trường ĐH KHXH&NV (ĐHQG TPHCM) có thêm khoa Khoa học liên ngành

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM vừa công bố Quyết định số 1530/QĐ-XHNV-TCCB của Hiệu trưởng về việc thành lập khoa Khoa học liên ngành.

Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM chính thức có thêm Khoa Khoa học liên ngành
Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM chính thức có thêm Khoa Khoa học liên ngành

Khoa học liên ngành (Faculty of Interdisciplinary Sciences - FIS) là khoa thứ 29 của Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TPHCM). Song song với việc công bố thành lập khoa Khoa học liên ngành, Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cũng công bố quyết định bổ nhiệm lãnh đạo khoa.

Theo đó, TS. Nguyễn Thị Hảo, giảng viên chính khoa Giáo dục giữ chức vụ Trưởng khoa Khoa học liên ngành, bổ nhiệm tiến sĩ Đào Tuấn Hậu, giảng viên khoa Triết học giữ chức vụ Phó Trưởng khoa Khoa học liên ngành.

Theo đề án thành lập đã được thông qua, khoa Khoa học liên ngành có các chức năng là đơn vị tổ chức đào tạo, nghiên cứu khoa học, thực hiện nhiệm vụ đào tạo khối kiến thức giáo dục đại cương, kỹ năng mềm, tiếng Anh chuyên ngành; xây dựng và phát triển ngành học mới để tuyển sinh, đào tạo theo hướng phát triển, hội nhập quốc tế; chịu sự quản lý toàn diện, trực tiếp về tổ chức, bộ máy, tài chính và hoạt động của Nhà trường.

Khoa Khoa học liên ngành có nhiệm vụ; quản lý, chuẩn hóa, phát triển, tổ chức đào tạo các môn học thuộc khối kiến thức giáo dục đại cương, kỹ năng mềm, tiếng Anh chuyên ngành theo hướng liên thông, hội nhập và hiện đại. Khoa có nhiệm vụ xây dựng, mở các ngành học mới theo hướng hội nhập quốc tế, tuyển sinh, đào tạo và xét cấp bằng cử nhân cho những ngành mới được mở.

Đáng chú ý khoa Khoa học liên ngành cũng là nơi xây dựng và đào tạo các ngành học mới phù hợp với triết lý “khai phóng” của Nhà trường. Dự kiến đến năm 2024, Khoa sẽ xây dựng hoàn chỉnh chương trình đào tạo quốc tế ở bậc cử nhân. Đến năm 2025, chương trình này sẽ dự kiến được tuyển sinh và sử dụng 100% tiếng Anh cho việc đào tạo sinh viên với mục tiêu hội nhập với các quốc gia có nền giáo dục tiên tiến trên thế giới.

Sau đó, Khoa sẽ tiếp tục triển khai xây dựng, mở và đào tạo những ngành học mới thuộc khối ngành KHXH&NV theo xu hướng hiện đại nhằm đáp ứng nguồn nhân lực theo yêu cầu của xã hội và hội nhập quốc tế.

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM

Sinh viên Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM

Với tầm nhìn “trường đại học theo định hướng nghiên cứu, theo mô hình hiện đại của đại học thế giới”, mục tiêu phát triển đến năm 2030 của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM đổi mới và phát triển theo hướng trường đại học nghiên cứu, có các bước đột phá về quản trị đại học, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Trong đó, yêu cầu cơ bản là kết hợp giảng dạy – học tập với nghiên cứu khoa học, đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn kết phục vụ cộng đồng và xã hội. Khoa Khoa học liên ngành sẽ là khoa phụ trách đào tạo kiến thức nền tảng về KHXH&NV của Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM.

Theo Th.s Trần Nam, Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH KHXH&NV, ĐHQG TPHCM cho biết: Chương trình đào tạo của khoa Khoa học liên ngành hướng đến việc rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy, năng lực thích ứng, chủ động, sáng tạo, tinh thần tiên phong và dẫn dắt thông qua các môn học liên ngành.

Các phương pháp học tập chủ động, bài tập giải quyết vấn đề, dự án…sẽ được đặt ra trong quá trình học, qua đó yêu cầu sinh viên học cách tương tác, làm việc nhóm... giúp sinh viên sớm định hướng lựa chọn nghề nghiệp và những năng lực tiềm ẩn khác nhau của bản thân.

"Các môn học được được thiết kế theo hướng tích hợp, liên ngành, giúp sinh viên hình thành cách nhìn nhận thế giới tổng thể với các quan hệ tác động, phụ thuộc lẫn nhau, giúp sinh viên có năng lực tổng hợp và giải quyết các vấn đề phức tạp, đa lĩnh vực, đa văn hoá. Không chỉ vậy, chương trình đào được thiết kế theo hướng tiếp cận trải nghiệm nhằm giúp sinh viên rèn luyện và phát triển các kỹ năng thiết yếu của thời đại công nghiệp 4.0, đặc biệt kỹ năng tư duy phân tích và đổi mới, học tập tích cực và có chiến lược, lãnh đạo và tạo ảnh hưởng xã hội, trí tuệ cảm xúc" - Th.S Trần Nam chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ