Để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, Sở Nội vụ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập thực hiện các nội dung:
Ngày 19/11, giáo viên hợp đồng của 3 huyện Sóc Sơn, Ba Vì, thị xã Sơn Tây đã đến Bộ Nội vụ nộp đơn kiến nghị trong việc xét tuyển đặc cách theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Nội vụ. Ảnh: HH
Để có căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển dụng đặc cách, Sở Nội vụ đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã chỉ đạo cơ quan chuyên môn và các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập thực hiện các nội dung:
Thứ nhất, rà soát, thống kê và xác định số lượng giáo viên hiện có, số giáo viên thiếu so với biên chế giáo viên được giao.
Thứ hai, thống kê, lập danh sách giáo viên thuộc đối tượng được xem xét tuyển dụng đặc cách quy định tại Công văn số 5378/BN-CCVC ngày 5/11/2019 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng đặc cách đối với giáo viên có hợp đồng lao động và đóng bảo hiểm xã hội từ năm 2015 trở về trước, cụ thể:
Có thời gian ký hợp đồng làm giáo viên có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội tại các trường công lập thuộc UBND quận, huyện, thị xã trước ngày 31/5/2015 và hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập.
Là đối tượng hợp đồng trong chỉ tiêu biên chế được giao của các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập.
Có trình độ phù hợp với vị trí cần tuyển dụng (theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về tiêu chuẩn, chức danh, khung mục vị trí việc làm).
Sở Nội vụ TP Hà Nội yêu cầu, các đơn vị gửi báo cáo thống kê về Sở trước ngày 21/12/2019.
Thực hiện công văn của Sở Nội vụ, UBND các quận, huyện, thị, đã có văn gửi hiệu trưởng các trường yêu cầu các trường thống kê số lượng và có báo cáo gửi về Phòng GD&ĐT để tổng hợp trước ngày 18/12/2019.
Trước động thái này của Sở Nội vụ Hà Nội, một giáo viên hợp đồng ở Sóc Sơn chia sẻ: Ở một số huyện, thị khác, điển hình như thị xã Sơn Tây, giáo viên hợp đồng đã bị cắt hợp đồng từ đầu năm học. Vậy khi Sở Nội vụ ra văn bản này, họ có nằm trong diện được xét đặc cách nữa không, bởi tại văn bản này, Sở Nội vụ có “chêm” 1 điều kiện là "hiện nay vẫn đang làm giáo viên hợp đồng tại các trường mầm non, tiểu học và THCS công lập"!
Theo các giáo viên hợp đồng, đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội yêu cầu rà roát các trường hợp giáo viên hợp đồng. Rà soát đi rà soát lại mà đến nay vẫn tiếp tục rà soát.
Một giáo viên hợp đồng bày tỏ: "Không biết Hà Nội lần này có định "đá quả bóng" giáo viên hợp đồng đi hướng khác không? Sao họ lại "vờn" giáo viên hợp đồng đủ kiểu như vậy. Rõ ràng, Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ đã cho phép tuyển đặc cách giáo viên hợp đồng mà Hà Nội cứ loanh quanh mãi chưa cho "bóng" vào "khung thành".
“Cách giải quyết của Hà Nội rất nhập nhằng, thiếu trách nhiệm với những con người đã gắn bó cả tuổi xuân của mình cho giáo dục mà đáng ra họ phải được đền đáp từ nhiều năm rồi. Hà Nội đẩy đi đẩy lại, rà soát, rà soát, lại rà soát mà gần năm trời vẫn để giáo viên hợp đồng mong mỏi. Bài toán giáo viên hợp đồng có lẽ đơn giản hơn nhưng chính quyền Hà Nội lại "đá" qua "đá" lại làm cho nó càng ngày càng khó gỡ" - một giáo viên hợp đồng bức xúc.
Trong một diễn biến liên quan, theo thông báo chấm dứt hợp đồng lao động với giáo viên hợp đồng của UBND huyện Sóc Sơn thì các giáo viên hợp đồng sẽ bị chấm dứt hợp đồng từ 1/1/2020. Như vậy, chỉ còn chưa đầy nửa tháng nữa là đến lệnh chấm dứt, nhưng đến giờ này giáo viên hợp đồng vẫn "ngồi trên đống lửa".
Một giáo viên hợp đồng lo lắng: Không biết liệu họ có đang chuẩn bị đưa ra những lý do "trên trời" để đẩy giáo viên hợp đồng ra khỏi diện được xét đặc cách như Hà Nam đã làm không?