Xin gia hạn xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch bằng công nghệ Nhật Bản: Lại về vạch xuất phát?

GD&TĐ - Còn chưa đến 10 ngày nữa sẽ kết thúc thời gian thử nghiệm việc xử lý 300m sông bằng công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản thì Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội bất ngờ xả gần 2 triệu m3 nước hồ Tây vào sông Tô Lịch. Mọi thành quả bị xóa sạch, cực chẳng đã Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đành xin gia hạn thêm 2 tháng để bắt đầu từ vạch xuất phát.

Dòng sông Tô Lịch đoạn đường Nguyễn Đình Hoàn
Dòng sông Tô Lịch đoạn đường Nguyễn Đình Hoàn

Bỗng chốc tan thành mây khói

Có quán ăn ở gần khu tập thể Dược, đường Nguyễn Đình Hoàn, nơi khúc sông Tô Lịch chạy qua, anh Nguyễn Trung Kiên chia sẻ: “Những ngày đầu tháng 7, tôi cũng như dân chúng quanh khu vực đều thấy sự thay đổi rõ rệt của môi trường sông. Nước sông trong xanh, chẳng còn mùi hôi thối, thậm chí nhìn thấy đáy, cá bơi lội. Vậy mà sau khi xả thải nước từ hồ Tây vào, dòng sông lại ô nhiễm như thời điểm chưa triển khai công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Thật đáng tiếc”.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm Công nghệ Môi trường (ENTEC) cho biết: “Công nghệ Nhật Bản đưa vào sục khí dưới đáy, sông sẽ bớt được mùi hôi. Nhật Bản dùng cơ chế hấp thụ, sản xuất từ tro núi lửa, hấp thụ được mùi và kết tủa các chất đục, cặn bã lơ lửng xuống đáy để làm trong nước sông ô nhiễm”.

Quả thực, sau khi đưa công nghệ Nhật xử lý ô nhiễm, sông Tô Lịch đã được cải thiện rõ rệt. Chính JVE sau 7 tuần triển khai, đã cho biết độ dày của cặn bám dưới lòng sông giảm mạnh, từ độ dày bùn khoảng 1m xuống chỉ còn một nửa, thậm chí ở điểm B, C đặt máy, lớp bùn dày chưa đến 20cm. Đặc biệt, hàm lượng oxy hòa tan trong khúc sông 300m xử lý theo công nghệ Nhật Bản tăng lên 6,67 mg/l, đạt quy chuẩn kỹ thuật Việt Nam về chất lượng nước mặt.

Theo GS.TS Mai Đình Yên (Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam): “Công nghệ này Nhật Bản đã dùng ở trong nước nên có hiệu quả. Sau thời gian xử lý sông Tô, người dân trông thấy nước sạch, không có mùi, thậm chí nước trong xanh. Tuy nhiên, thật đáng tiếc khi xả nước hồ Tây vào, làm rửa trôi vi sinh có lợi mà công nghệ của Nhật tạo ra, nước sông Tô lại ô nhiễm, đen bẩn và hôi”.

Lỗi tại ai?

Kết quả bước đầu của công nghệ Nhật Bản bỗng chốc bị xóa sạch, việc thử nghiệm trở lại vạch xuất phát ban đầu. Bởi lẽ, toàn bộ công sức triển khai thí điểm làm sạch 300m sông Tô Lịch bị hơn 1,5 triệu m3 rửa trôi. Chính vì thế, ngày 16/7, JVE gửi Công văn tới Thủ tướng Chính phủ, Bộ TN&MT, UBND TP Hà Nội, đơn vị liên quan xin lùi thời gian lấy mẫu, đánh giá, công bố kết quả của công nghệ giai đoạn thí điểm thêm 2 tháng. Có nghĩa thời gian thí điểm sẽ kết thúc vào ngày 17/9/2019, không phải như kế hoạch ban đầu ngày 16/7.

Nguyên do, công nghệ Nano - Bioreactor xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch của Nhật chỉ dài khoảng 300m, phía đầu sông nên khi xả lượng nước 1,5 triệu m3, khiến cho toàn bộ hệ vi sinh vật có lợi do các tấm Bioreactor kích hoạt trong vòng gần 2 tháng qua bị cuốn trôi. Theo các chuyên gia, sức xả 1,5 triệu m3 nước mạnh gấp 10 lần lượng nước thải/ngày đêm của gần 300 cống xả thải vào sông Tô Lịch.

GS Trần Hiếu Nhuệ - Viện trưởng Viện Kỹ thuật nước và công nghệ môi trường cho rằng: “Theo quan điểm của tôi giá như Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội không xả trong 2 ngày mà kéo dài khoảng 10 ngày thì có lẽ hay hơn. Cần có kế hoạch, thông báo và xả từ từ thì sẽ không làm thay đổi đột ngột kết quả thử nghiệm công nghệ Nano - Bioreactor Nhật Bản. Vì vậy, dự án của Nhật Bản phải kéo dài thêm 2 tháng là tất yếu”.

“Tôi theo dõi báo chí, thấy nói công nghệ Nhật xin gia hạn 2 tháng. Khi đó họ sẽ đưa ra kết quả ban đầu. Chẳng hạn màu, mùi, bùn dứt khoát sẽ giảm. Nhưng họ mới chỉ làm thử nghiệm 300m, quá ít so với cả sông dài hơn 10 km. Vi sinh vật có ở tự nhiên gồm 2 nhóm có ích và không có ích. Công nghệ Nhật Bản kích thích nhóm vi sinh có ích, hạn chế nhóm không có ích. Tuy nhiên, tôi mới chỉ thấy nói đến nhóm vi sinh. Thực ra, trong nước còn có cả tảo cũng có tác dụng làm sạch nước”, GS.TS Mai Đình Yên cho biết.

Theo PGS.TS Phùng Chí Sỹ, việc áp dụng công nghệ Nhật Bản vào xử lý ô nhiễm trên sông Tô Lịch cũng mới chỉ giải quyết được phần ngọn. Muốn sông Tô Lịch không ô nhiễm, cần có giải pháp xử lý triệt để từ nguồn thải. UBND TP Hà Nội phải có hệ thống thu gom nước thải, không để nguồn thải xả thải trực tiếp xuống sông như hiện nay.

Theo các chuyên gia môi trường, Việt Nam đã mạnh dạn nhập công nghệ chứ không như giai đoạn trước, sợ nhập công nghệ. Bởi đưa hóa chất vào môi trường, sau đó xử lý hóa chất đi là khó. Nhất là đưa hóa chất lạ vào trong nước. Song, về lâu dài, Việt Nam cần nghiên cứu công nghệ của riêng mình để xử lý ô nhiễm môi trường trong nước.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ