Xóa nghèo về thông tin, hướng trọng tâm vào vùng khó

GD&TĐ - Thông tin giảm nghèo là một dịch vụ xã hội cơ bản quan trọng cần tiếp tục được quan tâm hỗ trợ, nhằm rút ngắn khoảng cách hưởng thụ thông tin của người dân tại các khu vực khó khăn.

Được tiếp cận thông tin, bà con đồng bào dân tộc có thể học nghề, phát triển sản xuất, từ đó tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững
Được tiếp cận thông tin, bà con đồng bào dân tộc có thể học nghề, phát triển sản xuất, từ đó tăng thu nhập và xóa nghèo bền vững

Thu hẹp khoảng cách về tiếp cận thông tin

Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ, Quốc hội đã tăng nguồn lực đầu tư cho giảm nghèo gấp 2 lần so với giai đoạn trước, đặc biệt thường xuyên chỉ đạo thực hiện đầy đủ chính sách giảm nghèo bền vững; nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững theo hướng toàn diện, đa chiều và hạn chế tái nghèo; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo dễ dàng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, đặc biệt là ở các địa bàn nông thôn, miền núi, hải đảo,…

Khi chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao, thì xóa nghèo về thông tin càng đòi hỏi cao hơn để góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách thu nhập, mức sống của người dân vùng đồng bào dân tộc và miền núi  so với bình quân chung của cả nước.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, thực hiện truyền thông và giảm nghèo về thông tin giai đoạn 2016-2020, các bộ, ngành, địa phương đã phối hợp với các cơ quan Báo, Đài, Truyền hình bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú thực hiện biện soạn, sản xuất và phát hành tin bài, phim tài liệu, chương trình phát thanh, tuyên truyền về chính sách, chương trình giảm nghèo, các gương hộ nghèo làm kinh tế giỏi vươn lên thoát nghèo, các tổ chức, đoàn thể, cá nhân thực hiện tốt công tác an sinh xã hội. Truyền tải các nội dung, góp phần nâng cao nhận thức về giảm nghèo của người dân ở các huyện nghèo, xã nghèo, vùng khó khăn,…

Trong khuôn khổ các hoạt động thông tin truyền thông giảm nghèo, đã có hàng chục nghìn lượt cán bộ cơ sở được tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng thông tin tuyên truyền về giảm nghèo. Tổ chức các hội nghị chia sẻ kinh nghiệm hợp tác hỗ trợ cộng đồng dân tộc thiểu số, thực hiện các sáng kiến giảm nghèo, nhân rộng mô hình giảm nghèo nâng cao năng lực sản xuất tăng thu nhập. Thực hiện các chương trình nhắn tin ủng hộ người nghèo,…

Qua công tác kiểm tra, giám sát, công tác truyền thông, thông tin giảm nghèo trong giai đoạn 2016-2020 đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Khẳng định vai trò quan trọng trong việc định hướng dư luận, tạo sự quan tâm rộng rãi, nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về giảm nghèo bền vững. Kêu gọi hiệu quả sự đóng góp nguồn lực xã hội vào công tác giảm nghèo.

Tăng cường hỗ trợ về thôn, bản

Mặc dù đã đạt được những kết quả tích cực, nhưng khối lượng thực hiện các nhiệm vụ vẫn còn rất khiêm tốn, do kinh phí bố trí còn thấp.

Do đó, giai đoạn 2021-2025, Bộ Thông tin và Truyền thông đề xuất tiếp tục Dự án truyền thông về giảm nghèo. Trong đó hỗ trợ tăng cường nội dung thông tin, tuyên truyền về chính sách giảm nghèo; Tăng cường khả năng tiếp cận thông tin của người nghèo, hộ nghèo, vùng khó khăn; Đẩy mạnh chuyển đổi số để thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ truyền thông và giảm nghèo về thông tin, bám sát và phù hợp với Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025.

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Phó vụ trưởng phụ trách Vụ KHTC Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết: Tiếp tục xem thông tin là một dịch vụ cơ bản trong các tiêu chí giảm nghèo, nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của cộng đồng trong giảm nghèo bền vững. Các hoạt động thông tin giảm nghèo cần được tiến hành trên phạm vi cả nước, hướng trọng tâm vào các khu vực khó khăn

Về nội dung của Dự án cơ bản giống như giai đoạn trước, nhưng sẽ tăng cường các hoạt động bồi dưỡng kỹ năng cho cán bộ thông tin truyền thông tại cơ sở, đặc biệt mở rộng đối tượng cán bộ cấp thôn, bản vùng sâu, vùng xa, ưu tiên những xã có tỷ lệ hộ nghèo cao.

Tổ chức thiết lập bảng tin công cộng tại trung tâm các huyện để phổ biến thông tin thiết yếu đến đồng bào vùng cao, vùng đồng bào dân tộc. Thiết lập hệ thống thông tin điện tử đối thoại tại cửa khẩu quốc tế đường bộ, trung tâm giao thương.

Hỗ trợ duy trì vận hành điểm cung cấp xuất bản phẩm, quảng bá phổ biến các ấn phẩm truyền thông, đồng thời hỗ trợ tiếp cận các sản phẩm, thông tin tại các xã có điều kiện đặc biệt khó khăn.

Tăng cường các nội dung thông tin thiết yếu, bao gồm các ứng dụng công nghệ thông tin trong thông tin tuyên truyền, ưu tiên đối tượng là xã, huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao, tạo điều kiện cho người nghèo tiếp cận thông tin thiết yếu và nâng cao hiệu quả truyền thông.

"Trong 10 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trong giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội. Giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 2%/năm. Tỷ lệ nghèo từ 9,88% năm 2015 đã giảm còn 3,75% vào cuối năm 2019. Năm 2020 dự kiến tỷ lệ nghèo chỉ còn dưới 3%, đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia đầu tiên về đích trước mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc về giảm nghèo."

Đây là bài viết tuyên truyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ