Tuyên án tử 5 kẻ sát hại
Mới đây, tòa án Ả-rập Xê-út đã bác bỏ những phát hiện của một cuộc điều tra do Liên Hợp Quốc thực hiện; đồng thời phán quyết rằng, việc sát hại ông Khashoggi không được dự tính trước.
Phát ngôn viên của tòa án, ông Shalaan al-Shalaan cũng cho biết, tòa đã bác bỏ các cáo buộc đối với 3 trong số 11 người bị xét xử và cho rằng, những người này hoàn toàn vô tội.
Một quan chức cấp cao của chính quyền Tổng thống Trump nhận định, các phán quyết là “một bước quan trọng” trong việc khiến những người có liên quan phải chịu trách nhiệm. Trong khi đó, một quan chức cấp cao khác của Mỹ khẳng định, Washington sẽ tiếp tục gây áp lực cho đến khi những kẻ có tội nhận được bản án đích đáng.
Một nguồn tin thân cận với cơ quan tình báo Mỹ tiết lộ, các cơ quan chính phủ của nước này đã bác bỏ tính hợp lệ của thủ tục tố tụng này tại tòa án; đồng thời cho hay, các chuyên gia CIA vẫn tin rằng, Thái tử Ả-rập Xê-út đã đích thân ra lệnh, hoặc chấp thuận việc sát hại ông Khashoggi.
Cũng theo nguồn tin này, 5 người đàn ông bị kết án tử hình về cơ bản chỉ là những “lính đánh thuê” thực hiện theo lệnh, trong khi 2 quan chức an ninh cấp cao được tha bổng là những người đóng vai trò quan trọng hơn trong vụ án.
Trước những lời cáo buộc này, một công tố viên Ả-rập cho biết, không có bất cứ bằng chứng nào cho thấy mối liên hệ giữa vụ sát hại nhà báo Khashoggi với một trong những quan chức cấp cao đó - ông Saud al-Qahtani.
Ngoài ra, tòa án cũng bác bỏ các cáo buộc chống lại ông Ahmed al-Asiri - cựu Phó Giám đốc Cơ quan Tình báo Ả-rập Xê-út.
Ông Jamal Khashoggi là công dân Mỹ và từng là cây bút bình luận của tờ The Washington Post. Nhà báo quá cố này cũng là người thường có quan điểm chỉ trích chính sách của chính phủ Ả-rập Xê-út. Ông Khashoggi bị sát hại sau khi tới lãnh sự quán
Ả- rập Xê-út tại Istanbul vào ngày 2/10/2018 để làm giấy tờ kết hôn. Thi thể của ông vẫn chưa được tìm thấy sau khi được báo cáo là đã bị cắt thành nhiều mảnh và phi tang.
Vụ án này đã gây chấn động toàn thế giới và ảnh hưởng xấu đến hình ảnh và uy tín của Thái tử Ả-rập Xê-út Mohammed bin Salman. Không ít lãnh đạo các nước phương Tây, cũng như CIA cho biết, họ tin rằng, ông bin Salman đã ra lệnh sát hại nhà báo Khashoggi.
Cuộc chiến công lý chưa đi đến hồi kết
Bà Agnes Callamard, báo cáo viên đặc biệt của Liên Hợp Quốc về các vụ hành quyết phi pháp, nhận định bản xét xử là sự nhạo báng đối với công lý.
“Những kẻ được thuê sát hại đã bị kết án tử hình. Trong khi đó, những kẻ chủ mưu không chỉ được tự do, mà còn hầu như không bị ảnh hưởng sau các cuộc điều tra và cả những phiên tòa”, bà Callamard viết trong một bài đăng trên Twitter.
11 nghi phạm đã bị xét xử bí mật ở thủ đô Riyadh và tên của những kẻ này cũng không được công bố. Trái với tuyên bố từ tòa án, những cuộc điều tra do Mỹ dẫn đầu đã báo cáo rằng, các bằng chứng cho thấy, vụ giết người tàn bạo này đã được lên kế hoạch từ trước.
Tổ chức Ân xá Quốc tế nhận định, bản án này là “sự che đậy” và không làm sáng tỏ được vấn đề rằng, liệu chính phủ Ả-rập Xê-út có liên quan không, cũng như vị trí thi thể của nhà báo Khashoggi hiện ở đâu. Tuy nhiên, một trong những người con trai của nhà báo quá cố - Salah Khashoggi khẳng định, bản án này là hoàn toàn công bằng.
“Chúng tôi khẳng định sự tin tưởng của mình đối với các cơ quan tư pháp Ả-rập Xê-út. Bản án hoàn toàn công bằng với chúng tôi và công lý đã được thực thi”, Salah Khashoggi khẳng định trên Twitter.
Tháng 11/2018, công tố viên Ả-rập Xê-út cho biết, Saud al-Qahtani - cựu cố vấn cấp cao của Hoàng gia nước này, đã thảo luận về các hoạt động của ông Khashoggi trước khi nhà báo quá cố vào lãnh sự quán cùng với nhóm người sát hại ông sau đó. Cũng theo công tố viên, ông Qahtani đã phối hợp hành động cùng ông Ahmed al-Asiri.
Mới đây, cựu cố vấn cấp cao Asiri đã được trả tự do sau khi tòa án không có đủ bằng chứng buộc tội. Trong khi đó, ông Qahtani cũng đã được thả sau quá trình điều tra.
Theo phát ngôn viên tòa án Shalaan, khi nhóm người Ả-rập Xê-út nhận thấy không thể chuyển Khashoggi đến nơi an toàn để tiếp tục đàm phán, họ đã quyết định sát hại ông.
“Tòa nhất trí rằng, người đứng đầu nhóm đàm phán và thủ phạm đã thống nhất sát hại Jamal Khashoggi bên trong lãnh sự quán”, ông Shalaan cho biết khi trả lời báo chí.
Sau khi bản án được đưa ra, phía Thổ Nhĩ Kỳ nhận định, kết quả xét xử vẫn chưa thỏa đáng. “Thực tế là, các vấn đề quan trọng như vị trí thi thể của nhà báo quá cố Jamal Khashoggi, hay việc tìm ra kẻ chủ mưu, cũng như những đồng phạm nếu có… vẫn ở trong bóng tối. Đây quả là một thiếu sót đối với công lý và trách nhiệm”, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, ông Hami Aksoy tuyên bố.
Tòa án Riyadh đã tuyên án tử hình đối với 5 bị cáo do “phạm tội và trực tiếp tham gia vào vụ sát hại nạn nhân”. Trong khi đó, 3 kẻ còn lại bị kết án 24 năm tù giam do đóng vai trò lớn trong việc “che đậy tội ác và vi phạm luật pháp”.
Phát ngôn viên của tòa án Shalaan khẳng định, các cuộc điều tra đã chứng minh rằng, giữa những người bị kết án và nhà báo Jamal Khashoggi không hề có mối thù hận nào.