Xét tuyển theo nhóm trường: Ý tưởng mới kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016

GD&TĐ - Đó là nhận định của ông Huỳnh Tấn Lợi - Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đảm bảo Chất lượng Giáo dục (Trường Đại học Tiền Giang) khi trao đổi với phóng viên báo Giáo dục & Thời đại.

Xét tuyển theo nhóm trường: Ý tưởng mới kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ 2016

* Mới đây, Bộ GD&ĐT đã ban hành Dự thảo quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2016. Nhìn một cảnh tổng thể, ông có có nhận xét gì về những điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Quy chế năm nay?

- So với Quy chế của năm 2015, nhìn chung những điều chỉnh, bổ sung trong Dự thảo Quy chế năm nay thuận lợi hơn cho thí sinh. Cụ thể: Về đăng ký xét tuyển, đợt 1 thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; các đợt bổ sung thí sinh được đăng ký xét tuyển tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký.

Quy định này giúp giải quyết trường hợp thí sinh chờ xin rút hồ sơ đăng ký để đăng ký lại (thuận lợi cho thí sinh và cả các trường đại học).

Ngoài ra, thí sinh có một thuận lợi khác đó là, có thể đăng ký nhiều trường, nhiều ngành (2 hoặc 3 trường với 4 hoặc 6 ngành với mỗi đợt tương ứng) thay cho các ưu tiên 1,2,3,4 trước đây.

Tuy nhiên, tôi cũng hơi băn khoăn vì sợ rằng các trường sẽ có lượng thí sinh trúng tuyển ảo (trúng tuyển nhưng không học do thí sinh chọn trường khác).

* Năm nay, một số trường đưa ý tưởng tạo nhóm, lập chung một kho dữ liệu tuyển sinh. Ông đánh giá thế nào về ý tưởng này?

- Xét tuyển theo nhóm trường là một ý tưởng rất mới có thể thuận lợi cho các trường và cả cho thí sinh. Tuy nhiên theo tôi năm 2016 cũng chưa có nhiều trường xét tuyển theo phương thức này do chưa thể đánh giá những tác động của nó một cách chính xác được.

* Còn về việc ứng dụng công nghệ thông tin vào trong xét tuyển thì sao? ông có nghĩ đây sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho thí sinh nộp hồ sơ và các trường xét tuyển hay không?

- Đăng ký xét tuyển trực tuyến là một thuận lợi cho thí sinh và sẽ là công cụ hỗ trợ đắc lực cho các em và các nhà trường trong quá trình xét tuyển.

Tuy nhiên, theo tôi các trường cũng cần có kế hoạch và phương án để giải quyết một số khó khăn phát sinh, chẳng hạn như: cùng một thí sinh đồng thời gửi đăng ký xét tuyển với hình thức trực tuyến và với hình thức cũ mà các ngành đăng ký không giống nhau?

* Vậy Trường Đại học Tiền Giang đã có phương án tuyển sinh như thế nào trong năm nay?

- Giống như kỳ tuyển sinh năm 2015, Trường Đại học Tiền Giang có đề án tuyển sinh riêng với hai phương thức:

Sử dụng kết quả thi THPT Quốc gia chiếm 85 % chỉ tiêu và sử dụng kết quả 5 học kỳ các môn trong tổ hợp xét tuyển (HK1,2 lớp 10; HK1,2 lớp 11 và HK1 lớp 12) chiếm 15%.

Xin cảm ơn ông!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ