Xây “hàng rào thép” ngăn ma túy tấn công trường học

GD&TĐ - Điện Biên – nơi được xem là điểm “nóng” tệ nạn ma túy của cả nước, việc chủ động xây dựng “trường học không ma túy” đã tạo nên “hàng rào thép” giúp bảo vệ và ngăn chặn hiểm họa này xâm nhập qua cánh cổng trường.

Bố mất vì ma túy, mẹ đi lấy chồng, G. A. H., bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) “bất đắc dĩ” trở thành chỗ dựa của đàn em thơ.
Bố mất vì ma túy, mẹ đi lấy chồng, G. A. H., bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) “bất đắc dĩ” trở thành chỗ dựa của đàn em thơ.

Khi trẻ bị “đánh cắp” tuổi thơ

Sau mỗi chiều tan học, hai chị em L. T. H. (14 tuổi), L. T. L. (10 tuổi), bản Lịch Cang, xã Nặm Lịch, huyện Mường Ảng (tỉnh Điện Biên) lại dắt nhau lên rừng kiếm củi, hái rau và trở về nhà lúc xẩm tối. Đã gần 7 năm qua, hai đứa trẻ lủi thủi chăm nhau, từ bữa cơm, giấc ngủ, việc học hành và bảo vệ nhau theo bản năng sinh tồn.

Bố nghiện ma túy và chết vì căn bệnh HIV/AIDS khi L. chưa đầy 1 tuổi. Lây bệnh từ bố (năm 2014), mẹ hai em cũng qua đời. H. bất đắc dĩ trở thành trụ cột, vừa là bố, là mẹ của đứa em thơ.

Tài sản duy nhất bố mẹ để lại cho H. và L. là ngôi nhà nhỏ, được che chắn bằng phên nứa. Ngồi trong nhà gió thổi ba bề bốn bên, ngửa mặt lên là nắng xiên, mưa dột. Nhìn hoàn cảnh 2 em, người trong bản ai nấy phải xót xa.

“Hoàn cảnh 2 chị em H. và L. khổ lắm. Phần vì mặc cảm, phần vì điều kiện không cho phép nên chúng không vô tư, chơi đùa nhiều cùng bọn trẻ trong bản. Lúc bố còn sống, 2 cháu cũng chẳng mấy khi được ăn no. Trong nhà có gì, bố chúng đem bán sạch để lấy tiền mua ma túy. Giờ mồ côi rồi, làng bản ai cũng thương, người cho tí gạo, người lại cho quả trứng, mớ rau” – ông Quàng Văn Dương, Trưởng bản Lịch Cang chia sẻ.

Ở một hoàn cảnh khác, anh em G. A. H., bản Huổi Hốc, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) tuy còn mẹ, nhưng sớm phải bươn chải mưu sinh. Bố mất gần 10 năm vì ma túy, mẹ sau đó đi lấy chồng, bỏ mặc anh em H. lay lắt giữa cuộc đời với bao cực nhọc, tủi hờn. Trở thành trụ cột của gia đình khi ở tuổi 12, H. phải bỏ học giữa chừng, dù còn bao khát khao, mơ ước.

Mỗi sáng thức dậy H. lên nương với cái bụng đói. Có lần trở về nhà khi trời đã xẩm tối, nhìn các em đói, khóc, mà trong nhà không còn gạo để nấu cơm, H. chỉ biết bất lực dẫn chúng ra đầu bản ngóng mẹ. Thế nhưng, kể từ ngày đi, mẹ chúng chưa một lần hồi âm.

“Cuối năm vừa rồi cháu đi làm phụ hồ ở Tuần Châu, Quảng Ninh được người ta trả công hơn 2 triệu đồng. Về nhà ăn Tết cháu mua cho mỗi em một bộ quần áo mới, hết gần 1 triệu đồng, còn lại là tiền sắm Tết của mấy anh em. Giờ cháu chỉ mong có công việc làm ổn định ở gần nhà, vừa có tiền trang trải cuộc sống, lại chăm lo được cho các em. Tuổi thơ cháu qua rồi, nhưng còn các em cháu nữa…” – H. xót xa nói...

Một cuộc thi phòng chống ma túy học đường được Trường THPT Thanh Nưa tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.
Một cuộc thi phòng chống ma túy học đường được Trường THPT Thanh Nưa tổ chức đã thu hút sự tham gia của đông đảo học sinh.

Để ma túy không “vượt” cổng trường

Mỗi đứa trẻ, một mảnh đời. Song cùng có chung nỗi đau từ ma túy. Không chỉ gieo rắc “cái chết trắng” cho nhiều người, ma túy còn là nguyên nhân “xé nát” nhiều gia đình, khiến những đứa trẻ mất đi tuổi thơ mà chúng đáng được hưởng.

Để ngăn chặn và đẩy lùi hiểm họa này, các ngành chức năng tỉnh Điện Biên đã và đang dành nhiều nỗ lực, bằng nhiều giải pháp khác nhau. Trong đó, ngành Giáo dục địa phương cũng chủ động xây dựng và duy trì tốt mô hình “Trường học không ma túy”.

Với nhiều đoàn viên sinh viên Trường Cao đẳng sư phạm Điện Biên, các buổi tuyên truyền và cuộc thi tìm hiểu về phòng chống ma túy, tác hại của thuốc lá, rượu bia và chất kích thích luôn ấn tượng, hấp dẫn và thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Đây cũng là đơn vị được Bộ GD&ĐT lựa chọn làm mô hình điểm xây dựng Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng, chống ma túy”. Mục tiêu để giúp đoàn viên sinh viên hiểu sâu hơn về nội dung này, từ đó nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi. Đơn vị này cũng tổ chức các buổi tuyên truyền dưới nhiều hình thức đa dạng, như: Trò chơi ô chữ, quan sát hình ảnh, video tìm kiếm các thông tin mới hay như kể các câu chuyện có thật về tác hại của ma túy…

Tại đây, nhiều bạn trẻ đã đưa ra những ý kiến thảo luận, trao đổi hết sức thẳng thắn, song cũng có không ít ý tưởng, cách làm hay được chia sẻ bằng những hành động thực tiễn. Qua đó, bổ sung các kiến thức còn thiếu về công tác tuyên truyền phòng chống ma túy, tác hại của thuốc lá, rượu bia và chất kích thích trong bối cảnh hiện nay.

Anh Hoàng Văn Định, Phó Bí thư đoàn Trường CĐ Sư phạm Điện Biên cho biết: Kế hoạch tổ chức các buổi tuyên truyền, cuộc thi liên quan đến chủ đề phòng chống ma túy luôn được chúng tôi chủ động xây dựng hàng năm. Vừa để tạo sân chơi cho đoàn viên sinh viên, song cũng để giáo dục, nâng cao nhận thức cho các bạn. Năm 2021, chúng tôi xây dựng xong kế hoạch, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 5 vừa qua, nhưng do dịch bệnh căng thẳng nên đành tạm hoãn và dự kiến triển khai vào tháng 8”.

Với phương châm phòng ngừa là chính, Trường THPT Thanh Nưa (huyện Điện Biên) lấy sự phối hợp với gia đình và xã hội là giải pháp chủ lực và chú trọng thực hiện. Trong đó, nhà trường coi trọng công tác tuyên truyền nâng cao hiểu biết cho học sinh về ma túy, tệ nạn ma túy và đại dịch HIV/AIDS. Để việc tuyên truyền hiệu quả, thuyết phục, nhà trường mời tuyên truyền viên từ các cơ quan chức năng, như công an, kiểm sát… về nói chuyện, giải đáp thắc mắc cho HS.

“Chúng tôi thường xuyên kết hợp tuyên truyền lồng ghép trong các giờ học, tại buổi chào cờ và sinh hoạt ngoại khóa. Không những vậy, năm nào nhà trường cũng tích cực tham gia giao lưu, thi tuyên truyền về phòng chống ma túy giữa 7 đơn vị trường THPT trên địa bàn huyện do huyện đoàn tổ chức. Thông qua hình thức sân khấu hóa, các thông điệp về phòng chống ma túy được truyền tải đến học sinh dễ dàng hơn”, anh Voòng Thái Triều, Bí thư đoàn Trường THPT Thanh Nưa cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên, nhờ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, công tác đấu tranh, phòng chống ma túy trong trường học của địa phương đã đạt được những kết quả tích cực. 100% cơ sở giáo dục triển khai tuyên truyền, giáo dục về tác hại của ma túy và được trang bị kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, phát hiện đấu tranh với tệ nạn ma túy. 100% nhà trường đạt tiêu chí “Trường học không ma túy”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.