Phù hợp cá nhân, phù hợp vùng miền
Đây là yếu tố đầu tiên được đặt ra với các nhà trường khi tổ chức tư vấn hướng nghiệp. Và để thực hiện hiệu quả, Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái) thành lập tổ hướng nghiệp gồm: BGH, đại diện các tổ chức đoàn thể trong trường, giáo viên chủ nhiệm lớp 12 và 1 người chuyên trách làm công tác tuyển sinh nhằm hỗ trợ kịp thời cho các em khi lựa chọn ngành nghề.
Đồng thời giải đáp những thắc mắc của học sinh về quy chế và công tác tuyển sinh năm 2014; kinh nghiệm chọn lựa khối thi, ngành thi gắn với năng lực của học sinh và nhu cầu nhân lực hiện nay của tỉnh Yên Bái.
Cùng đó, các nhà trường yêu cầu giáo viên chủ nhiệm phối hợp chặt chẽ với phụ huynh học sinh để nắm rõ mục đích học tập của con em mình, từ đó định hướng cho các em thi vào các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp, trường nghề hoặc là hệ cử tuyển đối với học sinh dân tộc thiểu số phù hợp với năng lực và sở trường.
Theo thầy Thạch Văn Bắc - Hiệu trưởng Trường THPT ATK Tân Trào (Tuyên Quang), kinh nghiệm tư vấn hướng nghiệp của nhà trường là: Đặt ra các câu hỏi để học sinh tự trả lời, từ đó đưa ra quyết định đúng đắn khi lựa chọn ngành nghề cho mình.
Hệ thống các câu hỏi tập trung vào mục đích, năng lực, lý do chọn nghề của học sinh; nhu cầu, yêu cầu của xã hội đối với nghề đó; đầu vào, đầu ra của trường, của nghề mình dự định học; khả năng kinh tế của gia đình, thậm chí là các mối quan hệ của gia đình, dự kiến thu nhập của ngành, nghề đó….
Với các trường THPT DTNT, tư vấn hướng nghiệp lại mang màu sắc khá đặc biệt. Thầy Hoàng Nghĩa Đào - Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú Nơ Trang Lơng, Đăk Lăk - cho biết: Để học sinh định hướng nghề đúng, không theo cảm tính hoặc tâm lý theo số đông, trường chúng tôi quán triệt các em phải dựa vào 3 yếu tố chính: Phải phù hợp nhu cầu xã hội; tùy vào năng lực cá nhân; sở thích hứng thú nghề nghiệp của bản thân.
Ngoài ra, do đặc thù là trường THPT dân tộc nội trú, học sinh là người dân tộc thiểu số, thiên về môn xã hội, chúng tôi gợi ý: Mục tiêu đào tạo các em là “Nâng cao dân trí, tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và nguồn đào tạo cán bộ vùng đồng bào dân tộc thiểu số”, vì vậy các em nên chọn ngành nghề nào để có thể trở về phục vụ cho địa phương; cũng nên chọn khối thi môn xã hội để phù hợp khả năng.
Vận dụng sáng tạo từ các nhà trường
Cô và trò Trường PTDTNT tỉnh Lai Châu tập trung ôn luyện |
Không xa vời mà bám sát thực tiễn, các thầy cô giáo đều mong muốn học sinh chọn được đúng ngành, nghề phù hợp, thuyết phục, tư vấn học sinh bằng những ví dụ sinh động.
Như thầy Vũ Văn Tiến - Hiệu trưởng Trường THPT Mù Cang Chải (Yên Bái), từ thực tế địa phương và sức học của học sinh, thầy thường tư vấn cho các em lựa chọn các ngành nông, lâm nghiệp và bảo vệ cảnh quan môi trường… Đây là những ngành đầu vào không quá khó nên phù hợp với năng lực của nhiều em học sinh vùng núi.
Công tác tư vấn tuyển sinh không thể làm chiếu lệ hoặc để lập thành tích.
Thầy Hoàng Nghĩa Đào
Riêng kỳ tuyển sinh năm nay, bên cạnh việc tiếp tục phối hợp với các trường ĐH, CĐ, TCCN cung cấp nhiều thông tin giúp học sinh chủ động và tạo nhiều cơ hội chọn lựa cho mình, Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) tổ chức cho học sinh tham quan hướng nghiệp thực tế tại nhiều trường ĐH, như: ĐH Cần Thơ, ĐH Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long, ĐH Bách khoa TPHCM, ĐH Nông Lâm TPHCM…
Đây là những trường có uy tín, tuyển sinh đầu vào vừa sức với học sinh của trường và cơ hội việc làm sau tốt nghiệp từ các trường này cũng khá cao. Riêng các em xuất sắc, trường vẫn động viên thi vào các trường ĐH có điểm chuẩn cao hơn.
Cùng đó, việc cập nhật thông tin mới là vô cùng quan trọng. Bởi vậy, các nhà trường luôn cung cấp kịp thời các thông tin của kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hàng năm; cũng như những thông tin liên quan đến nhu cầu nguồn nhân lực, tình hình phát triển của địa phương, của đất nước, giúp học sinh có cái nhìn toàn diện hơn về bức tranh ngành, nghề tương lai.
Đừng để nước đến chân mới nhảy
Đây là nhận định chung của tất cả các hiệu trưởng trường THPT khi được hỏi bí quyết thành công trong tư vấn hướng nghiệp học sinh cuối cấp.
Thầy Thạch Văn Bắc chia sẻ: Hoạt động tư vấn hướng nghiệp của nhà trường được tổ chức thường xuyên, nghiêm túc và bài bản. Ngoài các buổi giáo dục - hoạt động tập thể, mỗi tháng nhà trường còn tổ chức 2 tiết hoạt động ngoại khóa có lồng ghép chương trình tư vấn hướng nghiệp, 1 tiết hoạt động hướng nghiệp.
Còn thầy Nguyễn Văn Định - Hiệu trưởng Trường THPT Tháp Mười (Đồng Tháp) - nhấn mạnh: Hướng nghiệp là một hoạt động thường xuyên, được thực hiện thông qua nhiều hình thức khác nhau: Qua các giờ học hướng nghiệp; qua giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn; qua hoạt động giảng dạy và giáo dục hàng ngày. Đội ngũ hướng nghiệp của trường thực sự có kiến thức về hướng nghiệp, có khả năng phân tích, dự báo tốt.
Được biết, ngay từ đầu năm học, các nhà trường THPT trên toàn quốc đều đã chủ động nắm đầy đủ hoàn cảnh gia đình, điều kiện kinh tế, năng lực học tập, những định hướng nghề nghiệp của học sinh qua cuộc họp phụ huynh để quan tâm theo dõi, tư vấn phù hợp cho các em.
Sau đó, hướng dẫn học sinh chọn ban trên cơ sở năng lực học tập, định kỳ (sau học kỳ hoặc sau năm học) có điều chỉnh cho phù hợp. Việc sắp xếp lớp học theo trình độ học tập; phân công giáo viên có kinh nghiệm, giảng dạy hiệu quả vào các lớp 12, lớp mũi nhọn, dạy học sinh giỏi luôn được các nhà trường lưu ý.
Một số trường có sáng tạo khi mời những học sinh thành đạt về nói chuyện với học sinh trong các giờ sinh hoạt tập thể.