Xoá bỏ định kiến giới khi chọn nghề nghiệp

GD&TĐ - Chuyên gia cho biết, nhiều bạn trẻ còn băn khoăn với câu hỏi “nghề đó hợp với nam hay nữ giới”?

Học sinh trường THPT Chu Văn An (HN) trao đổi về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.
Học sinh trường THPT Chu Văn An (HN) trao đổi về định hướng nghề nghiệp trong tương lai.

Rào cản tiếp cận cơ hội nghề nghiệp tương lai

Bí thư T.Ư Đoàn Nguyễn Tường Lâm cho biết, khi lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai không phải đặt ra câu hỏi: Liệu nghề nghiệp có phù hợp giới tính?

Theo anh Lâm, nghề nghiệp luôn được coi là yếu tố quan trọng để quyết định tương lai của mỗi cá nhân. Đặc biệt, đối với học sinh, làm sao để các bạn hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc chọn trường, định hướng được việc lựa chọn nghề nghiệp phù hợp trong tương lai là vô cùng quan trọng.

Nhận thức được điều này, thời gian vừa qua, công tác tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm được Đoàn thanh niên các cấp triển khai hiệu quả với hình thức đa dạng. Anh Lâm cho biết, với nhiều giải pháp được triển khai, trong giai đoạn 2017 - 2022, toàn Đoàn đã tư vấn hướng nghiệp cho 12,8 triệu lượt thanh thiếu niên. Đồng thời, giới thiệu việc làm cho hơn 3 triệu thanh niên.

Tuy nhiên, thực tế không phải học sinh, thanh niên nào cũng lựa chọn được đúng ngành nghề phù hợp với sở thích, đam mê, năng lực của bản thân. Bên cạnh đó, có nhiều bạn vì những định kiến giới trong giáo dục, hướng nghiệp đã vô tình trở thành rào cản để các bạn tiếp cận cơ hội nghề nghiệp trong tương lai.

“Thay vì lựa chọn theo sở thích, đam mê và năng khiếu, không ít học sinh có phần e dè. Nhiều em đã lựa chọn những ngành nghề không đúng với đam mê của bản thân, chỉ để phù hợp với những định kiến đã "đóng khung" của xã hội rằng nghề này chỉ phù hợp với nữ giới, nghề kia chỉ phù hợp với nam giới”, anh Lâm nói.

Anh Lâm khuyến nghị, đối với mỗi học sinh, khi xác định lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai không phải đặt ra câu hỏi: Liệu nghề nghiệp mình lựa chọn có phù hợp với giới tính của mình hay không?

Thay vào đó, các bạn cần đặt ra câu hỏi: Liệu rằng công việc đó có phù hợp với năng lực, đam mê của bản thân mình hay không? Liệu rằng ngành nghề mình lựa chọn có phù hợp với nhu cầu xã hội để bản thân các bạn có thể cống hiến nhiều nhất cho cộng đồng hay không?

Theo anh Lâm, Ban Bí thư T.Ư Đoàn mong muốn mỗi bạn học sinh, thanh niên vừa được nâng cao về nhận thức vừa giao lưu, học hỏi, đặc biệt là thể hiện vai trò của người trẻ trong việc lên tiếng, hành động. Mục đích để phá vỡ các định kiến kìm hãm sự phát triển, để tự tin lựa chọn ngành nghề mà bản thân mình mong muốn.

Định kiến giới trong một số trường hợp tác động tiêu cực đến nam giới như định kiến coi nghề làm giáo viên mầm non là nghề của phụ nữ; nghề làm hộ lý trong các bệnh viện là nghề của phụ nữ…đã cản trở và thu hẹp khả năng lựa chọn nghề nghiệp của cả nam giới và phụ nữ.

Định kiến giới chủ yếu tác động tiêu cực tới cơ hội phát triển, thăng tiến của nữ vì các đa phần các định kiến này là các định kiến tiêu cực đối với nữ. Những định kiến này cũng gây ra không ít thiệt thòi cho phụ nữ về tinh thần, vật chất và còn là nguyên nhân tác động tới tình trạng bạo lực giới.

Hậu quả với người trẻ trong chọn nghề theo định kiến giới

Theo kết quả khảo sát của hãng tuyển dụng nhân sự Navigos Group vừa công bố, 42% doanh nghiệp cho biết doanh nghiệp của họ chưa có chính sách tuyển dụng công bằng, không phân biệt giới tính. 39% ứng viên nam được hỏi cho biết một trong những lý do họ từng được nhận vào làm việc vì họ là nam giới.

Theo thống kê, cứ 5 nam giới đi xin việc thì có 2 người được nhận làm việc vì họ là nam giới. Trong khi cũng với tỉ lệ 5 nữ giới đi xin việc, thì có 1 người bị từ chối bởi họ là nữ. Bên cạnh đó, nhiều công ty khi tuyển dụng còn công khai yêu cầu về giới tính, khiến việc tiếp cận của phụ nữ đối với một số loại hình công việc nhất định bị hạn chế.

Theo tiến sĩ Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện phụ nữ Việt Nam, trưởng khoa Giới và Phát triển, thực tế là đa số các bạn trẻ hiện nay vẫn giữ tâm lý ngại ngùng khi chọn cho mình một nghề yêu thích đi ngược lại với mặc định về giới tính của ngành đó. Chính tâm lý e ngại đó đã góp phần tạo nên bất bình đẳng giới tính trong lựa chọn nghề nghiệp của các bạn trẻ ngày nay, ảnh hưởng đến sự tiến bộ chung của xã hội.

Tiến sĩ Dương Kim Anh bày tỏ: “Định kiến giới về nghề nghiệp không chỉ khiến việc đạt được bình đẳng giới về kinh tế giữa phụ nữ và nam giới trở nên khó khăn hơn. Từ đó, gây ra những hậu quả lớn đối với sự thành công trong học tập và lựa chọn nghề nghiệp của người trẻ tuổi. Đồng thời còn ngăn cản những người trẻ tuổi hình dung ra mình ở một công việc có liên quan tính cách ngay cả khi công việc đó hoàn toàn phù hợp với sở thích cá nhân của họ”.

TS Dương Kim Anh cho rằng, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhiều bạn trẻ đã có định hướng nghề nghiệp chủ động. Họ không còn bị lệ thuộc vào quyết định của gia đình hay định kiến xã hội về nghề nghiệp. Người trẻ đã biết cách chọn cho mình nghề nghiệp phù hợp với sở trường và đam mê và chắc chắn khi bước vào đời tương lai sẽ vô cùng rộng mở.

"Xóa bỏ định kiến giới trong lựa chọn nghề nghiệp là cần thiết. Nó không chỉ giúp thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, giúp thay đổi nhận thức, mà còn góp phần đạt được bình đẳng giới trong nhiều lĩnh vực. Đó là lao động, việc làm, trong thu nhập, trong lãnh đạo, quản lý, trong tham chính...", TS Dương Kim Anh nhấn mạnh.

Bà bà Phạm Thu Ba, Quản lý nhân sự và phát triển tổ chức Plan International Việt Nam khuyến nghị, học sinh nên lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực và niềm say mê, sở thích của bản thân và không nên chạy theo những công việc thời thượng bởi nhu cầu xã hội biến đổi không ngừng…

Cùng với đó, cần tìm hiểu kĩ về ngành nghề mình theo đuổi, đồng thời tham khảo thêm ý kiến của những người có kinh nghiệm rồi rút ra hướng đi của riêng mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.