Quy trình tuyển sinh sẽ được liên kết với hệ thống cơ sở dữ liệu Ngành

GD&TĐ - Toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành HEMIS.

 Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kết luận Hội nghị Tuyển sinh năm 2023.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn kết luận Hội nghị Tuyển sinh năm 2023.

Sẽ có những cải tiến về mặt kỹ thuật

Hội nghị nhận được 14 ý kiến, góp ý, thảo luận. Các ý kiến cơ bản nhất trí với báo cáo của Vụ Giáo dục đại học, nhất là những kết quả đạt được.

Kết luận Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 (sáng 3/3), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn ghi nhận, hội nghị thảo luận về những kết quả đạt được, trong đó có việc đổi mới ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đăng ký, xét tuyển, tổ chức xét tuyển, thanh toán lệ phí và nhập học.

Tạo điều kiện cho thí sinh đăng ký tất cả nguyện vọng trong cùng một hệ thống. Qua đó, giúp các em được lựa chọn nguyện vọng theo thứ tự ưu tiên cao nhất, tạo điều kiện cho thí sinh có cơ hội lựa chọn trường học, ngành học theo mong muốn của mình.

Nhắc đến một số hạn chế còn tồn tại, Thứ trưởng nhìn nhận, những hạn chế về mặt kỹ thuật xuất phát từ một số đổi mới của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có những nguyên nhân như: chưa làm tốt công tác truyền thông, công tác phối hợp giữa Bộ GD&ĐT với các sở GD&ĐT, các trường đại học.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải đáp ý kiến của các đại biểu.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn và PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học giải đáp ý kiến của các đại biểu.

“Có những hạn chế thuộc về các trường đại học, ví dụ như: cân nhắc chỉ tiêu tuyển sinh giữa các phương thức xét tuyển; quyết định phương thức tuyển sinh, tuyển sinh vượt chỉ tiêu. Một số trường chưa báo cáo kịp thời dữ liệu lên hệ thống” – Thứ trưởng lưu ý.

Từ những hạn chế tồn tại trên, Bộ GD&ĐT đã đề ra các định hướng trong công tác tuyển sinh năm 2023. Theo đó, tuyển sinh năm nay cơ bản ổn định về phương thức, cách thức tuyển sinh.

Tuy nhiên, sẽ có những cải tiến về mặt kỹ thuật để đơn giản hóa cho thí sinh, giảm thiểu các sai sót. Đồng thời, tạo điều kiện cho các trường chủ động hơn và có đầy đủ dữ liệu để thuận tiện trong quá trình xét tuyển.

Toàn cảnh Hội nghị.

Toàn cảnh Hội nghị.

Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán

Chúng ta cần tạo công bằng cho thí sinh, công bằng ngay từ khi tiếp cận thông tin. Khi thông tin tuyên truyền sâu rộng, sẽ là giải pháp với chi phí thấp nhất, giảm thiểu sai sót. Về mặt kỹ thuật, hệ thống công nghệ và cơ sở dữ liệu sẽ tiếp tục hoàn thiện để giảm thiểu sai sót này.

Với định hướng như vậy, Thứ trưởng đề nghị, trong thời gian tới, cần hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, kế hoạch tuyển sinh. Cục Công nghệ thông tin phối hợp với Vụ Giáo dục đại học hoàn thiện hệ thống công nghệ, cơ sở dữ liệu.

Năm nay, có điểm mới về mặt kỹ thuật. Chẳng hạn như, từ trước đến nay, chúng ta có nhiều phần mềm, nhiều cơ sở dữ liệu. Đơn cử như, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh có cơ sở dữ liệu riêng. Phần mềm tuyển sinh cũng có cơ sở dữ liệu riêng, về phía ngành có cơ sở dữ liệu riêng.

Hiện Bộ GD&ĐT đã hoàn thành, nghiệm thu cơ sở dữ liệu ngành, cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học. Ngay trong năm nay, việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh sẽ dựa trên những dữ liệu được nhập trên hệ thống này. Việc kết nối giữa phần mềm tuyển sinh và cơ sở dữ liệu này đã được thực hiện từ năm 2022, nay sẽ tiếp tục làm.

“Như vậy, toàn bộ quy trình tuyển sinh, từ xác định chỉ tiêu cho đến đăng ký nhập học sẽ được liên kết, tích hợp với hệ thống cơ sở dữ liệu ngành, đó là HEMIS. Trong tháng 3 này, Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn chi tiết. Tuy nhiên, việc đầu tiên cần làm là hoàn thiện cơ sở dữ liệu” – Thứ trưởng nhấn mạnh.

Các ý kiến trao đổi tại Hội nghị.

Các ý kiến trao đổi tại Hội nghị.

Đối với các Sở GD&ĐT, Thứ trưởng lưu ý, cần sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12; trong đó có hoàn thiện về mã định danh, căn cước công dân.

Các dữ liệu cần bảo đảm nhất quán, không có sai sót, vì cơ sở dữ liệu của ngành sẽ kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác như: bảo hiểm, y tế…

Cũng theo Thứ trưởng, cần sớm cập nhật điểm kết quả học tập (học bạ) để các cơ sở đào tạo có cơ sở dữ liệu nhằm thực hiện việc xét tuyển. Với các trường đại học tổ chức thi riêng, thi năng khiếu có thể làm việc với Bộ GD&ĐT để có thể cập nhật dữ liệu này, nhất là với những trường tổ chức kỳ thi riêng được nhiều đơn vị sử dụng kết quả để tuyển sinh.

Việc cập nhật dữ liệu lên hệ thống sẽ thuận lợi cho các trường sử dụng kết quả kỳ thi này, cũng như cho thí sinh. Khi đó, không nhất thiết các trường phải tổ chức xét tuyển sớm, mà có thể chờ dữ liệu học bạ, dữ liệu kết quả các kỳ thi khác; trong đó có kỳ thi đánh giá năng lực, đánh giá tư duy, đánh giá năng khiếu, kỳ thi tốt nghiệp THPT... để có thể tổ chức xét tuyển chung.

Riêng về xét tuyển sớm, Thứ trưởng nhấn mạnh, các trường không được công bố thí sinh hoàn toàn đủ điều kiện trúng tuyển và không được yêu cầu thí sinh nhập học trước thời điểm quy định.

Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng các tài liệu tiếp theo để tổ chức tập huấn, tuyên truyền; định hướng cho thí sinh ngay từ đầu để các em không bỡ ngỡ với việc đăng ký trên hệ thống và có trách nhiệm trong quá trình đăng ký; tránh những sai sót không đáng có.

Thứ trưởng cũng đề nghị lãnh đạo nhà trường, lãnh đạo các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông, đại diện bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ GD&ĐT để thực hiện tốt nhiệm vụ, định hướng đề ra trong kỳ tuyển sinh năm 2023.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bệnh nhi bị rắn cắn điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BVCC

Nguy cơ tử vong khi trẻ bị rắn cắn

GD&TĐ - Rắn độc cắn là một tai nạn khá thường gặp, có thể dẫn đến tử vong nếu xử trí không thích hợp, đặc biệt khi bị rắn hổ cắn.