Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học: Cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”

GD&TĐ - Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018 -2025” vừa được Thủ tướng Chính phủ thông qua được kỳ vọng cải thiện môi trường giáo dục theo hướng tích cực, chuẩn hóa. Theo các nhà quản lý giáo dục, tín hiệu này sẽ có tác động rất lớn đến cả người dạy và người học.

Văn hóa ứng xử là nền tảng để phát huy vai trò của giáo dục trong môi trường sư phạm
Văn hóa ứng xử là nền tảng để phát huy vai trò của giáo dục trong môi trường sư phạm

Giảm thiểu bạo lực học đường

Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THCS-THPT Lê Quý Đôn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, đây là cơ sở quan trọng để tiếp tục xây dựng văn hóa học đường lành mạnh, thân thiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Hiện nay, đạo đức xã hội đang xuống cấp trầm trọng, nó nằm trên tất cả đời sống xã hội như gia đình, tổ chức công quyền, kể cả tôn giáo. Chuyện xảy ra không chỉ với người lớn, trẻ em mà cả những người có chức quyền. Thậm chí cả ngay trong những quan hệ họ hàng, gia đình… nó là vấn đề nhức nhối khiến ai cũng đau lòng.

Trong nhà trường, một bộ phận cấu thành của xã hội đang chịu tác động rất nhiều từ biến động đó. Dù cố gắng bao nhiêu nhà trường vẫn có những “vết hõm” nhất định trong giáo dục đạo đức cho học sinh. Chẳng hạn tình trạng bạo lực học đường, học sinh không tôn trọng cha mẹ, thầy cô, trộm cắp, nghiện ma túy, cờ bạc…

Ngoài xã hội có gì thì trong nhà trường có đó. Thầy cô sử dụng quyền lực để dạy thêm học thêm. Ứng xử của thầy trò mang nhiều màu sắc thị trường, việc đánh giá, cho điểm thiếu thực chất, tính trung thực không còn đúng nghĩa nữa.

Thầy Nguyễn Quốc Bình nhấn mạnh, việc xây dựng một bộ quy tắc ứng xử là điều rất cần thiết, tạo ra hành lang cho các trường trong việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh trong trường học. Nhà trường là môi trường giáo dục có vai trò rất lớn trong việc giáo dục nhân cách cho học trò.

Đồng quan điểm về sự cần thiết trong xây dựng quy tắc ứng xử học đường, cô giáo Trần Thị Bích Hợp, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Đống Đa (Hà Nội) cho biết, việc xây dựng và triển khai đề án là hết sức cần thiết. Trong bối cảnh hiện nay, bạo lực học đường ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm và phức tạp đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc của nhiều nước. Bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà còn ở học sinh nữ. Nếu triển khai tốt ở các nhà trường sẽ góp phần giảm thiểu bạo lực học đường và xây dựng trường học thân thiện, học sinh thanh lịch văn minh.

Quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu

Theo thầy Nguyễn Quốc Bình, để bộ quy tắc ứng xử được thực hiện nghiêm túc, cần có sự chung tay của nhà trường, gia đình và xã hội, trong đó giáo dục là trọng tâm.

Lâu nay chúng ta thường quá chú trọng đến kiến thức mà coi nhẹ dạy đạo đức cho học sinh. Trong khi đó, chương trình dạy đạo đức lại chú trọng nhiều đến lý thuyết cao siêu không gắn với thực tế, thực tiễn cuộc sống. Trong nhà trường, cần cân đối việc dạy làm người và dạy kiến thức.

“Không có gì phải cao xa cả, chỉ tập trung ở một số nội dung cơ bản như truyền thống tôn sư trọng đạo; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà; lễ phép với thầy cô giáo; kính trên nhường dưới, thân ái với bạn bè. Mỗi trường học sẽ căn cứ vào điều kiện học sinh, cấp học cũng như về văn hóa địa phương để xây dựng cho phù hợp” - thầy Nguyễn Quốc Bình chia sẻ.

Để xây dựng văn hóa ứng xử học đường, theo thầy Nguyễn Quốc Bình, quan trọng nhất là vai trò của người đứng đầu. Hiệu trưởng phải giúp mỗi nhà giáo có đủ phẩm chất, năng lực, nhân cách của nhà giáo, để làm tấm gương dẫn dắt học trò.

Nâng cao năng lực sư phạm

Cô giáo Trần Thị Bích Hợp bày tỏ quan điểm, văn hoá ứng xử đóng vai trò quan trọng trong quá trình dạy học, giúp cho thầy mẫu mực hơn, trò lễ độ, khuôn phép hơn. Hiệu quả dạy học không chỉ phụ thuộc vào năng lực chuyên môn và khả năng sử dụng các phương pháp dạy học, mà còn nằm ở phong cách, thái độ ứng xử của nhà giáo đối với học sinh. Mỗi trường học cần có bước đi, cách thức xây dựng văn hoá học đường ở trường mình cho phù hợp theo đặc điểm của trường và tính chất của văn hóa trường học.

Hiện nay, bạo lực học đường ngày càng bộc lộ tính nguy hiểm và phức tạp đang trở thành vấn đề xã hội bức xúc của nhiều nước. Bạo lực học đường diễn ra không chỉ ở thành thị mà còn ở nông thôn, không chỉ ở học sinh nam mà còn ở học sinh nữ. Trong bối cảnh đổi mới giáo dục hiện nay, xây dựng văn hoá học đường cần được xem là một biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn, chấm dứt và hướng tới xóa bỏ bạo lực học đường.

Điều quan trọng hơn cả là việc đổi mới nội dung, phương pháp, hình thức giáo dục văn hóa ứng xử trong trường học. Khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với việc tăng thời lượng dành cho các môn Đạo đức, môn Giáo dục công dân và các hoạt động giáo dục khác được xây dựng chú ý đến thực hành, vận dụng kiến thức vào thực tiễn thì văn hóa ứng xử trong trường đóng vai trò làm cân bằng giữa dạy “chữ” và dạy “người”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.