Vợ tôi làm nghề bán giò chả gần chục năm nay nên không thích đến những nơi sang trọng, không phù hợp với phong cách giao tiếp "ồn ào" và quá thoải mái của cô ấy, nhưng chỉ đến khi nghe tôi nhắc đến việc chuẩn bị trang phục đi ăn cưới thì cô ấy mới nhảy dựng lên: "Gì cơ? Tôi bói đâu ra váy dạ hội mới cả dạ hiếc? Cái hồi cưới anh về làm chồng, chẳng qua bố mẹ tôi ép lắm nên tôi mới phải mặc váy ra ngoài, quần dài xắn gối bên trong cho chắc chắn đấy, thế mà lần này chả phải cưới tôi, cũng chả phải cưới con tôi, hà cớ gì anh bắt tôi mặc váy?".
"Giời ạ, cô cẩn thận mồm miệng kẻo hàng xóm nghe thấy thì phiền lắm". Biết vợ "kì thị" váy nhưng không ngờ lần này cô ấy phản ứng dữ dội hơn cả tưởng tượng.
Nhưng có vẻ như tôi vừa "phạm húy", thế là cô ấy lại tru tréo lên: "Sao anh không nói luôn là anh không muốn bạn bè, đồng nghiệp biết vợ anh làm nghề bán giò chả? Tôi biết mà! Tôi làm anh xấu hổ chứ gì? Được rồi, lần này tôi sẽ làm anh "đẹp mặt", anh hài lòng chưa?".
Tình hình có vẻ không đến nỗi tệ như tôi nghĩ, dẫu sao cô ấy cũng đồng ý đi dự đám cưới cùng tôi rồi.
Đợi vợ "hạ nhiệt", tôi sán lại gần, nhẹ nhàng gợi ý: "Em biết không, nếu lần này mình đầu tư cho cái phong bì mừng đám cưới "dày dặn", cắn răng chịu chơi một chút thì chồng của em sẽ được thăng chức nay mai ấy chứ, cái chức trưởng phòng không vào tay anh thì còn ai xứng đáng hơn nữa? Ngồi mãi ở ghế phó phòng quèn anh thấy nản lắm rồi, lần này coi như em giúp anh đi, nếu thành công thì vợ chồng mình hưởng chứ ai hưởng hộ mình đâu. Thế em biết chỗ thuê váy chưa?".
"Gớm khổ! Biết rồi!" - Vợ tôi vùng vằng, nhấc thân hình cồng kềnh của cô ấy ra khỏi sofa rồi đi thẳng vào bếp. Đúng lúc đó điện thoại bàn réo ầm ĩ, tôi miễn cưỡng "A lô", từ đầu dây bên kia là một giọng nói thì thào: "Ông Quyết đấy à? Tôi Thắng đây? Cuối tuần này ông đi đám cưới thế nào?".
Thì ra đấy là thằng cha chuyên hóng hớt ở cơ quan tôi, ai cũng ghét hắn ra mặt, chắc chắn lần này hắn lại dò la thông tin "quà cưới" của nhà tôi đây mà, dại gì mà tôi hé răng, lộ hết cả "chiến thuật". Chỉnh lại tư thế ngồi, tôi hắng giọng: "Lâu nay tôi không quan trọng vấn đề phong bì phong bao đâu, mừng bao nhiêu là tùy tâm, sếp mình cũng không coi trọng vật chất, mừng nhiều quá có khi bị sếp mắng cho ấy chứ".
"Thế hả? Tôi biết rồi!" - Nói xong hắn dập máy đánh "cộp" rất bất lịch sự. Kệ xác hắn, tôi tranh thủ thời gian rảnh lên nhà ủi lại bộ cánh hôm tới sẽ mặc đi đám cưới.
Đúng giờ G, "đoàn" nhà tôi tiến vào sảnh lớn của khách sạn, vợ tôi không ngừng la oai oái vì đôi giày cao gót làm cô ấy đau chân, tôi dặn cô ấy vịn vào tay tôi, trông vừa tình cảm lại không bị "vồ ếch".
Đây rồi, cuối cùng tôi cũng dò được vị trí "hòm bỏ phiếu", khỏi phải nói, khách đến đám cưới đông như trẩy hội, trước mặt vợ chồng tôi là cả dòng người đang chờ đến lượt nhét phong bì.
Gần nửa tiếng đồng hồ trôi qua, cuối cùng thì cũng đến lượt tôi, vợ tôi đứng bên cạnh, mồ hôi nhỏ tong tỏng, miệng lẩm bẩm: "Gớm khổ! Đi ăn cưới mệt hơn đi lấy hàng". Tôi kéo vợ ra một chỗ an ủi: "Thôi em ạ, việc quan trọng nhất mình làm xong rồi, bây giờ chịu khó vào dự tiệc khoảng 1 tiếng nữa là mình được về nhà rồi".
Buổi tối hôm ấy, vợ tôi vẫn không ngừng than đau chân và "đau eo" vì phải mặc váy bó. Khác với thái độ bực dọc của cô ấy, tôi lại thấy khá mãn nguyện với cái phong bì "chịu chơi" của mình, chắc chắn sếp sẽ phải chú ý đến tôi. Đúng lúc ấy tên Thắng lại "hiện hình", lần này hắn gọi hẳn vào di động của tôi. Tôi gắt gỏng: "Gì đấy?"
"Ông chưa biết chuyện gì à? Ông lên trang web công ty mình đi, tin giật gân ngay trang chủ ấy, sếp mình vừa thông báo sẽ gửi toàn bộ tiền mừng đám cưới vào quỹ từ thiện của thành phố, thì ra đây là đám cưới thiện nguyện, cũng là dịp sếp PR tiếng tăm cho công ty, công nhận, sếp cao tay thật! Há há, đứa em họ tôi là chỗ thân cận với sếp, nó báo "tin mật" trước giờ G nên tôi cũng kịp "rút ruột" rồi, may thế, suýt nữa thì tôi đi phong bì dày..."