Trình độ đào tạo không đồng nhất với độ phức tạp của công việc
Tại dự thảo Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức (bản gửi xin ý kiến thành viên Chính phủ ngày 3/5/2020), Khoản 2 Điều 3 phân loại viên chức theo trình độ đào tạo, gồm viên chức giữ chức danh nghề nghiệp có yêu cầu trình độ tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp. Khoản 2 Điều 28 quy định về hạng chức danh nghề nghiệp viên chức căn cứ vào mức độ phức tạp công việc của chức danh nghề nghiệp, gồm 5 hạng. Hạng I xếp lương tương tương với chuyên viên cao cấp. Hạng II xếp lương tương đương với chuyên viên chính. Hạng III xếp lương tương đương với chuyên viên. Hạng IV xếp lương tương đương với cán sự. Hạng V xếp lương tương đương với nhân viên.
Góp ý dự thảo Nghị định này, nhiều ý kiến cho rằng, việc xếp hạng và trả lương theo trình độ đào tạo (tiến sĩ, thạc sĩ, đại học, cao đẳng, trung cấp) sẽ gặp phải vướng mắc. Cụ thể:
Luật Viên chức quy định việc bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp gắn với vị trí việc làm và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (Điều 31 Luật Viên chức năm 2010). Trong đó, tiêu chuẩn chức danh nghiệp viên chức được quy định gồm: Nhiệm vụ, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, tiêu chuẩn về trình độ đào tạo và tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn nghiệp vụ; tiêu chuẩn về trình độ đào tạo chỉ là một trong các tiêu chuẩn nêu trên. Vì vậy, nếu quy định như dự thảo Nghị định, trình độ đào tạo là yếu tố quyết định việc xếp hạng và xếp lương viên chức. Điều này chưa phù hợp với quy định của Luật Viên chức năm 2010.
Nếu phân hạng và xếp lương viên chức theo trình độ đào tạo như dự thảo Nghị định, ngành Giáo dục có số lượng viên chức đông, trải dài từ mầm non đến đại học, việc bố trí các hạng ở bậc học khác nhau sẽ không có sự đồng nhất và tiếp nối với quy định hiện hành; đồng thời, tạo ra sự chênh lệch về xếp lương giữa giáo viên các cấp (trong thực tế, trình độ đào tạo cao không đồng nhất với mức độ phức tạp của công việc).
Theo đó, nếu chức danh nghề nghiệp hạng I gắn với trình độ đào tạo tiến sĩ thì chỉ có giảng viên đại học đáp ứng được; còn giáo viên mầm non, phổ thông không thể có cơ hội được bổ nhiệm và xếp lương hạng I, vì không thể yêu cầu giáo viên mầm non, phổ thông đạt trình độ tiến sĩ (chuẩn trình độ đào tạo được quy định trong Luật Giáo dục 2019 đối với giáo viên THPT, THCS và tiểu học là đại học; giáo viên mầm non là cao đẳng). Mặt khác, cũng không thể đánh giá tính chất, mức độ phức tạp công việc của giáo viên mầm non, phổ thông thấp hơn giảng viên đại học.
Ngoài ra, đây là Nghị định quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, nhưng trong dự thảo Nghị định lại quy định việc phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức xếp lương tương đương với các chức danh của công chức. Điều này chưa hợp lý, vì các chức danh công chức có tiêu chuẩn, mức độ phức tạp công việc không giống với các chức danh viên chức. Đồng thời, nếu có quy định về chính sách tiền lương hoặc quy định về sự tương đương của các chức danh, phải được quy định ở văn bản khác.
Ông Hà Đình Sơn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT ICOSchool (Bắc Giang) nêu quan điểm: Trả lương theo bằng cấp sẽ không phát huy được hết năng lực làm việc của giáo viên, vì chỉ chú trọng vào hình thức bên ngoài (bằng cấp) mà không chú ý vào thực chất năng lực của người lao động.
“Các cơ sở giáo dục ở địa phương và những bậc học thấp sẽ không đồng thuận với quy định trên của dự thảo Nghị định. Vì như vậy, viên chức hạng I sẽ vô cùng khó ở bậc học thấp như tiểu học, mầm non và cực kì hiếm ở bậc học THCS và THPT. Chưa kể đến, quy định này sẽ tiếp tục cổ xúy cho việc sính bằng cấp; tạo ra làn sóng đi đào tạo lãng phí. Việc chạy theo bằng cấp mà không chú ý đến năng lực chuyên môn thực chất gây ra một sự lãng phí rất lớn cho xã hội (lãng phí về thời gian, lãng phí về tiền bạc)” - ông Hà Đình Sơn cho hay.
Nên giao đơn vị chuyên môn phân hạng chức danh nghề nghiệp
Ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT An Giang, cho rằng: Việc giao Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định việc phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức là phù hợp. Lý do, mỗi lĩnh vực hoạt động nghề nghiệp Bộ quản lý chuyên ngành sẽ nắm rõ các nhiệm vụ đối với từng vị trí việc làm và hạng chức danh nghề nghiệp mà viên chức phải thực hiện.
Đồng quan điểm, theo ông Hà Đình Sơn, viên chức giáo dục nên giao cho Bộ GD&ĐT quy định việc phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng theo trình độ chuẩn được đào tạo đã quy định trong Luật theo từng ngành, lĩnh vực, để phù hợp với vị trí việc làm theo đặc thù nghề nghiệp và việc xếp lương của giáo viên hiện tại.
Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Minh Tường, Bí thư Huyện ủy huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) cũng thống nhất quan điểm nên giao Bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định việc phân hạng chức danh nghề nghiệp viên chức tương ứng theo trình độ chuẩn được đào tạo đã quy định. Điều đó sẽ phù hợp hơn theo từng ngành, lĩnh vực và đặc thù nghề nghiệp. Tuy nhiên, cũng cần phải thống nhất với Bộ Nội vụ và các Bộ có liên quan trước khi ban hành để vừa bảo đảm sự phù hợp với đặc thù nghề nghiệp, nhưng cũng phải phù hợp với quy định chung của Chính phủ.