Xóa bỏ bạo lực với trẻ em

GD&TĐ - Khoảng 12% trẻ em ở nước ta có nguy cơ bị bạo lực và cần bảo vệ đặc biệt. Trong đó, hơn 1,7 triệu trẻ là lao động trẻ em, 172.500 trẻ không được bố mẹ chăm sóc, 21.000 trẻ em đường phố, 12.000 trẻ em vi phạm pháp luật, 2.381 trẻ có HIV/AIDS, 1.067 trẻ sử dụng ma túy. 

Xóa bỏ bạo lực với trẻ em

Và còn vô số trẻ em có nguy cơ bị lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục. Đây chỉ là những con số được báo cáo nhưng cũng đã nói lên nhiều điều về những hiểm nguy luôn rình rập cuộc sống của các em.

Khi trẻ lên tiếng

Diễn đàn trẻ em ASEAN lần thứ 4 được tổ chức tại Hà Nội với sự tham gia của 35 trẻ em từ 12 - 18 tuổi đến từ các nước trong khu vực đã cùng nhau nói lên tiếng nói của mình.

Với chủ đề “Một ASEAN, một tầm nhìn vì trẻ em”, các em đã cùng thảo luận đến các vấn đề liên quan như phòng chống mua bán trẻ em trong ASEAN, bảo vệ trẻ em trong môi trường mạng, phòng chống bạo lực đối với trẻ em và trẻ em ASEAN với biến đổi khí hậu. Rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho các bộ, ngành liên quan tới các lĩnh vực các em quan tâm như lãnh đạo các nước ASEAN đang làm gì để thúc đẩy lối sống xanh, thích nghi với biến đổi khí hậu? Tại sao nhiều trẻ em bị lạm dụng tình dục và ai sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề này? Chính phủ và các nước ASEAN sẽ làm gì với các khuyến nghị của các em?...

Kết thúc diễn đàn, những khuyến nghị của các em đã được tổng hợp để gửi tới các bộ, ngành các quốc gia ASEAN và Bộ trưởng phụ trách phúc lợi xã hội và phát triển ASEAN xem xét. Qua các kiến nghị này cho thấy trẻ em dù ở đâu đều mong muốn được sống trong môi trường an toàn, được giáo dục giới tính, được cung cấp những kỹ năng sống, kỹ năng bảo vệ cũng như những kiến thức về lạm dụng tình dục. Nên có môn học về bảo vệ trẻ em trên mạng trong trường học, xây dựng các trang mạng an toàn và thân thiện với trẻ em, đặc biệt là có biện pháp hỗ trợ cho trẻ em là nạn nhân của tình trạng bắt cóc, buôn bán, xâm hại tình dục.

Và hành động của người lớn

Theo ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), nhiều câu hỏi của trẻ em đã được các cơ quan chức năng Việt Nam và ASEAN trực tiếp trả lời. Thông điệp, khuyến nghị của trẻ em đều được gửi tới các cơ quan chức năng trong các quốc gia ASEAN, được cân nhắc, xem xét và đưa vào kế hoạch hành động chung.

Sau 4 ngày làm việc tại Việt Nam, đại diện đặc biệt của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về vấn đề bạo lực với trẻ em, bà Marta Santos Pais khẳng định, trẻ em đặc biệt có nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng và bạo lực tại gia đình, nhất là trẻ khuyết tật; có nguy cơ bị buôn bán qua biên giới, bị bóc lột tình dục vì mục đích thương mại và tham gia lao động trẻ em; có nguy cơ bị áp dụng biện pháp giam giữ quá nhiều đối với người chưa thành niên vi phạm pháp luật và có nguy cơ ngày càng tăng bị lạm dụng qua mạng internet.

Một thăm dò ý kiến gần đây ở Việt Nam cho thấy, 41% thanh thiếu niên ở độ tuổi 18 đã chứng kiến các bạn mình tham gia vào các hành động có nguy cơ trên mạng. Trên toàn cầu, một trong ba người sử dụng internet là trẻ em và sự phát triển của internet và điện thoại di động đã làm thay đổi cách thức thanh thiếu niên tìm kiếm thông tin, nhưng cũng mang đến những rủi ro trên thực tế cho trẻ em về lạm dụng qua mạng internet.

Bạo lực đối với trẻ em gây thiệt hại lớn về mặt tài chính cho xã hội vì những tác hại lâu dài của bạo lực đối với sự phát triển của trẻ em và các chi tiêu ngân sách về y tế, phúc lợi xã hội và hệ thống tư pháp hình sự. Tuy nhiên, bạo lực thường là vấn đề không nhận biết được cho dù bạo lực xảy ra tại gia đình, trường học, các trung tâm nuôi dưỡng thay thế, trên đường phố, trong nơi làm việc và trong nhà giam. Thường thì mọi người làm ngơ hoặc đơn giản là không báo cáo các trường hợp bạo lực do lo sợ hoặc do kỳ thị. Ngay cả khi trẻ em nói ra về các trường hợp bạo lực, thì chưa chắc mọi người đã tin những điều các em nói hoặc hệ thống luật pháp sở tại chưa được xây dựng để đối phó với các trường hợp một cách hữu hiệu.

Nói vậy để thấy rằng, để ngăn chặn các nguy cơ, hành vi xấu với trẻ em phải bắt đầu từ người lớn. “Chúng ta có thể khuyến khích đẩy mạnh phương thức nuôi dạy trẻ em không bạo lực để các bậc làm cha mẹ cảm thấy tự tin khi nuôi nấng con em mình trong một môi trường tích cực, yêu thương mà không có bạo lực về thân thể và trường học thực sự là môi trường học tập an toàn cho mọi trẻ em. Nếu chúng ta chứng kiến một trẻ em là nạn nhân của bạo lực, chúng ta phải hành động để ngăn chặn điều đó và phải báo cáo với chính quyền” - bà Santos Pais nhấn mạnh.

Ước tính có khoảng 3,3 triệu trẻ em cần bảo vệ đặc biệt và các em có nguy cơ bị bạo lực, con số này chiếm khoảng 12% số trẻ em ở Việt Nam. Ngoài ra, còn vô số trẻ em có nguy cơ bị sao nhãng, lạm dụng, buôn bán và bóc lột tình dục (trẻ khuyết tật, lao động trẻ em, trẻ vi phạm pháp luật, trẻ nhiễm HIV và sử dụng ma túy…).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nam Định FC thua đáng tiếc Thể Công Viettel trên sân Hàng Đẫy.

Nam Định thua sốc Thể Công Viettel

GD&TĐ - Xuất sắc đánh bại Nam Định trên sân nhà, Thể Công Viettel cải thiện đáng kể vị trí trên bảng xếp hạng sau vòng đấu thứ 19.