Lan toả tình yêu thương
Hiệu trưởng nhà trường - cô Nguyễn Thị Thu Thủy, chia sẻ: “Để nâng cao chất lượng dạy học, GV phải hiểu học sinh và biết cách khơi gợi niềm say mê học tập. Tôi luôn khuyến khích các GV đề xuất triển khai mô hình, bồi dưỡng tư duy, phát triển năng khiếu học sinh, đưa học sinh vào các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, tách các em khỏi ham mê trò chơi điện tử. Đặc biệt, nhà trường thường xuyên yêu cầu giáo viên phải có sáng kiến đổi mới sáng tạo trong dạy – học. Chú trọng xây dựng, bồi dưỡng và phát triển đội ngũ. Tăng cường hiệu quả của phòng học thông minh, đặc biệt chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin vào các hoạt động dạy – học”.
Với quan điểm trường học hạnh phúc phải là nơi yêu thương và sẻ chia, học sinh đến trường phải được an toàn, tôn trọng và cảm thấy hạnh phúc, ban giám hiệu nhà trường luôn yêu cầu GV phải đề cao vai trò của học sinh. Tinh thần này được quán triệt đến mọi hoạt động từ lên lớp đến ngoại khóa. Trong các hoạt động, GV đều tích cực đưa những nội dung mang tính trải nghiệm sáng tạo để hấp dẫn các em. Kết quả, HS nhà trường tham gia tích cực hơn với việc học tiếng Anh. Các buổi nói chuyện chuyên đề, giáo dục kỹ năng sống đã khích lệ học sinh, tạo niềm tin giúp các em bạo dạn hơn. Các chuyên đề Tiếng Anh, Toán, Tiếng Việt và Kỹ thuật thủ công của các cô giáo trẻ đều được đánh giá cao tại các hội thi của ngành GD.
Song song với đó, trường cũng có nhiều hoạt động thiết thực khác để khơi dậy lòng ham học trong HS. Phải kể đến việc lan tỏa văn hóa đọc. Hiện mỗi lớp học đều có tủ sách với nhiều loại sách. Hằng tháng, sách được luân chuyển xuống thư viện chung của các khối để trao đổi giữa các lớp trong khối. Để rèn luyện ý thức đọc sách, nhà trường cũng thực hiện quản lý việc đọc hằng ngày và vào giờ ra chơi cho từng lớp. Phong trào đọc sách, xây dựng văn hóa đọc đã và đang lan tỏa trong nhà trường, các ngày hội sách, phát huy hiệu quả thư viện, tuyên truyền để học sinh yêu thích đọc sách, nâng cao ý thức bảo vệ, giữ gìn sách thành thói quen đẹp.
Triển lãm tranh gây quỹ từ thiện của học sinh Ảnh: T.G |
Tích cực đổi mới sáng tạo
Sáng kiến “Biện pháp xây dựng môi trường lớp học thân thiện, tích cực nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo cho học sinh lớp 3 trên địa bàn thành phố Hạ Long” của cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền được nhân rộng và đánh giá cao về tính hiệu quả.
Cô Huyền cho biết: “Năm học 2018 - 2019, tôi được ban giám hiệu nhà trường phân công chủ nhiệm lớp 3A6 với 19 học sinh nữ, 25 học sinh nam. Khi nhận lớp và làm công tác chủ nhiệm, tôi nhận thấy có những thuận lợi và khó khăn. Sau khi tiến hành khảo sát nhận thức, thái độ của học sinh, tôi tổ chức một hoạt động ngoài giờ lên lớp với chủ điểm: “Bạn mong ước lớp học của mình như thế nào?” thông qua trò chơi: Phóng viên nhỏ, sắm vai, giải ô chữ… để các em chia sẻ nhu cầu và mong muốn về trường, lớp của mình”.
Còn cô Ngô Thị Thái có sáng kiến rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh lớp 4. Sáng kiến này nhằm khắc phục việc học sinh chỉ nắm được nội dung cơ bản của bài, chưa cảm thụ hết cái hay, cái đẹp và nội dung giáo dục.
Qua quá trình khảo sát, phân tích, đánh giá, cô đưa ra 7 giải pháp nhằm rèn kĩ năng đọc hiểu cho học sinh. Qua hơn một năm áp dụng các phương pháp, đã thu được những kết quả đáng khích lệ: Nâng cao khả năng đọc và đọc hiểu, học sinh đã biết trả lời tốt các câu hỏi trong sách giáo khoa. Biết xác định nội dung của các tác phẩm, thể hiện thái độ tình cảm của mình với mỗi nhân vật. Mỗi tiết tập đọc, các em hứng thú hơn và chủ động hơn trong lĩnh hội tri thức.
Cô Nguyễn Thị Thu Thuỷ