Tránh thất thu ngân sách
Hiện cả nước có 3,6 triệu hộ kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó số hộ nộp thuế theo hình thức khoán là gần 2 triệu hộ, chiếm 66%. Bình quân mức thuế khoán quý I năm nay ở khoảng 672.000 đồng/hộ/tháng.
Ưu điểm của thuế khoán là đơn giản, dễ thực hiện nhưng lại thiếu tính minh bạch. Không ít hộ kinh doanh có doanh thu cao nhưng lại khai báo thấp hơn để trốn thuế.
Trong Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân vừa được Bộ Chính trị ban hành có một nội dung đáng chú ý là xóa bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh, chậm nhất trong năm 2026.
Nghị quyết 68 xóa bỏ thuế khoán vào năm 2026 là chủ trương phù hợp, đúng đắn. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, để thực hiện được thì rất cần các nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể. Các hộ kinh doanh sau khi kết thúc thuế khoán sẽ chuyển đổi sang phương pháp kê khai hoặc sử dụng hóa đơn điện tử từ máy tính tiền, thông qua các giải pháp công nghệ và ứng dụng eTax Mobile.
Theo các chuyên gia, việc áp dụng hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích cho hộ kinh doanh. Thứ nhất là giúp minh bạch doanh thu, giảm rủi ro bị ấn định thuế cao.
Tiếp đến sẽ tạo điều kiện tiếp cận vốn vay, bởi các tổ chức tín dụng sẽ đánh giá cao những hộ kinh doanh có hệ thống quản lý tài chính minh bạch. Bên cạnh đó, nâng cao uy tín của hộ kinh doanh, tạo dựng niềm tin với khách hàng và đối tác.
Chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú - giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội đánh giá, đây là chủ trương đáng hoan nghênh. Hiện toàn quốc có khoảng hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Trong đó, chỉ khoảng 100.000 hộ kinh doanh áp dụng dạng kê khai thuế.
Các hộ kinh doanh chịu mức thuế khoán hiện nay nhìn chung khá thấp, hầu như thấp hơn mức thuế thực tế đáng ra phải nộp nếu kê khai đầy đủ. Đây cũng là mảnh đất dễ xảy ra tiêu cực, bắt tay, phân chia quyền lợi.
Theo lãnh đạo Cục Thuế, số thu từ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh năm 2024 đạt hơn 25.950 tỷ đồng, bằng 120% năm 2023. Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt yêu cầu đặt ra, cần giải pháp chính sách có tính đột phá, phương thức quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số, kinh doanh nhà hàng, khách sạn và dịch vụ… hạn chế tối đa thủ đoạn lách luật để trốn thuế.
Trước thông tin sẽ xóa bỏ thuế khoán, anh Hoàng Quốc Bảo, chủ cửa hàng kinh doanh đồ gia dụng tại Hà Nội cho biết, chưa nắm được việc triển khai, nếu áp dụng, hộ kinh doanh nhỏ cần được hướng dẫn chi tiết.
Anh Bảo cho biết, nhiều hộ kinh doanh cũng trong tình trạng tương tự, chỉ biết mình thu được bao nhiêu, chi ra thế nào và lời ra sao, chưa thực hiện sổ sách hóa đơn, chứng từ. Phần lớn đều nộp thuế theo phương pháp thuế khoán, tức là cơ quan thuế sẽ ấn định một mức doanh thu cố định cho cả năm. Hộ kinh doanh nộp thuế dựa trên mức khoán này.
Cần lộ trình cụ thể
Để triển khai chủ trương mới, các chuyên gia cho rằng, ngành thuế cần có sự chuẩn bị, xây dựng hạ tầng, còn người nộp thuế cũng phải được hướng dẫn, hỗ trợ với lộ trình phù hợp, đặc biệt là nhóm hộ kinh doanh quy mô nhỏ, siêu nhỏ.
Theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín chia sẻ, quy định kê khai ở đây, đơn giản là doanh thu kê khai, số thu thực tế bán hàng và cũng nhân với tỷ lệ quy định. Hộ kinh doanh cần thực hiện đầy đủ sổ sách kế toán, hóa đơn, chứng từ.
“Hộ kinh doanh có nhiều nơi quy mô siêu nhỏ. Nếu tất cả phải chuyển sang kê khai thuế, rất nhiều chi phí phát sinh, cho cả người kinh doanh và xã hội. Cơ quan quản lý có thể tính tới bổ sung phương pháp tính thuế theo thực tế phát sinh, tức là hộ kinh doanh chỉ cần bán hàng thực hiện đầy đủ hóa đơn, máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế’’, ông Được phân tích.
Chia sẻ với báo chí, ông Lê Ngọc Huy - Trưởng phòng Thuế cá nhân, hộ kinh doanh và thu khác (Chi cục Thuế khu vực I, Cục Thuế, Bộ Tài chính) cho biết, chi cục đã xây dựng kế hoạch triển khai Nghị định số 70/2025/NĐ-CP với các bước khá chi tiết.
Bước đầu tiên là tuyên truyền chính sách đến người nộp thuế. Từ nay đến 20/5, chi cục sẽ triển khai ngay với các hộ, cá nhân có doanh thu khoán hàng năm từ 1 tỷ đồng/năm trở lên; tiếp tục mở rộng các đối tượng khác trong thời gian sau đó.
Với tổ chức, doanh nghiệp, chi cục sẽ gửi thông báo bằng email, văn bản thông tin về bộ nội dung, đối tượng áp dụng hóa đơn điện tử khởi tạo từ máy tính tiền theo Nghị định 70/2025/NĐ-CP để các doanh nghiệp căn cứ, xác định điều kiện và đăng ký với cơ quan thuế.
Ông Huy chia sẻ, theo định hướng của Chính phủ và ngành thuế, công tác quản lý thuế trong thời gian tới sẽ chuyển đổi toàn bộ tất cả các hộ kinh doanh theo phương pháp kê khai. Điều này nhằm đảm bảo tinh thần đối với hộ kinh doanh là tự khai, tự nộp. Hơn nữa, việc kê khai này sẽ phản ánh trung thực doanh thu của hộ kinh doanh, từ đó tránh những bất cập từ phương pháp “thuế khoán”.
Nhấn mạnh xóa bỏ hình thức thuế khoán sẽ góp phần quan trọng giải quyết những bất cập như thất thu thuế hay tình trạng tiêu cực, song theo chuyên gia thuế Nguyễn Ngọc Tú (giảng viên Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội): Việc triển khai cần có lộ trình và giải pháp hỗ trợ phù hợp cho các hộ kinh doanh.
Trước mắt, nên lựa chọn diện áp dụng theo quy mô hộ kinh doanh và ngành hàng kinh doanh. Ví dụ, các ngành hàng như: Ăn uống, vận tải, bán thuốc, bán sữa… cần đưa vào diện triển khai sớm.
Nghị định 70/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ đã yêu cầu các hộ kinh doanh có doanh thu từ 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử có kết nối máy tính tiền. Việc quản lý hóa đơn, chứng từ điện tử sẽ được áp dụng theo quy trình mới nhằm giảm thiểu rủi ro, nâng cao hiệu quả giám sát hóa đơn, tránh thất thu thuế.