- Này bác, Miss Grand Vietnam 2023 được khởi động rồi đấy, nghe đâu chung kết vào tháng 7, tháng 8…
- Bác mong lắm à? Tháng nào, tuần nào chẳng có khởi động thi hoa hậu, người đẹp. Ra ngõ gặp hoa hậu vào ngõ gặp hoa khôi, phát ngán…
- Gớm, sao bác dị ứng với các quý cô thế? Việc tạo ra những vườn hoa đua hương sắc cũng là cách làm đẹp cho đời mà bác?
- Ui chao, chưa biết làm đẹp cho đời đến cỡ nào nhưng nghe bác nhắc đến cái Miss Grand Vietnam sắp khởi động tôi lại nổi da gà lên đấy!
- Thôi bác ơi, đừng khắt khe quá thế. Đó cũng chỉ là một sân chơi giải trí như bao sân chơi khác. Cơ quan chức năng cũng giải thích rồi, các cuộc thi sắc đẹp nở rộ trong quy định chung của pháp luật là để tạo sự công bằng cho các đơn vị đủ năng lực tổ chức…
- Vâng, miếng bánh lợi ích khổng lồ như thế mà bác, ai chẳng muốn tranh phần kia chứ. Nhưng thôi, chuyện đó hẵng để dịp khác bàn đến. Còn nay, tôi nổi da gà khi nghe bác nhắc Miss Grand Vietnam là vì nhớ lại những phút giây các người đẹp hô tên ở năm đầu tiên tổ chức, thật sự là… hãi hùng.
- Năm nay ban tổ chức cam kết phần hô tên sẽ “nghiêm túc và dễ thương” và cả “chính chuyên” nữa. Không chỉ thế, họ còn có dự định khuyến khích thí sinh “nói một câu ca dao, tục ngữ hoặc một câu hát thể hiện được văn hóa vùng miền”. Bác yên tâm chưa?
- Ôi chao, lại còn làm quá thế nữa ư? Thật tức cười với cái tiêu chí hô tên sẽ “nghiêm túc và dễ thương”, nhất là phải “chính chuyên” nữa. Thế hóa ra xưa nay người đẹp ăn nói bát nháo cả à?
Vả lại, đây là khung của cuộc thi quốc tế và đã được thí sinh các nước thực hành suốt 10 năm qua nào có điều tiếng gì? Chỉ đến năm ngoái Việt Nam mở cuộc thi thì cả thế giới được dịp cười nghiêng ngả rồi nổi da gà cho phần trình diễn của các cô gái nước ta, thế có xấu hổ không cơ chứ?
Chẳng nhẽ, các cô gái đẹp của Việt Nam kém duyên về lời ăn tiếng nói, thiếu kỹ năng khi giới thiệu về bản thân mình thế sao?
Mà bác còn khoe gì nữa nhỉ, “khuyến khích nói tục ngữ ca dao” cơ á? Tôi không thể hình dung được nếu ca dao, tục ngữ, vốn gắn liền với người dân lao động mộc mạc, bình dị, nay vang lên liên tục trong cuộc thi sắc đẹp chỉ có sân khấu hào nhoáng, ăn mặc thời thượng từ dạ hội đến bikini thì sẽ lệch pha thế nào nhỉ?
Tôi cũng chưa thể tưởng tượng nổi nếu ca dao, tục ngữ được thốt ra từ những cái miệng đẹp như hoa nhưng khéo khi tiếp tục là những hú hét, nhấn nhá vô cảm, vô hồn, nói ra mà chẳng hiểu nghĩa của câu ca dao, tục ngữ thì sẽ ra sao nhỉ?
Vậy nên, xin đừng vội khuyến khích các cô gái nói ca dao, tục ngữ mà ngay từ khi khởi động, hãy rèn giũa họ sửa lời ăn, tiếng nói, cử chỉ biểu cảm sao cho duyên dáng, ý nhị, giàu sức truyền cảm như người xưa đã dạy: “Nói ngọt lọt tai”, “Có ai bán cái dịu dàng/ Tôi mua một gánh cho nàng làm duyên”.
Mà nét thuần hậu vốn là “thương hiệu” của người con gái Việt, cớ sao cứ phải cố tình xóa nhòa?