Ngay sau khi Dự thảo được công bố, nhiều chuyên gia bày tỏ đồng tình, nhưng cũng có không ít ý kiến lo ngại về tính công bằng, minh bạch giữa các doanh nghiệp (DN) được xoá nợ và DN không được xoá nợ...
Có 3 đối tượng chính được xoá nợ
Theo Dự thảo, có 3 trường hợp chính được Bộ Tài chính đề nghị xoá nợ. Đầu tiên là xoá nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hoá, dịch vụ được thanh toán bằng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN) hoặc có nguồn từ NSNN nhưng chưa được thanh toán, với số tiền 542,5 tỷ đồng.
Tiếp theo là xoá nợ tiền chậm nộp thuế của các khoản nợ thuế phát sinh trước ngày 1/1/2018 của người nộp thuế gặp thiên tai, hoả hoạn, tai nạn bất ngờ hoặc trường hợp khó khăn bất khả kháng, với số tiền tính đến thời điểm 31/12/2017 ước khoảng 1.700 tỷ đồng.
Cuối cùng, Bộ Tài chính đề xuất xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với những trường hợp không còn khả năng thu do người nộp thuế thực tế đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh, thực tế không còn hoạt động sản xuất kinh doanh trước ngày 1/1/2017 mà không còn khả năng nộp ngân sách và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Ngoài ra, hộ, cá nhân kinh doanh đã ngừng kinh doanh trước ngày 1/1/2017 cũng được đề nghị xoá nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt, với số tiền lên đến hơn 24.300 tỷ đồng. Theo đại diện Bộ Tài chính, trong những trường hợp nêu trên, mặc dù nhiều người nộp thuế đã tuân thủ pháp luật, nỗ lực nộp thuế, cơ quan thuế đã thực hiện đầy đủ các biện pháp quản lý thu nợ thuế theo quy định nhưng do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan ngoài ý muốn, họ vẫn còn nợ tiền chậm nộp thuế.
Như vậy, tổng số tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đề nghị xoá ước khoảng hơn 26.500 tỷ đồng. Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đề nghị khoanh nợ (tạm thời chưa thu và không tính tiền chậm nộp thuế) đối với người nộp thuế nợ tiền thuế đã chấm dứt hoạt động sản xuất kinh doanh quá một năm, cơ quan đăng ký kinh doanh đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Liệu có minh bạch, công bằng?
Ngay khi Dự thảo được công bố, dư luận tỏ ra băn khoăn, lo ngại là làm sao việc xoá nợ thuế đảm bảo tính công bằng, minh bạch, công khai, tránh việc DN lạm dụng khai báo phá sản, giải thể, hoặc thông đồng với cơ quan quản lý thuế nhằm trốn thuế. Các chuyên gia cho rằng, chắc chắn việc xoá nợ thuế sẽ làm ngân sách giảm thu nhưng là cần thiết để DN sau khi sắp xếp lại có thể phục hồi, quay trở lại nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất mà các chuyên gia lo ngại là làm sao để công bằng, minh bạch khi xoá nợ để các DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế không bị thiệt thòi.
Theo các chuyên gia, trước đây chúng ta đã có tiền lệ xoá nợ thuế cho một số DN không có khả năng thu hồi. Điều này giúp Chính phủ dứt điểm làm sạch bản cân đối ngân sách tài chính, phía DN cũng vậy. Bên cạnh đó, việc xoá nợ thuế không có khả năng thu hồi cho DN còn giúp giảm tỷ lệ DN phá sản, tạo môi trường kinh doanh tốt hơn, từ đó DN có điều kiện tiếp tục hoạt động, tạo công ăn việc làm và đóng thuế trở lại cho Nhà nước.
Tuy nhiên, việc xoá nợ thuế cũng sẽ tạo ra tình trạng DN lạm dụng, gây bất bình đẳng giữa các DN và tác động trực tiếp tới số thu ngân sách. Nhưng để chọn giữa cái mất nhiều và ít thì Chính phủ bắt buộc phải xoá nợ thuế không có khả năng thu hồi. Có điều, cần có sự giải thích rõ ràng, tìm hiểu thật kỹ nguyên nhân khách quan của DN, cần công khai và lưu giữ thông tin những DN được xoá nợ, với tỷ lệ được xoá cụ thể... Các chuyên gia cho rằng, việc các DN lạm dụng chính sách để trốn thuế là rất khó tránh. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất cần phải quản lý thật chặt chẽ.