Xét xử vụ VN Pharma bán thuốc giả: Đề nghị điều tra việc làm lộ tài liệu mật

GD&TĐ - Không chỉ lần thứ hai bác bỏ các tài liệu, chứng cứ mà Cục Quản lý dược - Bộ Y tế cung cấp tại phiên xét xử ngày thứ 4 (30/9) vụ án buôn bán thuốc giả tại VN Pharma, Viện Kiểm sát (VKS) còn đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Bộ Công an điều tra bổ sung tội làm lộ bí mật Nhà nước với các tổ chức, cá nhân liên quan.

Phiên tòa xét xử vụ VN Pharma
Phiên tòa xét xử vụ VN Pharma

Vì sao tài liệu của Cục Quản lý dược bị bác?

Tiếp tục bằng việc đối chất trong phiên xét xử sáng 30/9, các luật sư bào chữa cho các bị cáo tiếp tục đề nghị HĐXX, VKS xem xét cho các thân chủ tội làm giả xuất xứ lô thuốc chứ không phải tội bán thuốc giả. Tuy nhiên, VKS một lần nữa bác bỏ lời bào chữa.

Theo đại diện VKS, thuốc chữa bệnh cho người là hàng hóa tiêu dùng đặc biệt, cho nên đòi hỏi Nhà nước phải có những quy định, quy trình kiểm soát khắt khe, chặt chẽ và điều kiện cụ thể trong việc nhập khẩu thuốc. Mặt khác, tính chất của thuốc là liên quan trực tiếp đến tính mạng của con người cho nên những yêu cầu về chất lượng của thuốc rất cao. Nó khác hẳn với các mặt hàng nhái phục vụ sinh hoạt thông thường như quần áo, giày dép…

“Nếu là thuốc chữa bệnh giả thì tuyệt đối không thể dùng để chữa bệnh. Cục Quản lý dược khẳng định lô thuốc H-Capita là thuốc kém chất lượng, chỉ giả về xuất xứ (được chứng minh bằng các tài liệu do đoàn công tác của Bộ Y tế khi qua Ấn Độ làm việc) VKS cho rằng, chưa đủ căn cứ để xem xét” - đại diện VKS nói.

Minh chứng cho việc bác bỏ các tài liệu, chứng cứ VKS phân tích: Thứ nhất, Cục Quản lý dược cho rằng, chỉ có một chỉ tiêu (tạp chất) lô thuốc H-Capita không đạt, còn lại tất cả các tiêu chí đều đạt. Điều này không đúng, vì trong kết luận điều tra, cáo trạng luận tội, tài liệu công an điều tra thu thập trong hồ sơ đều nêu rõ thuốc H-Capita có nhiều chỉ tiêu khác không đạt. Cụ thể, màu sắc khi đăng ký là màu đỏ, tuy nhiên lúc nhập về là màu hồng, nhiều vỉ thuốc không có thuốc bên trong, nhãn mác nhiều hộp thuốc mờ, không đầy đủ thông tin so với đăng ký ban đầu.

Thứ hai, lô thuốc 9.300 hộp H-Capita cấp phép nhập khẩu có xuất xứ từ Canada, nhưng đại diện Cục Quản lý dược và Cơ quan giám định Bộ Y tế lại khẳng định thuốc này bảo đảm các điều kiện khi xuất xưởng tại một nhà máy của Ấn Độ. Vậy tiêu chuẩn thuốc của Ấn Độ và Canada thì có gì khác nhau? Nhà máy sản xuất thuốc tại Ấn Độ và Canada có gì khác nhau? Chất lượng thuốc, giá thuốc được sản xuất tại Canada và Ấn Độ có gì khác nhau mà các bị cáo phải dùng thủ đoạn gian dối để nâng khống giá thuốc, chuyển ra nước ngoài để thu lợi bất chính.

“Đây là những cơ sở quan trọng để VKS một lần nữa khẳng định lô thuốc H-Capita mà các bị cáo mua về để bán cho người bệnh là thuốc giả cả về xuất xứ và chất lượng” - đại diện VKS nói.

Trước đó, liên quan đến công văn hỏa tốc mà Cục Quản lý dược gửi đến HĐXX ngày 27/9, khẳng định hành vi của các bị cáo trong vụ án là giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ của lô thuốc để trục lợi, VKS cũng đã thẳng thắn trả lời là Công ty Helix không có thật, các giấy tờ nhập khẩu thuốc, tiêu chuẩn thuốc đã bị các bị cáo làm giả. Trong kết luận giám định đã khẳng định không dùng làm thuốc cho người.

Vì vậy, công văn hỏa tốc nêu trên là nhằm mục đích bao che hành vi phạm tội của các bị cáo, cũng như biện minh cho những sai phạm của Cục Quản lý dược. Hiện nay CQĐT đã khởi tố vụ án thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Cục Quản lý dược nên VKS không xem xét.

Kiến nghị điều tra bổ sung tội làm lộ bí mật Nhà nước

Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VN Pharma tại tòa ngày 30/9
Bị cáo Nguyễn Minh Hùng, nguyên Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc VN Pharma tại tòa ngày 30/9 

Tại phiên xét xử sáng 30/9, đại diện VKS cũng đã thông tin chi tiết về văn bản mật của Bộ Y tế. Theo đó, trong quá trình điều tra vụ án, Bộ Y tế đã gửi CQĐT Bộ Công an Công văn số 77, ngày 27/4/2018 về việc cung cấp thông tin phục vụ điều tra, tài liệu này được đóng dấu mật và chỉ được Bộ Y tế giải mật vào ngày 20/9/2019.

Tuy nhiên, ngày 14/6/2018, trong thời điểm tài liệu này chưa được giải mật (có nghĩa vẫn đang thuộc dạng không được sử dụng) nhưng ông Ngô Nhật Phương đã trực tiếp giao nộp cho CQĐT 10 tài liệu có liên quan đến các nội dung tại Công văn số 77 của Bộ Y tế nêu trên và khẳng định các tài liệu này từ quan hệ cá nhân mà có, được dịch sang tiếng Việt, hợp pháp hóa lãnh sự, đóng dấu sao y bản chính. Tại phiên tòa, VKS cũng đã hỏi ông Phương về việc nộp các tài liệu này, ông Phương cũng khẳng định là có.

“Căn cứ vào thời gian Công văn số 77 của Bộ Y tế được giải mật và thời gian ông Ngô Nhật Phương có các tài liệu trong tay. Có thể thấy, ở đây có dấu hiệu làm lộ bí mật Nhà nước vì để cho cá nhân không có thẩm quyền có thông tin mật của Bộ Y tế. Vì vậy, VKS kiến nghị HĐXX yêu cầu CQĐT Bộ Công an xác minh làm rõ các tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về việc bảo đảm bí mật Nhà nước liên quan đến các tài liệu mật của Bộ Y tế trong vụ án này” - đại diện VKS nói.

Trước đó, tại các phiên xử đầu tiên, trả lời chủ tọa phiên tòa với tư cách người làm chứng, người có liên quan vụ án, ông Ngô Nhật Phương 3 lần khẳng định: Lô thuốc H-Capita mà VN Pharma nhập về Việt Nam là thuốc thật 100% và được sản xuất tại Ấn Độ.

Ông Phương cho biết, ông có nhiều bạn làm trong Hiệp hội dược Ấn Độ, Lãnh sự quán Ấn Độ tại TPHCM. Khi biết cơ quan tố tụng Việt Nam đang điều tra, xét xử vụ án VN Pharma nhập thuốc giả, Hiệp hội dược Ấn Độ, Cơ quan điều tra Ấn Độ đã nhờ ông gửi các chứng cứ, tài liệu cho cơ quan công an điều tra của Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) được đầu tư xây dựng khang trang. (Ảnh: Thế Lượng)

Hai 'bông hoa' ở trường vùng biên xứ Thanh

GD&TĐ - Hai nữ sinh Trường TH&THCS thị trấn Mường Lát (Thanh Hóa) đã vượt khó, nỗ lực phấn đấu khi đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh môn Lịch sử và Ngữ văn.