Xe đưa đón học sinh: Giáo dục kỹ năng thoát hiểm ngay buổi đầu đến lớp

GD&TĐ - Trang bị cho học sinh các kỹ năng an toàn, trong đó có thoát hiểm khi đi xe… ngày càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.

Cô giáo Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức - Thanh Hà (Hà Nội) hướng dẫn học sinh trùm khăn ướt lên người để thoát hiểm khi xảy ra cháy. Ảnh: TG
Cô giáo Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức - Thanh Hà (Hà Nội) hướng dẫn học sinh trùm khăn ướt lên người để thoát hiểm khi xảy ra cháy. Ảnh: TG

Cụ thể bằng hoạt động

Cô Nguyễn Thị Hằng – Phó Hiệu trưởng điều phối cấp tiểu học của Trường Tiểu học & THCS Olympia (quận Nam Từ Liêm, TP Hà Nội) cho rằng, an toàn trường học luôn là ưu tiên hàng đầu của nhà trường và được triển khai đồng bộ. Các khóa huấn luyện và bài học lý thuyết về kỹ năng sơ cấp cứu, phòng cháy chữa cháy (PCCC), thoát hiểm và các kỹ năng khác được thực hiện định kỳ khoảng 2 tháng/lần, dưới sự hướng dẫn trực tiếp từ các chuyên gia như lực lượng Cảnh sát PCCC và y tế. Khóa này dành cho cả học sinh và giáo viên.

Hằng năm, nhà trường tổ chức các buổi diễn tập PCCC, bao gồm báo trước và đột xuất, nhằm mô phỏng tình huống thực tế một cách chân thực và nâng cao khả năng ứng phó với các tình huống khẩn cấp. Ngoài ra, các buổi học kỹ năng thoát hiểm trên xe buýt được tiến hành với sự hỗ trợ trực tiếp từ giám sát viên và bộ phận lái xe của trường.

Học sinh được hướng dẫn lý thuyết về nguyên tắc an toàn ở trên xe, cách ứng xử khi có sự cố xảy ra; thực hành cách sử dụng thiết bị an toàn và thoát hiểm trong tình huống khẩn cấp như bấm còi, nháy đèn, mở cửa bên ghế ngồi phía trên... Đây sẽ là nền tảng để mỗi chuyến xe tới trường hay đi tới bất cứ nơi đâu, các em cũng được đảm bảo an toàn.

“Qua từng năm, với nhiều lần được tập huấn kỹ càng và bài bản về PCCC, sơ cấp cứu, tự thoát hiểm trên xe buýt, an toàn khi tham gia giao thông, kỹ năng an toàn trở thành thói quen và phản xạ tự nhiên trong mỗi học sinh”, cô Nguyễn Thị Hằng trao đổi.

Theo cô Hằng, trong năm học 2024 - 2025, Trường Tiểu học & THCS Olympia tiếp tục đặt mục tiêu trang bị kiến thức và rèn luyện kỹ năng thực tế cho học sinh. Qua đó, các em có thể tự tin và an toàn trong mọi tình huống. Nhà trường đã xây dựng kế hoạch chi tiết với hoạt động cụ thể theo từng tháng.

Ngoài duy trì các hoạt động thường niên như diễn tập PCCC, ký cam kết thực hiện an toàn giao thông (ATGT) và thoát nạn thoát hiểm, nhà trường sẽ triển khai các khóa tập huấn kỹ năng sơ cấp cứu cho đội ngũ giáo viên và nhân viên. Điều này không chỉ nâng cao năng lực đội ngũ nhà trường mà còn đảm bảo học sinh luôn nhận được sự hỗ trợ kịp thời và chất lượng.

giao duc ky nang thoat hiem ngay buoi dau den lop (2).jpg
Học sinh Trường Tiểu học & THCS Olympia (Hà Nội) thực hành kỹ năng thoát hiểm trên xe buýt. Ảnh: TG

Thực hành thường xuyên

Tại Trường Tiểu học & THCS Xanh Tuệ Đức - Thanh Hà (Thanh Oai, Hà Nội), công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được đặc biệt chú trọng. Học sinh được thầy cô trang bị các kiến thức về an toàn PCCC, kỹ năng tự phục vụ, an toàn giao thông, thoát hiểm trên xe buýt trong giờ học kỹ năng sống.

Cô Hiệu trưởng Phạm Thị Tâm cho hay, mỗi tuần học sinh được học một tiết kỹ năng sống. Tùy từng khối lớp, thầy cô sẽ dạy tuần tự các kỹ năng cần thiết cho học sinh biết và thực hành. Ví dụ, với học sinh lớp 1 sẽ học kỹ năng tự phục vụ như vệ sinh cá nhân, sắp xếp đồ dùng học tập, tự xúc ăn, dọn dẹp bát đũa… ngay những tuần học đầu tiên để các em làm quen với môi trường mới.

Đặc biệt, với đặc thù trường ngoài công lập có hệ thống xe đưa đón, nhà trường cũng chú ý tới việc trang bị cho học sinh kỹ năng an toàn khi đi xe buýt. Trong đó, các em được học kỹ năng thoát hiểm nếu gặp phải tình huống bị bỏ quên trên xe (giữ thái độ bình tĩnh, thực hiện các thao tác như bấm còi xe, nhấn nút báo động màu đỏ ở gần vô lăng, hoặc thoát hiểm qua cửa sổ…).

“Trong thời đại ngày nay, trang bị cho học sinh kỹ năng sống vô cùng quan trọng. Việc này là một quá trình lâu dài và liên tục, đòi hỏi sự chung tay phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Như vậy, sẽ giúp trẻ tự tin hơn để sẵn sàng ứng phó những tình huống phát sinh trong thực tế”, cô Phạm Thị Tâm nhấn mạnh thêm.

Là ngôi trường công lập có quy mô gần 500 học sinh, Trường Tiểu học Lộc Hòa (TP Nam Định, tỉnh Nam Định) coi giáo dục kỹ năng sống là một trong những nội dung trọng tâm của mỗi năm học. Nhà trường xây dựng kế hoạch ngay từ đầu năm để mời lực lượng Công an thành phố tới trường tuyên truyền cho học sinh về kỹ năng thoát hiểm khi có sự cố liên quan đến cháy nổ, kỹ năng an toàn trên xe buýt.

Cô Hiệu trưởng Trần Thị Ngọc Trang cho hay, nội dung về an toàn giao thông được thầy cô lồng ghép vào môn Đạo đức, Hoạt động trải nghiệm. Nhà trường tổ chức cho học sinh thi vẽ tranh về chủ đề “An toàn giao thông” kết hợp với tuyên truyền trong giờ Sinh hoạt dưới cờ để trang bị thêm kiến thức tham gia giao thông an toàn. Giáo dục kỹ năng tự phục vụ cho trẻ được giáo viên kết hợp vào mỗi giờ học trên lớp cũng như các hoạt động chung toàn trường.

Tương tự, đại diện truyền thông của Trường Phổ thông liên cấp Marie Curie (Hà Nội) cho hay, cả ba cơ sở của trường ở các quận Nam Từ Liêm, Hà Đông và Long Biên đều tổ chức tập huấn kỹ năng thoát hiểm trên xe ô tô cho học sinh từ trung tuần tháng 8. Trước đó vào tháng 7, học sinh nhà trường được học cách thoát nạn khi có cháy, thực hành đu dây hạ chậm, sử dụng bình cứu hỏa, thoát khỏi phòng có khói…

Thầy Lại Công Hoan – Hiệu trưởng Trường Mầm non Vũ Ninh (Kiến Xương, Thái Bình) thông tin, không chỉ là kỹ năng tự phục vụ hay thoát hiểm khi có cháy, trẻ còn được học cách nhận biết dấu hiệu nguy hiểm về điện và ghi nhớ các số điện thoại khẩn cấp như 113, 114, 115 để nhờ người lớn gọi khi cần thiết. Những kỹ năng trên cần được làm thường xuyên và thực chất để học sinh nắm vững, áp dụng khi cần thiết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.