Vĩnh Phúc: Khởi sắc công tác giảm nghèo bền vững ở huyện Vĩnh Tường

GD&TĐ - Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, nhiều chính sách giảm nghèo như chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở, tín dụng, hỗ trợ phát triển sản xuất… được huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai đồng bộ, qua đó giúp người nghèo ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.

Tra tặng bò cho hộ người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vĩnh Tường
Tra tặng bò cho hộ người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Vĩnh Tường

Triển khai đồng bộ các giải pháp

Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện Vĩnh Tường lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới hằng năm từ 0,5 – 0,7%. Năm 2016, qua rà soát, toàn huyện Vĩnh Tường có 2.366 hộ nghèo tiếp cận đa chiều, chiếm 4,21% tổng số hộ dân cư. So với các huyện trong tỉnh con số này không phải cao nhưng để thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội, huyện đã hủy động sức mạnh toàn hệ thống chính trị - xã hội cùng chung tay thực hiện giảm nghèo bền vững.

Huyện Vĩnh Tường đã triển khai đồng bộ các giải pháp như: Kiện toàn Ban chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia giai đoạn 2016- 2020; thành lập tổ tư vấn; chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị sự nghiệp, UBND các xã, thị trấn triển khai thực hiện tốt các nội dung thuộc chương trình; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị xã hội, sự tham gia ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp nhằm tạo sự lan tỏa, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, triển khai đầy đủ các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, của huyện đối với hộ nghèo một cách linh hoạt, phù hợp, giúp hộ nghèo vươn lên.

Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh để nâng cao nhận thức trong công tác giảm nghèo bền vững, xem đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, sự chỉ đạo, điều hành của chính quyền, sự phối hợp đồng bộ của các tổ chức Hội, đoàn thể, nhằm khơi dậy tiềm năng, phát huy thế mạnh, điều kiện của từng hộ nghèo, cùng với sự trợ lực của toàn xã hội, tạo ra sức mạnh tổng hợp giúp cho hộ nghèo có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao đời sống vươn lên thoát nghèo.

Một trong những giải pháp chiến lược trong công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện là chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của các cấp ủy chính quyền và nhân dân.. Từ năm 2016 đến nay, toàn huyện Vĩnh Tường đã có 3.314 hộ nghèo, hộ thoát nghèo được sử dụng vốn vay của Ngân hàng chính sách xã hội với doanh số cho vay đến nay đạt gần 165 tỷ đồng với các chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay hộ cận nghèo, cho vay hộ mới thoát nghèo, cho vay giải quyết việc làm,... Nhờ thực hiện hiệu quả các giải pháp giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm từ 3,31% năm 2015 xuống còn 1,4% vào năm 2020. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 29 triệu đồng năm 2015 lên đến 55,3 triệu đồng vào năm 2020, 100% số xã trong huyện đã về đích nông thôn mới. Điều đặc biệt, ý thức vươn lên thoát nghèo của người dân trên địa bàn những năm qua được nâng lên rõ rệt, thể hiện qua việc có nhiều hộ tự nguyện đăng ký thoát nghèo.

Tiếp tục giảm nghèo bền vững

Ông Trần Việt Cường - Bí thư Huyện ủy huyện Vĩnh Tường cho biết: “Đảng bộ huyện Vĩnh Tường xác định công tác giảm nghèo tiếp tục là nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020-2025. Mục tiêu mỗi năm huyện phấn đấu giảm từ 0,5% - 0,7% tỷ lệ hộ nghèo; 100% đối tượng thuộc hộ nghèo, hộ mới thoát nghèo và hộ cận nghèo được hưởng các chính sách về y tế, giáo dục và trợ giúp pháp lý kịp thời, đầy đủ và đúng quy định. Đồng thời, tăng cường, cải thiện các dịch vụ xã hội chăm lo về sức khỏe, giáo dục cho người nghèo”.

Để công tác giảm nghèo đạt được hiệu quả cao hơn, trong năm 2020 và những năm tiếp theo, huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của chính quyền và vai trò các tổ chức, đoàn thể từ cấp huyện đến cơ sở đối với công tác giảm nghèo. Phát huy mọi nguồn lực, lồng ghép có hiệu quả các chương trình, dự án, tập trung giảm nghèo bền vững. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, động viên, để mỗi hộ nghèo, cận nghèo phải có ý thức vươn lên, tự lực vượt qua khó khăn, thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của Nhà nước và cộng đồng.

Với quan điểm xóa nghèo phải được thực hiện bằng việc trao cho người dân “cái cần câu” chứ không phải “con cá”, huyện sẽ ưu tiên, tạo điều kiện để các hộ nghèo, cận nghèo được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ các nguồn vốn vay ưu đãi của Nhà nước; khuyến khích, động viên các hộ mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp tại địa phương để phát triển kinh tế gia đình, vươn lên thoát nghèo bền vững. Tập trung hỗ trợ về sinh kế cho hộ nghèo; chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn; thông tin đầy đủ về thị trường lao động, phối hợp với các doanh nghiệp, công ty tư vấn xuất khẩu lao động để tạo nhiều việc làm, thu nhập cao cho lao động.

Với nhiều giải pháp đồng bộ, cùng với quyết tâm cao của cấp uỷ, chính quyền địa phương và ý thức vươn lên làm giàu bằng chính sức lao động của người dân, công cuộc giảm nghèo bền vững của huyện Vĩnh Tường thời gian tới chắc chắn sẽ tiếp tục gặt hái được những kết quả tốt, góp phần tích cực sớm đưa Vĩnh Tường trở thành đô thị loại IV và thị xã vệ tinh của đô thị Vĩnh Phúc.

Đây là bài viết tuyên trruyền về truyền thông và giảm nghèo về thông tin thuộc CTMTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020 của Bộ TTTT

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ