Bộ trưởng cho thoái vốn
Ngày 23/4, TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử bị cáo Vũ Huy Hoàng, nguyên Bộ trưởng Bộ Công thương cùng 9 người khác trong vụ án thất thoát 2.713 tỷ đồng tại khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng (TP.HCM).
Theo truy tố, khu đất rộng hơn 6.000m2 này vốn thuộc Tổng công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa. Sabeco dùng khu đất để góp 26% vốn vào liên doanh Sabeco Pearl để xây dựng cao ốc tại chính địa điểm này. Ông Vũ Huy Hoàng cùng Bộ Công Thương đồng ý và UBND TP.HCM cũng chấp thuận cho xây dựng trên khu đất.
Ban đầu, khu đất chỉ có chức năng văn phòng nhưng sau đó được bổ sung căn hộ ở khiến giá trị tăng từ 1.075 lên 3.816 tỷ đồng. Năm 2016, các doanh nghiệp tư nhân đề nghị Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh và được Sabeco cùng Bộ Công Thương đồng ý.
Ông Vũ Huy Hoàng chủ trì một cuộc họp ngày 29/3/2016 nội dung quyết định giá khởi điểm của Sabeco khi thoái vốn tại Sabeco Pearl là 13.247 đồng/cổ phần. Giám định hình sự thể hiện, giá bán cổ phần này thấp hơn thực tế rất nhiều nhưng Sabeco sau đó vẫn thoái vốn, dẫn tới khu đất số 2-4-6 bị chuyển từ sở hữu nhà nước sang tư nhân, gây thiệt hại 2.713 tỷ đồng.
Trả lời khai báo, cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng khai ông bị bãi miễn chức Bộ trưởng Bộ Công thương vào ngày 8/4/2016. Hơn một tháng sau, Sabeco mới xây dựng phương án thoái vốn chính thức để báo cáo Bộ Công thương phê duyệt.
“Quá trình thoái vốn của Sabeco kết thúc năm 2017 và tôi không hề can thiệp. Nếu cần kiểm tra, Hội đồng xét xử (HĐXX) có thể hỏi những người liên quan, các đơn vị giúp việc như Vụ Công nghiệp nhẹ, Vụ tài chính… ở đây” – ông Hoàng nói.
Về cuộc họp ngày 29/3/2016, cựu Bộ trưởng khẳng định ông chủ trì thay bị can Hồ Thị Kim Thoa, nguyên Thứ trưởng Bộ Công thương (hiện bỏ trốn). Lúc đó, bà Thoa đi vắng nhưng Thứ trưởng này mới phụ trách công nghiệp nhẹ gồm Sabeco.
Cũng theo ông Hoàng, cuộc họp này không quyết định giá bán cổ phần như truy tố, chỉ bàn về báo cáo của Sabeco nội dung thoái vốn và xây trụ sở mới trong trường hợp không thể xây dựng ở khu đất số 2-4-6.
Bị cáo Hoàng cho hay, đồng tình việc Sabeco thoái vốn vì lúc đó, Chính phủ có chủ trương yêu cầu doanh nghiệp nhà nước thoái vốn khỏi lĩnh vực ngoài ngành. Sau đó, các nhà đầu tư tư nhân trong Sabeco Pearl cũng gửi văn bản cho ông, đề nghị để Sabeco thoái vốn khỏi liên doanh.
Bị cáo khai: “Sabeco cũng đề nghị cho thoái vốn vì các nhà đầu tư khác yêu cầu tăng vốn đầu tư nhưng Sabeco không có tiền. Chúng tôi đồng ý chủ trương và hướng dẫn trình tự thủ tục thoái vốn gồm xây dựng phương án thoái vốn đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của các cổ đông, đặc biệt của cổ đông nhà nước”.
Nhiều bị cáo nhận tội
Cũng theo cáo trạng, dự án tại số 2-4-6 đã được bổ sung chức năng căn hộ trước khi Sabeco thoái vốn. Tuy nhiên, đại diện Công ty Quảng trường Mê Linh (đơn vị góp vốn vào Sabeco Pearl) phủ nhận việc này.
Đại diện Mê Linh nói: “Chức năng ở chưa được thể hiện ở giấy chứng nhận đăng ký quyền sử dụng đất... Vụ án điều tra từ tháng 11/2018 nên từ đó đến nay không có hoạt động, giấy tờ bổ sung chức năng đó”.
Tương tự, bị cáo Lâm Nguyên Khôi, nguyên Phó giám đốc Sở KH&ĐT TP.HCM khai: “Nếu có chức năng ở, phải có quyết định của ủy ban chấp thuận và sau đó, doanh nghiệp sẽ làm các thủ tục tiếp theo như đại diện Mê Linh nói là đóng thêm tiền chuyển đổi”.
Cũng tại tòa, nhiều bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội như truy tố nhưng mong HĐXX xem xét đến thời điểm và bối cảnh phạm tội. Trong đó, bị cáo Lâm Nguyên Khôi thừa nhận có thiếu sót khi không xin đủ ý kiến các bộ ngành trong việc để Sabeco liên doanh xây dựng trên khu đất số 2-4-6. Tuy nhiên, ông Khôi cho rằng thời điểm đó dự án có mức vốn lớn, thuộc loại đầu tư không có điều kiện nên chính quyền phải cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho liên doanh của Sabeco.
Cấp dưới của ông Khôi, bị cáo Lê Quang Minh, nguyên Trưởng phòng Phát triển hạ tầng khai, sau khi UBND TP.HCM chuyển văn bản của Sabeco, ông nhận thức được đây là dự án do Bộ Công Thương quản lý và đã có ý kiến của các bộ Xây dựng, Tài chính...
Bị cáo Minh cho rằng để hoàn tất các thủ tục, chỉ cần tổng hợp, lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan. Bị cáo này thừa nhận có thiếu sót khi không thực hiện đúng quy định. Trong khi đó, phía truy tố xác định các bị cáo Khôi, Minh đã cho thuê đất trái pháp luật.
Một bị cáo khác, Đào Anh Kiệt, nguyênGiám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM khai chủ trương chấp thuận yêu cầu của Sabeco đã có nên ông ký thừa uỷ quyền để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.
Ông Kiệt nói: “Nhiệm vụ lúc đó của tôi lúc đó chỉ quy tắc hành chính để hoàn thiện hồ sơ. Tuy nhiên, nếu xét toàn diện thì mình có sai phạm nên mong toà xem xét để có sự công bằng”.
Ông Kiệt hiện đối mặt truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý đất đai” khi hoàn thiện thủ tục một cách sai quy định cho Sabeco. Ngoài vụ án, này, ông Kiệt đã nhận 6 năm 6 tháng tù trong vụ án liên quan Phó chủ tịch Nguyễn Thành Tài. Năm 2020, ông Kiệt tiếp tục bị khởi tố trong vụ án tại khu đất 179 Bis Hai Bà Trưng (TP.HCM).