Xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ trong học đường

GD&TĐ - Hội thảo Tổng kết hoạt động năm 2024: “Tập huấn truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+” được tổ chức vào ngày 18/10.

Cần xóa bỏ khuôn mẫu giới để có bình đẳng thực sự (Ảnh minh họa/internet.
Cần xóa bỏ khuôn mẫu giới để có bình đẳng thực sự (Ảnh minh họa/internet.

Sự kiện do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức.

Giáo dục đóng vai trò cốt lõi

Theo GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giáo dục đóng vai trò cốt lõi, tạo dựng thay đổi. Mỗi chúng ta, dù là nhà khoa học, cán bộ quản lý, giáo viên, phụ huynh hay học sinh, đều có vai trò trong việc xây dựng môi trường học đường thân thiện, bao dung và không định kiến.

“Tất cả mọi người đều có thể hưởng trọn vẹn quyền con người, được đối xử bình đẳng và tôn trọng” – GS.TS Lê Anh Vinh nhấn mạnh và cho rằng, những định kiến ngầm về khả năng, vai trò của các giới sẽ cản trở khả năng sáng tạo của mỗi con người.

dinhkiengiuoi-1-7626.jpg
GS.TS Lê Anh Vinh phát biểu tại hội thảo.

Khẳng định vai trò của giáo dục, Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nêu quan điểm, chủ thể tạo ra sự thay đổi sẽ bắt nguồn từ các thầy, cô giáo – những người quan trọng góp phần tạo nên môi trường giáo dục an toàn, hòa nhập.

Qua đó, để mỗi đứa trẻ được phát huy tối đa điểm mạnh và sở trường của mình, biết vượt qua những thách thức và rào cản trong học tập cũng như có suy nghĩ tích cực, đúng đắn trong cuộc sống.

Xóa bỏ định kiến giới là quá trình dài, GS Lê Anh Vinh nhận định. Để có nhận thức đúng đắn về bình đẳng giới là điều không dễ. Việt Nam đã làm được nhiều điều như: Luật Bình đẳng giới ra đời, cùng với nhiều thay đổi trong cách nhìn nhận của toàn xã hội.

Tuy nhiên, vẫn còn chặng đường dài cần phải làm để tạo bình đẳng không chỉ trong tiếp cận, mà còn môi trường học tập an toàn, thân thiện. Qua đó, học sinh được tham gia, xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+.

dinhkiengiuoi-5-6422.jpg
Ông Đỗ Đức Lân chia sẻ tại hội thảo.

Liên quan đến các vấn đề về giới, xóa bỏ định kiến giới, ông Đỗ Đức Lân - Phó trưởng ban điều hành các hoạt động thuộc Dự án "Học tập và kỹ năng cho trẻ em" Tổ chức UNICEF Việt Nam tài trợ - chia sẻ, những năm gần đây, đã có một số cuộc thi như: Cuộc thi Giáo dục Giới tính năm 2022, Cuộc thi STEAM được tổ chức cho nữ sinh với mong muốn thu hút sự tham gia nữ giới yêu thích khoa học, mong muốn khám phá tìm hiểu khoa học…

Đây là những môn học đa số mọi người cho rằng chỉ dành cho nam giới. Vì vậy, việc khích lệ và động viên các em học sinh khám phá những tri thức, những việc làm mới là điều cần thiết.

“Qua đó, giúp các em tự tin chiếm lĩnh công nghệ, tự tin với việc ra quyết định và thực hiện theo kế hoạch của bản thân. Tuy nhiên, điều này cần sự hỗ trợ, chung tay và đồng hành của giáo viên, nhà trường và phụ huynh học sinh cũng như xã hội” – ông Đỗ Đức Lân bày tỏ.

dinhkiengiuoi-3-9104.jpg
Các đại biểu chia sẻ, thảo luận tại hội thảo

Vấn đề về giới tuy không còn là nhạy cảm nhưng cần có cách tiếp cận tổng thể, đầy đủ để cung cấp những góc nhìn khách quan, khoa học để phòng ngừa bạo lực học đường trên cơ sở giới, xây dựng trường học an toàn, hạnh phúc.

Trên hết, quan trọng nhất vẫn là sự yêu thương, chia sẻ và thấu hiểu của mỗi thầy cô giáo với vai trò vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh, của các em học sinh với nhau, của gia đình và toàn xã hội. Những giá trị tích cực từ hội thảo sẽ được lan tỏa đến các cộng đồng nhà trường để tạo ra sự thay đổi.

Những thay đổi này dần dần sẽ xóa mờ những định kiến về giới, về vai trò và khả năng của mỗi người để nhường chỗ cho những giá trị phổ quát của loài người, của quyền con người, góp phần tạo nên một môi trường giáo dục an toàn, bình đẳng, hòa nhập và không định kiến.

dinhkiengiuoi-6-8474.jpg
Bà Lê Anh Lan, Chuyên gia giáo dục, UNICEF Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Định kiến giới, nguyên nhân của bạo lực học đường

Đại diện UNICEF Việt Nam, bà Lê Anh Lan - Chuyên gia Giáo dục nhìn nhận, chủ đề định kiến về giới đang nhận được nhiều sự quan tâm của các tổ chức quốc tế, nhà nghiên cứu và cộng đồng nhà trường.

Nhiều nghiên cứu, các cuộc khảo sát cho thấy, định kiến giới là một trong những nguyên nhân của phân biệt đối xử về giới và bạo lực học đường trên cơ sở giới. Những định kiến này sẽ trở thành rào cản, kìm hãm sự phát triển của mỗi cá nhân trong học tập, lao động và gia nhập đời sống xã hội.

Tại trường THCS Kim Tân (TP Lào Cai), cô Nguyễn Thị Thu Giang, Hiệu trưởng cho biết: Nhờ được tham gia dự án và được các chuyên gia hướng dẫn từ sớm, phòng tư vấn tâm lý học đường của nhà trường đã hoạt động hiệu quả, giúp nhiều em học sinh vượt qua được khó khăn tâm lý. Các em học sinh đã mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, lấy câu chuyện của mình để lan tỏa những bài học tích.

dinhkiengiuoi-8-2344.jpg
Toàn cảnh hội thảo.

Để góp phần xóa bỏ định kiến về giới, sinh viên Vũ Khánh Tùng, ngành Tâm lý học, Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đề xuất, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức các hội thảo về giới và cộng đồng LGBTIQ+

Ngoài ra, xây dựng không gian an toàn cho các cá nhân trong cộng đồng để họ không bị phân biệt; tổ chức các buổi đối thoại; chia sẻ tiếng nói của cá nhân cộng đồng LGBTIQ+ trong truyền thông…

Giai đoạn 2022 – 2026, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam phối hợp với Ban Quản lý các dự án (Bộ GD&ĐT) thực hiện chuỗi các hoạt động thuộc Dự án Học tập và Kỹ năng cho Trẻ em do UNICEF tại Việt Nam tài trợ.

“Tập huấn và truyền thông thúc đẩy xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+” là một trong những hoạt động trọng tâm trong khuôn khổ Dự án mà Viện triển khai nhằm tạo ra một môi trường an toàn, hạnh phúc, hòa nhập cho tất cả trẻ em trong nhà trường và ngoài cộng đồng.

Trước bối cảnh toàn cầu hóa với sự thay đổi sâu rộng trên mọi mặt của đời sống xã hội, học sinh cần được trang bị kiến thức, kĩ năng và thái độ tôn trọng, bình đẳng và hòa nhập, nơi quyền con người và những giá trị tốt đẹp được tôn trọng.

Đó sẽ là những trang cần thiết để các em biết cách tự bảo vệ bản thân, góp phần xây dựng một môi trường học hạnh phúc, đồng thời góp phần vào việc tạo lập một nền giáo dục toàn diện và có chất lượng, góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Việt Nam.

dinhkiengiuoi-2-9097.jpg
Các đại biểu tham dự hội thảo.

Hội thảo thu hút hơn 200 đại biểu tham gia trực tiếp và trực tuyến, bao gồm lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, các tổ chức quốc tế, các nhà chính sách giáo dục, các chuyên gia nghiên cứu, giảng viên, giáo viên và các em học sinh, sinh viên.

Đây là dịp để các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, giáo viên, học sinh cùng nhau trao đổi, chia sẻ những kiến thức và kinh nghiệm trong việc nâng cao nhận thức về giới, cộng đồng LGBTIQ+.

Từ đó, có những khuyến nghị thiết thực và hiệu quả, nhằm góp phần xóa bỏ định kiến về giới và cộng đồng LGBTIQ+ trong thời đại kỉ nguyên số.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ