(GD&TĐ) - Tình trạng phụ nữ và trẻ em gái mù chữ vẫn tồn tại ở nhiều nơi, đặc biệt tại địa bàn miền núi, vùng cao. Điều đó không chỉ ảnh hưởng tới cuộc sống và tương lai người phụ nữ mà còn ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế xã hội nói chung. Vấn đề xoá mù chữ cho phụ nữ và trẻ em gái vô cùng cấp bách và đòi hỏi những giải pháp khoa học.
Xóa mù chữ tại thôn Khe Cát (Tiên Yên, Quảng Ninh) Ảnh:Văn Lê |
Khổ như không biết chữ
Có thể nói, đến nay tỷ lệ trẻ em gái và phụ nữ miền núi, đồng bào dân tộc mù chữ vẫn cao bởi nhiều nguyên nhân. Trước tiên do điều kiện đi học của người dân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái còn khó khăn. Bên cạnh đó ở miền núi, đồng bào các dân tộc chủ yếu sống bằng nương rẫy, kinh tế mang nặng tính tự cung, tự cấp. Với loại hình kinh tế nương rẫy, sự phân công lao động trong mỗi gia đình rất chặt chẽ, bố mẹ và con cái đều có công việc cụ thể, không thể thiếu và vắng mặt một lao động nào (kể cả em bé gái) trong cơ chế sản xuất tự cung tự cấp khép kín ở mỗi gia đình. Người phụ nữ lao động với cường độ cao, thời gian kéo dài từ 14 – 18 tiếng/ ngày. Do đó điều kịên đi học của người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em rất khó khăn.
Mặt khác, người dân vùng cao luôn sống trong môi trường biệt lập, gần như khép kín trong không gian nơi ở (bản, làng) và nơi làm việc (nương rẫy) kỹ thuật canh tác mang nặng tính chất kinh nghiệm di truyền từ đời này sang đời khác ít biến đổi. Xã hội vùng cao gần như ngưng đọng cả về mặt thời gian, biệt lập cả về mặt không gian. Nhu cầu giao tiếp ít, đời sống văn hoá còn thấp. Vì vậy nhu cầu dùng chữ của đồng bào miền núi còn hạn chế. Ở miền núi, nhiều nơi chưa hình thành nhu cầu dùng chữ, và điều kiện đáp ứng nhu cầu đó cũng lại vô cùng khó khăn. Đấy là nguyên nhân chủ yếu khiến cho tình trạng mù chữ và tái mù chữ khá phổ biến ở vùng cao và đối tượng là phụ nữ và trẻ em gái.
Ghi nhận chung từ những chị em phụ nữ miền núi, vùng cao không biết chữ cho thấy hầu hết đều bị động trong cuộc sống hàng ngày. Sự khó khăn hòa nhập với cuộc sống thể hiện từ những sinh hoạt đơn giản nhất như không biết tính toán khi đi chợ mua bán, không biết nhìn mặt cân, khi xem ti vi không hiểu được nội dung ngôn ngữ hiển thị trên màn hình, chị em cũng không nắm bắt được thông tin qua sách báo vì không biết đọc. Đặc biệt, trong giao tiếp với chính quyền sở tại, hoặc làm thủ tục giấy tờ... thì cán bộ phải mất nhiều thời gian giải thích để hiểu rồi mới điểm chỉ.
Vai trò dạy bảo con cháu trong gia đình của người phụ nữ cũng không được phát huy bởi bản thân người phụ nữ còn chịu ảnh hưởng, thiệt thòi từ mù chữ thì không thể giúp đỡ bảo ban con cháu.
Để phụ nữ và trẻ em gái có được sự phát triển và không trở thành “gánh nặng” của xã hội thì vấn đề xóa mù chữ thực sự là nhiệm vụ cấp bách và đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Xóa mù phải gắn liền với nhu cầu người học
Kinh nghiệm xóa mù ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy để việc xoá nạn mù chữ cho trẻ em gái và phụ nữ hiệu quả thì cần phải có những giải pháp hiệu quả, gắn liền với nhu cầu người học, có tác dụng thiết thực với người học.
Bà Nguyễn Thị Duyên - Phó phòng Giáo dục Tiên Yên (Quảng Ninh) cho biết: Kể từ khi địa phương có chính sách hỗ trợ cho vay vốn sản xuất đối với bà con thì tỉ lệ phụ nữ mù chữ tham gia vào các lớp học xóa mù do Phòng Giáo dục Tiên Yên tổ chức tăng lên đáng kể. “Nếu như chỉ hô hào chị em đi học để biết mặt chữ, để có biết đọc, biết viết... thì chưa chắc chị em phụ nữ đã có nhu cầu học. Nhưng khi vay vốn ngân hàng, phụ nữ phải trực tiếp đứng ra làm thủ tục ký tên thay vì điểm chỉ như trước kia thì chị em phụ nữ bắt buộc phải tham gia lớp học”. Chính vì vậy, từ nhiều năm nay Phòng Giáo dục Tiên Yên đã kết hợp cùng nhiều ban ngành đoàn thể khác trong xã hội cùng tổ chức những lớp học xóa mù gắn liền với mục đích học tập rõ ràng, thiết thực với cuộc sống người dân.
Thực tế cũng cho thấy, đối tượng mù chữ thường có điều kiện kinh tế khó khăn, bản thân đều là lực lượng lao động chính trong gia đình nên thời gian tham gia học tập không có. Bên cạnh đó, nhiều nơi phụ nữ không thể tự quyết được cuộc sống của bản thân, việc tham gia vào các tổ chức đoàn thể hay tham lớp học đều phụ thuộc vào sự đồng ý của người chồng. Vì vậy, để tổ chức những lớp học xóa mù cho chị em, bên cạnh công tác tuyên truyền đả thông tư tưởng cho người chồng thì chính quyền địa phương cũng cần có sự hỗ trợ về phương tiện học tập.
Hiện nay nhiều địa phương đã hỗ trợ miễn phí hoàn toàn kinh phí học tập, sách bút, địa điểm... Thậm chí, sau mỗi khóa học có sự đánh giá, tổng kết để khen thưởng tuyên dương những phụ nữ tích cực tham gia. Với những người có thành tích tốt, tiếp tục tận dụng làm nòng cốt để tuyên truyền những chị em phụ nữ khác.
Công tác xóa mù ở bất kỳ nơi đâu cũng không thể thiếu những thầy cô giáo tận tâm với công cuộc mang ánh sáng, con chữ đến cho người dân.
Nhiều học viên trong lớp xóa mù người dân tộc Dao tại Tiên Yên - cho biết, họ đến lớp khi đã 50 - 60 tuổi, tay chân quen cầm cày, cuốc hàng ngày nên những ngày đầu đến lớp không chỉ mang tâm lý ngại ngùng mà tay cầm bút cũng thấy “cứng”. Sau khi được cô giáo giải tỏa tâm lý và cầm tay đưa bút theo chiều nhiều lần thì các chị mới có hứng thú học tập. Sau 3 tháng tham gia vào lớp học xóa mù, các chị đã có thể đọc được con chữ, biết đếm tiền, có thể tự đi vay tiền ngân hàng và quan trọng hơn cả là có thể dạy được con cháu đọc cái chữ.
Cô giáo Tô Thị Hoàng - Người đứng lớp giảng dạy cho những bà con dân tộc Dao mù chữ tại Tiên Yên cũng cho biết: Chị em phụ nữ dân tộc mặc dù không biết chữ nhưng sự tự trọng và tự ái cao. Dạy học là quá trình vừa dạy vừa dỗ. Cô và trò như người thân dạy cho người thân mà không có sự phân biệt ranh giới cô trò. Để học sinh đến lớp đều đặn, không chỉ là dạy những con số, con chữ cô giáo còn kiêm luôn nhiệm vụ “tư vấn” mọi vấn đề từ sinh hoạt đến sản xuất cho chị em. Càng gần gũi, tận tâm bao nhiêu càng giúp cô có phương pháp giúp trò mau tiến bộ bấy nhiêu.
Cũng theo cô Hoàng, quá trình học tập xóa mù cho phụ nữ và trẻ em dân tộc Dao ở Tiên Yên đã giúp các chị em tự tin hòa nhập cuộc sống cộng đồng. Trước đây, chị em phụ nữ chỉ quanh quẩn trồng trọt, chăn nuôi... tại gia đình, thôn, làng... thì nay đã có thể lên xã, huyện. Các chị em đã có thể tự mang sản phẩm ra chợ huyện, xã để giao dịch buôn bán mà không cần mang theo chồng, con để nhờ tính toán hộ... Có cái chữ, tiếng nói vai trò, cuộc sống của những người phụ nữ trong mỗi gia đình và xã hội đã có sự đổi thay tích cực.
Xóa mù cho phụ nữ và trẻ em gái không chỉ là giải phóng phụ nữ thoát khỏi cảnh nghèo nàn, lạc hậu mà góp phần vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Vì vậy, công tác xóa mù cho phụ nữ và trẻ em hiện nay vẫn đang được các quốc gia trong đó có Việt Nam luôn quan tâm và coi đây như nhiệm vụ quan trọng hàng đầu.
Kinh nghiệm xóa mù ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy để việc xoá nạn mù chữ cho trẻ em gái và phụ nữ hiệu quả thì cần phải có những giải pháp phù hợp, gắn liền với nhu cầu người học, có tác dụng thiết thực với người học. |
HÀ LINH ANH