Xứ Huế - Tâm tình rơm rạ

Thiên hạ gọi đùa những người làm báo viết văn là “hai tay hai súng”, mỗi người một vẻ. Riêng Phi Tân thì có thể nói là văn sĩ của làng, một tay nhà quê chánh hiệu, mà phải là nhà quê xứ Huế.

Ngoại ô thương nhớ” có 65 bài, chia làm ba phần. Phần một “Chuyện làng” 33 bài, phần hai “Nhớ tết” 13 bài và phần ba “Chút phố” 19 bài. Có cảm giác Phi Tân nhìn đâu cũng thấy đề tài, thượng vàng hạ cám đều có thể đi vào trang viết một cách tự nhiên. 

Nhìn qua tên gọi các bài viết cũng có thể cảm nhận đôi phần: “Con cá, rạnh nưa”, “Chuyện đi họ”, “Đò ơi”, “Mưa giông”, “Đèn dầu”, “Đời hến”, “Hơi ấm mùa đông”, “Mùi lá cuối năm”, “Khói rơm”... Có chuyện cũng viết, không có chuyện cũng vẫn viết được mà lại viết ngọt. Đúng là một “văn nhân nhiều chuyện”.

Mở đầu cuốn sách là “Bolero chợ Nọ”. Đúng rồi, nói về làng quê xứ Huế cũng như nhiều nơi khác là nói đến bolero và ngược lại. Mà bolero chợ Nọ thì tiếng tăm nổi như Cồn Hến. “Nói thiệt muốn khắc họa chân dung của một làng quê xứ Huế thì phải có nhạc bolero. 

Ở Huế có câu hay “bolero chợ Nọ” (chợ Nọ là một chợ nổi tiếng của làng quê ven Huế thuộc Phú Vang) ý nói nhạc bolero là nhạc quê mùa. Nhưng bolero cũng là nhạc của phố thị, những phố thị nghèo và buồn: Buồn vào hồn không tên/Thức giấc nửa đêm nhớ chuyện xưa vào đời/Đường phố vắng đêm nao quen một người/Mà yêu thương trót trao nhau trọn lời...” (trang 10, sách đã dẫn).

Vậy nên tác giả nói lên trải nghiệm bolero không chỉ của riêng mình bằng phương ngữ xứ Huế: Hèn chi nhiều người nói: “Nghe dạc mà dớ dau!” (nghe nhạc mà nhớ nhau) là ri đây... (tr 9, sđd).

Xứ Huế - Tâm tình rơm rạ ảnh 1
Tác phẩm “Ngoại ô thương nhớ” của nhà văn Phi Tân. Ảnh: NXB Trẻ

Ký ức quê nhà thường khi chẳng có gì to tát. Là dư ảnh, dư hương, dư vị bảng lảng trong cồn cào nỗi nhớ như “Chén nước chè xanh”. 

Người mệ bán chè xanh từ thời thôn nữ tóc để đuôi gà. Đôi chân Giao Chỉ chỉ quen đi bộ từ thời chập chững khắp trong xóm ngoài làng, kĩu kịt gánh một đời cần lao trên đôi triêng gióng như gánh cả quê nhà: “Lời lãi chẳng bao nhiêu, lại thức khuya dậy sớm; nhưng đó là niềm vui tuổi già của nội, bà vốn quen với không khí chợ đò từ thời con gái. 

Đến khi già yếu, không đi xa được nữa, mệ vẫn mua lại chè xanh của người khác để bán, cốt miễn răng có chỗ ngồi ở chợ để được bán, được mua, để nghe chuyện này chuyện nọ trong làng...” - (tr 12, 13, sđd).

Phi Tân viết hơn chục bài về Tết, ý vị tuy có khác nhau, song bày biện như thể mâm cơm Tất niên quê kiễng mà đậm đà, không mâm cao cỗ đầy nhưng đã ăn vào là nhớ và xa rồi thì cũng khó quên. 

Người đọc dễ đồng cảm với người viết bởi góc nhìn cận cảnh và tinh tế khi nói về “Tháng Chạp”, gió lạnh với mưa phùn. Chỉ trong tiết trời se sắt như rứa mới cảm được hơi ấm của những mâm cúng Tổ, rồi cúng Tất niên đặt trước sân nhà ai phảng phất mùi khói của hương, của trầm; hay những bước chân vội vã trên các ngã đường, con phố đón xe để kịp mang bao yêu thương về quê cũ. 

Cái lạnh chúm chím trong từng nụ hoa mầm lá đang ấp ủ trong những nhành cây với bao sắc màu trắng xanh vàng đỏ chờ năm mới đến là bung xòe.

Tháng Chạp về, lòng cứ nôn nao chực trút áo thị thành về với làng quê... (tr 135, sđd)

“Chợ Tết tuổi thơ tôi” là hoài niệm xốn xang về những phiên chợ làng ngày trước, lấm láp bùn quê nhưng vẫn hối hả, rộn ràng và đông vui như... Tết. Đó là ký ức không thể nào quên của cậu bé quê mùa: “Bà mua cho tôi mấy lát bánh đúc gói trong ngọn lá chuối xanh ăn lót dạ. Ngồi coi chợ Tết là cái thú vui thời bé dại của tôi. 

Hình như chợ Tết không có những gương mặt cau có mà ngời ngời là những nụ cười của cả người mua kẻ bán. Chợ Tết mà. Sau một năm nhọc nhằn vườn ruộng, người làng đi chợ Tết để bán cái vất vả, mua cái may mắn cho gia đình mâm cỗ Tất niên đón Tết...” - (tr 180, sđd).

Phi Tân viết về làng để nhớ làng thì đã hẳn, nhưng ngay cả khi viết về phố gần hai chục bài thì nỗi nhớ vẫn khôn nguôi, hầu như đâu đó vẫn thấp thoáng hình bóng quê nhà, vẫn là tự sự của một truyền nhân rơm rạ

“Trút áo thị thành”, “Nông dân thành phố”, “Qua cầu Ca Cút”, “Chút quê giữa phố”, “Thương cánh đồng gầy”, “Ngoại ô thương nhớ”... Này đây thị thành, phố xá của anh khi kể về “Mưa Huế lụt Huế”: Viết về mưa Huế tôi cứ nhớ mãi câu “Mưa như thể đã mưa từ kiếp trước”. Nhớ văn nhưng đọc lâu rồi nên không nhớ tác giả.

“Những ngày xa nhà làm quen với đời sinh viên ký túc xá. Mưa Huế đã thử thách lòng người. Mưa một trộ từ sáng đến trưa rồi từ chiều đến đêm. Nằm co ro trên chiếc giường tầng đơn và không ngủ được vì mưa, vì con ệnh oạng nó kêu mà nhớ nhà, nhớ hơi ấm những đêm mưa mấy anh em chui vô một chiếc mền mỏng mà đùa giỡn đủ trò cho đến khi tắt đèn đi ngủ...” - (tr 249, sđd).

Chỉ ngần ấy thôi, tưởng không có gì quan trọng nhưng hồi ức về mưa vẫn có nét riêng của Huế.

“Ngoại ô thương nhớ” là câu chuyện không đầu không cuối về những đặc sản hoa quả của vườn xứ Huế: Thanh trà, nhãn lồng, cam... thành một vành đai xanh ôm ấp cố đô. V

à có những ngôi làng văn vật như Lại Thế làm nên một nét son của tính cách Huế: “...lòng bỗng nhẹ tênh như cây cỏ khi ngắm ngôi nhà rường xưa kiểu Huế từ kiến trúc, hoa văn, màu sơn; đôi câu đối sơn son thếp vàng trên hai tấm gỗ mun đen trước gian thờ gia tiên. 

Rồi mái ngói liệt sẫm màu rêu xô nghiêng và cả nền gạch hoa đã bạc màu theo năm tháng. Sự hài hòa của những ngôi nhà như thế dường như đã nói lên tính cách, phong thái và tâm hồn của những chủ nhân ngôi nhà. Những tâm hồn nhẹ nhàng như hoa, như lá; như những giọt mưa, màu nắng nô đùa vô ưu trên mái ngói thời gian” - (tr 221, sđd).

Văn của Phi Tân ý tứ dồi dào, lối viết giản dị lại không câu nệ nên phóng khoáng, giọng điệu “nhà quê” lại giàu chi tiết, đặc biệt là mạnh dạn dùng phương ngữ xứ Huế nên tạo nên phong vị và thần thái vùng miền. 

Bởi vậy, văn của anh có duyên riêng, đọc vào là biết và ngấm. Với nhiều tác phẩm, anh đã kéo những nghìn trùng xa cách về lại bên mình và khiến cho những điều gần gụi phút chốc bỗng như trở nên khói sương xa ngái. Vẫn luôn mong anh đi trọn con đường văn sĩ của làng. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ