Luật sư: "Lỗi đánh máy" của Bộ Y tế gây ra sự nhầm lẫn cực kỳ nguy hiểm
LS Trần Hồng Phúc đề nghị VKS xem lại cáo trạng, cụ thể là ở trang số 7, 8 cáo trạng số 05 ngày 22/2/2018. Tại đây, VKS đã trích nguyên văn nội dung trả lời của Bộ Y tế. Trong đó có xác định đến tiêu chuẩn AAMI, sau này ở phần luận tội, quan điểm của vị đại diện VKS đã xác định rằng, cần phải chờ kết quả xét nghiệm AAMI, nếu không chờ kết quả này sẽ phát sinh thêm trách nhiệm hình sự của các bị cáo, trong đó có bị cáo Lương.
Trước đó, sau khi sự cố chạy thận khiến 9 người chết xảy ra, CQĐT công an tỉnh Hòa Bình đã gửi công văn số 454 đến Bộ Y tế gồm 6 câu hỏi. Bộ Y tế phúc đáp bằng công văn số 4342.
Trong 6 câu, câu hỏi thứ 4 của CQĐT có nội dung là: "Sau khi sửa chữa hệ thống nước RO số 2, có cần thiết phải xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiêu chuẩn nước trước khi đưa hệ thống lọc nước vào sử dụng hay không, căn cứ vào văn bản nào và hướng dẫn cụ thể nào?”
Thế nhưng, trong công văn số 4342 của Bộ Y tế, ở đề mục trả lời số 4 và đề mục trả lời số 5 (ứng với câu hỏi số 4, số 5 của CQĐT) thì lại là... cùng một câu hỏi. Theo LS Phúc, bà hiểu có thể đây là lỗi đánh máy của BYT khi để nhầm 2 câu hỏi giống nhau.
Nhưng "lỗi đánh máy" nghiêm trọng hơn là ở phần trả lời cho câu hỏi số 4 - trong công văn của Bộ Y tế. Dù CQĐT hỏi là "có cần xét nghiệm kiểm tra sinh hóa tiểu chuẩn nước hay không", thì công văn Bộ Y tế lại viết trong phần trả lời: "Sau khi sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2, để đảm bảo chất lượng nước trước khi đưa vào sử dụng chạy thận nhân tạo cho người bệnh nhất thiết phải làm xét nghiệm để kiểm tra chất lượng nước có phù hợp với tiêu chuẩn AAMI trên đây hay không."
Theo LS Phúc phân tích, đoạn trả lời nêu trên bà hiểu là Bộ Y tế biên tập lại câu hỏi số 4 của CQĐT để làm mệnh đề trả lời, nhưng mệnh đề này phát sinh thuật ngữ AAMI và kết thúc câu lại là dấu chấm (.), thành ra, gây hiểu lầm rằng đó là trả lời và nội dung trả lời cho thấy cần có xét nghiệm AAMI. Đây là một nhầm lẫn tai hại, rất nguy hiểm.
Luật sư Phúc cho rằng, không phải VKS mà chính Bộ Y tế mới là cơ quan buộc tội các bị cáo ngồi đây ngày hôm nay. Bởi vì Bộ Y tế đã tự biên tập lại câu hỏi không nằm trong danh sách câu hỏi của CQĐT. Về vấn đề này, LS đề nghị đại diện VKS đánh giá ở bút lục 1487 và bút lục 1485 là công văn của CQĐT, công an tỉnh Hòa Bình gửi cho Bộ Y tế.
Theo đó, ngay khi nhận thấy sai sót này của Bộ Y tế, phía văn phòng luật sư của LS Phúc đã gửi công văn xác minh đến Bộ, tuy nhiên, trong công văn phúc đáp của Bộ Y tế ngày 27/4/2018, “chúng tôi cho rằng Bộ Y tế vẫn cố ý để buộc tội các bị cáo. Bộ Y tế nói rằng, đây là 2 câu hỏi có nội dung khác nhau nên Bộ Y tế đã trả lời riêng rẽ từng câu hỏi... Họ đưa hướng trả lời sang ý khác để tránh trách nhiệm lỗi đánh máy trong công văn của Bộ Y tế trả lời CQĐT. Bộ Y tế trả lời rằng "nếu không nghiên cứu kỹ sẽ gây nhầm lẫn", nhưng chúng tôi nghiên cứu kỹ mới phát hiện ra sự nhầm lẫn của Bộ Y tế.
Bộ Y tế trả lời bắt buộc phải xét nghiệm tồn dư hóa chất, nhưng nghiên cứu tiêu chuẩn AAMI của Hoa Kỳ chúng tôi thấy rằng Bộ Y tế vẫn chưa hiểu gì về tiêu chuẩn này. Xét nghiệm AAMI là xét nghiệm cho 25 chỉ số lý hóa, để đưa vào xét nghiệm này, hợp đồng giữa BVĐK tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn chưa cụ thể là xét nghiệm cái gì trong số 25 chỉ số".
Bộ Y tế cũng khuyến cáo thêm 2 xét nghiệm vi khuẩn nhưng nó là chỉ số cuối, như vậy Bộ Y tế đã bỏ qua 23 tiêu chuẩn ban đầu và chỉ khuyến cáo xét nghiệm 2 chỉ số vi sinh. Vậy 23 chỉ số lý hóa có cần thiết phải xét nghiệm hay không? Bộ Y tế cũng chỉ khuyến cáo chứ không bắt buộc.
Có mặt tại phiên tòa, ông Đỗ Đình Vận - Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Hoà Bình và BS Hoàng Công Tình (Phụ trách khoa Hồi sức tích cực BVĐK tỉnh Hòa Bình) cũng khẳng định không cần thiết phải xét nghiệm AAMI vì phải dừng máy trong 10-15 ngày. Trong thời gian chờ đợi này sẽ lại phát sinh vi khuẩn trên hệ thống và lại phải xét nghiệm tiếp.
Vì vậy, chỉ cần xét nghiệm tồn dư hóa chất ngay tại chỗ. Xét nghiệm tồn dư hóa chất là xét nghiệm độc lập với AAMI sau sửa chữa, nhưng chỉ đơn giản bằng que thử và chỉ mất vài phút.
Tiếp tục lập luận đề nghị tòa xử lý Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình
Luật sư Huế đặt nghi vấn về việc tại sao Viện Kiểm sát không xem xét trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện ở thời điểm đó? Quy trình tham gia kêu gọi các nhà thầu cho BVĐK tỉnh Hòa Bình như thế nào?
"Hòa Bình là tỉnh nghèo, đa phần người dân là dân tộc thiểu số, hàng năm phải nhận trợ cấp từ Nhà nước mà tại sao mức giá chạy thận lại gấp đôi Bệnh viện Bạch Mai? Tôi đề nghị HĐXX xem xét việc này, vấn đề của cựu Giám đốc bệnh viện là rất lớn", luật sư Huế nói.
Theo luật sư Huế, hồ sơ vụ án thể hiện hợp đồng 315 và 05 giống nhau và khi trúng thầu, Công ty Thiên Sơn đã bán thầu trái pháp luật, không thông báo cho BVĐK tỉnh Hòa Bình nhưng vẫn chuyển nhượng hợp đồng cho công ty Trâm Anh.
“Được biết, Thiên Sơn không đưa Trâm Anh vào danh sách nhà thầu phụ nhưng sau đó lại chuyển 100% thầu. Hành vi của họ vi phạm pháp luật dân sự và pháp luật về đấu thầu nên cần xử lý nghiêm. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả trong vụ án. Vì vậy, chúng tôi đề nghị HĐXX tuyên công ty Thiên Sơn phải bồi thường cho gia đình các nạn nhân theo quy định” - luật sư Huế trình bày.
Sau cùng, luật sư Huế đề nghị: “Căn cứ vào các hành vi của ông Trương Quý Dương, đề nghị HĐXX buộc ông Trương Quý Dương bồi thường thay bệnh viện trong trường hợp bệnh viện có lỗi”.