Giáo viên tiếp tục lo lắng
Vừa qua, HĐND TP Hà Nội thông qua việc dành 2.692 biên chế để bố trí cho giáo viên thuộc đối tượng xét tuyển đặc cách. Trong số các điều kiện xét đặc cách, có yêu cầu giáo viên vẫn đang ký hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập; đồng thời, có thời gian ký hợp đồng và đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 31/5/2015.
Những tưởng đây sẽ là cơ hội tốt để những giáo viên hợp đồng có cống hiến lâu năm cho ngành GD Thủ đô sẽ có cơ hội được xét tuyển đặc cách. Tuy vậy, những điều kiện mà TP đưa ra lại khiến các giáo viên tiếp tục lo lắng. Lý do là họ đã bị chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách vào biên chế. Bên cạnh đó, nhiều giáo viên hợp đồng không được đóng bảo hiểm xã hội và đang hưởng lương dưới mức lương tối thiểu.
Cô Nguyễn Thị Minh Thu - giáo viên Trường THCS Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) cho biết: Với 3 điều kiện mà Sở Nội vụ Hà Nội vừa đưa ra, nhiều giáo viên hợp đồng lâu năm ở Hà Nội sẽ không có cơ hội để được xét đặc cách, trong đó có hơn 300 giáo viên hợp đồng tại huyện Mỹ Đức.
Dù có thâm niên công tác trong ngành Giáo dục từ 10 - 22 năm, song số giáo viên này chỉ được ký hợp đồng ngắn hạn 3 tháng/lần và hưởng mức lương 1.210.000 đồng/tháng và tất nhiên là không đủ điều kiện tham gia bảo hiểm xã hội. Chính điều này đang làm khó nhiều giáo viên của huyện Mỹ Đức trong đợt xét tuyển này.
Không chỉ riêng huyện Mỹ Đức mà nhiều giáo viên ở một số huyện khác nhiều năm qua cũng không được đóng bảo hiểm xã hội và chỉ ký hợp đồng thỉnh giảng với các nhà trường. Trong khi đó, tại Công văn 5378 của Bộ Nội vụ thì điều kiện để tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên hợp đồng là có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước.
Thầy Nguyễn Viết Tiến - giáo viên Trường THCS Xuân Sơn (thị xã Sơn Tây) cho biết: Thị xã Sơn Tây có 53 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng, huyện Ba Vì cũng có 208 giáo viên bị chấm dứt hợp đồng trước khi chờ đến ngày được xét đặc cách. Như vậy, theo Công văn 3037 của Sở Nội vụ Hà Nội, tất cả các giáo viên ở Sơn Tây và Ba Vì đều không đủ điều kiện xét tuyển.
“Nếu bây giờ xét tuyển đặc cách, chúng tôi không đạt tiêu chí này thì quá thiệt thòi quá. Chúng tôi cũng băn khoăn tại sao trên toàn TP Hà Nội chỉ có mỗi giáo viên hợp đồng ở huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây bị đơn phương chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển dụng viên chức Hà Nội năm 2019” - thầy Tiến bức xúc.
Quyền lợi nhà giáo: Ai bảo vệ?
Không chỉ hàng trăm giáo viên tại huyện Ba Vì và thị xã Sơn Tây bị chấm dứt hợp đồng trước kỳ tuyển viên chức, nhiều giáo viên tại huyện Hoài Đức cũng đang hoang mang, vì trong khoảng thời gian từ năm 2015, có những lúc hợp đồng lao động chỉ được ký ba tháng một và không được đóng bảo hiểm. Nhiều giáo viên huyện Ứng Hòa chưa từng được đóng bảo hiểm mặc dù vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng.
Một giáo viên hợp đồng tại huyện Hoài Đức chia sẻ: Năm học 2016 - 2017, chúng tôi chỉ được ký hợp đồng ba tháng. Đến tháng 1/2018, chúng tôi được ký hợp đồng đến hết tháng 5/2018, ngưng hợp đồng trong ba tháng hè, rồi mới tiếp tục được ký hợp đồng theo năm. Trong giai đoạn này, chúng tôi không được đóng bảo hiểm. Chính vì vậy, tôi thắc mắc, nếu xét tuyển đặc cách, chúng tôi có đủ điều kiện hay không?
Ngày 5/11/2019, UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã có Thông báo số 5134/TB – UBND về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với giáo viên hợp đồng trên địa bàn huyện. Thời điểm chấm dứt hợp đồng là ngay sau khi có kết quả tuyển dụng viên chức giáo dục năm 2019, dự kiến từ 1/1/2020.
Trước những thắc mắc của giáo viên hợp đồng, vừa qua, UBND huyện Sóc Sơn đã có văn bản yêu cầu tạm dừng việc chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên theo Văn bản 5134 đã ban hành trước đó. Đồng thời, lãnh đạo các trường phải sắp xếp lịch giảng dạy để giáo viên tiếp tục công tác trong thời gian chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP Hà Nội và UBND huyện Sóc Sơn.