(GD&TĐ)-Tổng cục ĐBVN vừa hoàn thành trình Bộ GTVT 3 phương án về tài chính cho Quỹ bảo trì đường bộ khoảng 12.200 tỷ đồng/năm, trong đó đề xuất lựa chọn phương án 2 với nguồn tài chính cho Quỹ gồm: thu trực tiếp từ đầu phương tiện sử dụng đường (ôtô), từ ngân sách nhà nước cấp - gián tiếp qua thuế nhập khẩu xăng, dầu diesel và ngân sách nhà nước cấp - trực tiếp, bổ sung cho đủ nhu cầu vốn bảo trì đường bộ.
Tổng cục Đường bộ đề xuất thu thêm1.000đ/lít xăng và 330đ/lít dầu diesel đối với chủ phương tiện khi lưu hành xe ô tô (ảnh MH) |
Đề án Quỹ Bảo trì đường bộ (Quỹ) đưa ra ba phương án thu phí. Phương án 1, thu cùng một lúc ba loại phí, trực tiếp thu theo đầu phương tiện cơ giới đường bộ. Cụ thể, ô tô 180.000 đồng/tháng, xe máy 80.000 đồng/xe/năm, dự kiến tổng nguồn thu là 5.987 tỉ đồng/năm. Ngoài ra, các phương tiện sẽ bị thu phí qua giá xăng dầu với mức phí là 1.000 đồng/lít xăng và 170 đồng/lít dầu diesel, đồng thời vẫn chịu lệ phí từ các trạm thu phí như hiện nay.
Phương án 2, sẽ "huy động” từ xe ô tô 180.000 đồng/ tháng, không thu xe máy, song mức phí đề xuất xăng dầu sẽ là 1.000 đồng/lít xăng và 330 đồng/lít dầu diesel, vẫn tiếp tục duy trì trạm thu phí. Phương án còn lại, Tổng cục Đường bộ đề xuất thu trực tiếp từ đầu phương tiện cơ giới đường bộ (mức phí ở phương án 1). Đồng thời, số tiền còn thiếu cho hoạt động bảo trì đường bộ sẽ được cấp bổ sung trực tiếp từ ngân sách nhà nước.
Theo Tổng cục Đường bộ, các phương án trên có ưu điểm là kết hợp được nhiều nguồn thu, huy động đến mức cao nhất sự đóng góp của người tham gia giao thông sử dụng đường bộ cho việc đáp ứng đủ nhu cầu vốn để bảo trì đường bộ. Bên cạnh đó, sự huy động vốn cho quỹ thông qua xăng dầu là hợp lý, đang được áp dụng ở nhiều nước trên thế giới. Còn nguồn vốn từ trạm thu phí vốn là chuyện không thể bàn cãi.
Ông Nguyễn Ngọc Đông, Thứ trưởng Bộ GT-VT kiêm Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ cho biết, nếu Đề án được thông qua sẽ làm tăng nguồn thu bổ sung cho kinh phí quản lý, bảo trì đường bộ. Hiện tại, nguồn ngân sách nhà nước cấp cho bảo trì đường bộ vào khoảng 2.500 tỷ đồng cho 17.000 km đường. Trong những năm tới, nguồn kinh phí này phải tăng gấp, do đó rất cần nguồn vốn từ Quỹ Bảo trì đường bộ. "Với số lượng phương tiện giao thông hiện có, theo tính toán, mỗi năm Quỹ bảo trì sẽ có khoảng 6.300 tỷ đồng. Nguồn thu này cộng với nguồn hàng năm của Nhà nước, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sửa chữa đường bộ. Sau đó, nguồn nhà nước cấp sẽ giảm dần và đến sau năm 2020, Nhà nước không phải đầu tư cho Quỹ này nữa.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho biết: "Phương án 1,2 khiến cho chủ phương tiện đóng góp quá nhiều kinh phí. Đặc biệt, với tình trạng nở rộ ngày càng nhiều các trạm thu phí theo hình thức BOT, rõ ràng chỉ một vài năm tới, một chiếc xe sẽ phải đóng đến ba loại phí cho đường bộ. Đừng tham vọng và đừng hy vọng bắt người dân phải đóng quá nhiều, do vậy cần chọn phương án cuối cùng để khắc phục tình trạng một phương tiện phải "cõng” đến 3-4 loại phí cho ngành đường bộ” |
Với phương án này, Quỹ sẽ có 4.467 tỉ đồng/năm từ phí trên đầu ôtô, 5.765 tỉ đồng/năm từ thuế xăng dầu (1.000đ/lít xăng và 330đ/lít dầu diesel - không hoàn lại cho các ngành nghề khác cùng sử dụng diesel) và 1.968 tỉ đồng/năm ngân sách cấp trực tiếp.
Dự kiến từ năm thứ sáu hoạt động của Quỹ sẽ không cần nguồn kinh phí ngân sách cấp trực tiếp, sau khoảng 15 năm hoạt động Quỹ sẽ tự đáp ứng nhu cầu hoạt động từ thu trực tiếp trên đầu phương tiện ôtô.
Theo Tổng cục ĐBVN, với Phương án 2 sẽ không thu phí sử dụng đường bộ của xe môtô (việc tổ chức thu phí bảo trì đường bộ của người sử dụng môtô, xe máy có những khó khăn nhất định, khả năng sẽ thất thu đối tượng này), đồng thời cũng giảm bớt gánh nặng ngân sách chỉ phải đảm nhận một phần chi phí.
Việc thu thêm 1.000đ/lít xăng và 330đ/lít dầu diesel là có thể chấp nhận được. Các trạm thu phí BOT vẫn tiếp tục tiến hành thu phí, công tác bảo trì các tuyến đường BOT hiện và sẽ vẫn do nhà BOT đảm nhiệm. 25 trạm thu phí còn lại sẽ được xóa bỏ.
Hải Minh