Xây dựng trường mầm non chuẩn quốc gia: Khó khăn không chùn bước

GD&TĐ - Khó khăn, thách thức còn nhiều, nhưng không làm chùn bước công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia ở các địa phương, nhà trường.

Yên Bái - một trong những địa phương nỗ lực xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: TG
Yên Bái - một trong những địa phương nỗ lực xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Ảnh: TG

Sau 5 năm xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, toàn quốc có trên 15 nghìn trường mầm non, trong đó hơn 8 nghìn trường đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 56,9%.

Chỉ đạo quyết liệt

Theo TS Cù Thị Thủy - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ GD&ĐT), giai đoạn 2018 - 2023, Bộ đã ban hành các văn bản quy định và hướng dẫn công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đây là căn cứ để sở GD&ĐT các địa phương tham mưu chính quyền cấp tỉnh đầu tư, triển khai, hướng dẫn nhà trường thực hiện.

Mặt khác, sở GD&ĐT các tỉnh, thành phố cũng tham mưu UBND ban hành Đề án, Chương trình, Kế hoạch phát triển giáo dục mầm non (GDMN) nhằm tăng cường nguồn lực; đồng thời chỉ đạo cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt. Các địa phương đã ưu tiên mở rộng diện tích, bố trí đất sử dụng cho giáo dục và nguồn lực lớn để xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Thực tế cho thấy, xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được các địa phương quan tâm đặc biệt. Các cơ sở GDMN xác định công tác này không chỉ để nâng cao chất lượng giáo dục mà còn là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành, địa phương.

Nhiều nhà trường tích cực tuyên truyền cho cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên nhận thức về công tác đánh giá kiểm định chất lượng và chuẩn quốc gia là nhiệm vụ thường xuyên để nâng cao chất lượng giáo dục, khẳng định thương hiệu, vị thế nhà trường. Do đó, hằng năm, các trường nghiêm túc triển khai công tác tự đánh giá, có kế hoạch, lộ trình, rà soát điều kiện, tiêu chuẩn, tích cực tham mưu cấp thẩm quyền đầu tư kinh phí, sắp xếp đội ngũ… đảm bảo đạt tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục và công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia.

Tuy vậy, TS Cù Thị Thủy cũng chỉ ra, dù đạt nhiều kết quả nhưng quá trình triển khai còn tồn tại bất cập do một số quy định trong văn bản quy phạm pháp luật chưa phù hợp thực tiễn, khó hoặc không khả thi khi triển khai. Một số địa phương vì điều kiện kinh tế - xã hội hạn hẹp, ngân sách bố trí đầu tư cho giáo dục ít hoặc thiếu quỹ đất dẫn tới tỷ lệ trường mầm non đạt chuẩn quốc gia thấp. Việc đảm bảo các quy chuẩn đội ngũ, cơ sở vật chất, trường lớp để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em mầm non có nhiều cố gắng nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Ảnh minh họa: TG

Trường mầm non đạt chuẩn quốc gia góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ. Ảnh minh họa: TG

Khó khăn cần khắc phục

Theo báo cáo của Vụ Giáo dục Mầm non, khó khăn trong xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia rất lớn. Tỷ lệ phòng học kiên cố hoá tại một số địa phương dưới 40%; giáo viên/lớp toàn quốc ở nhiều địa phương có tỷ lệ thấp, chưa đạt 1,5 giáo viên/lớp. Trẻ khuyết tật, yếu thế chưa được quan tâm thích đáng để nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp.

Cùng đó là những rào cản để hoàn thành các tiêu chuẩn xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia theo quy định hiện nay như: Tổ chức và quản lý nhà trường; đội ngũ giáo viên; điều kiện cơ sở vật chất; phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội; hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Cô Đào Thị Thạnh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Du Lễ (Kiến Thụy, Hải Phòng) cho biết: Trường có tổng diện tích 6.625 m2, cơ sở vật chất được đầu tư xây mới 12 phòng học... Tuy nhiên, trang thiết bị bên trong các phòng chức năng còn thiếu thốn, hơn 3.000 m2 sân vườn chưa được cải tạo, nhiều bãi đất trống, đất đá ngổn ngang, không có chỗ để triển khai hoạt động trải nghiệm của học sinh. Tỷ lệ trẻ đến trường chưa đảm bảo theo quyết định tuyển sinh do Du Lễ là địa bàn có nhiều trẻ theo bố mẹ làm ăn xa không học tại quê nhà...

Kinh nghiệm khắc phục khó khăn của nhà trường được cô Thạnh chia sẻ: “Chúng tôi phát huy tinh thần đoàn kết, sức mạnh tập thể, tuyên truyền, vận động trong mọi lực lượng, huy động tối đa các nguồn lực. Cùng đó, xuất phát từ thực tiễn địa phương, nhà trường có kế hoạch, lộ trình, bước đi, giải pháp phù hợp để đem lại hiệu quả cao nhất”.

Gia Lai là tỉnh có địa hình, địa lý, khí hậu phức tạp, diện tích rộng, dân cư thưa thớt, với 43 xã đặc biệt khó khăn theo diện 135 của Chính phủ. Hiện, Gia Lai thiếu hơn 1 nghìn giáo viên.

Bà Bùi Khoa Nghi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Tỉnh đã ban hành 6 kế hoạch lớn cho GDMN, đặc biệt là xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Đến nay Gia Lai có 151/255 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia và 2 trường đạt chuẩn mức độ 2.

Từ thực tế, ngành Giáo dục Gia Lai kiến nghị chuyển đổi trường mẫu giáo thành mầm non để huy động trẻ ra lớp. Khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, có cơ chế xã hội hóa. Cùng đó, Bộ GD&ĐT sớm ban hành Quy định về phổ cập GDMN trẻ mẫu giáo rõ về nguồn lực, nhân lực để địa phương dễ thực hiện.

Đối với tỉnh Phú Thọ, theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Huyền – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, sở đã tham mưu để ban hành nghị quyết của Tỉnh ủy, HĐND, UBND trong việc triển khai xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Các huyện căn cứ vào đó xây dựng nghị quyết và kế hoạch triển khai.

Tương tự, Hòa Bình tính toán lộ trình để năm 2025 đạt 100% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, việc thực hiện còn khó khăn, nhất là nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị. Thực hiện Thông tư 13, ban hành 26/5/2020 của Bộ GD&ĐT về quy định tiêu chuẩn cơ sở vật chất các trường mầm non, tiểu học, THCS và trường phổ thông có nhiều cấp học, nhiều công trình chưa hết khấu hao sử dụng bởi xây dựng theo quy định cũ.

Hòa Bình kiến nghị Bộ GD&ĐT có cơ chế chính sách đặc thù cho giáo viên mầm non trong việc triển khai xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia. Để giảm áp lực thiếu giáo viên, tỉnh cũng mong không tinh giản biên chế cứng nhắc 10% đối với giáo viên mầm non.

Cô Đào Thị Thạnh cho rằng: Để Trường Mầm non Du Lễ đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, cần có nguồn kinh phí đầu tư, cải tạo một số hạng mục công trình và cơ sở vật chất. Cụ thể là đầu tư trang thiết bị theo quy định cho phòng đa năng, tin học, họp, bếp ăn; lắp đặt mái che sân khấu, mở rộng diện tích sân chơi, quy hoạch tổng thể sân vườn...

“Công tác xây dựng trường mầm non đạt chuẩn quốc gia được thực hiện trách nhiệm, kiên định, khoa học và đúng hướng. Để xây một ngôi nhà cần có kiến trúc, thiết kế, giám sát; dù có điều kiện tốt nhất nhưng đánh giá hiệu quả là chủ nhân ngôi nhà. Các nhà trường, giáo viên là người đưa ra tiêu chí chuẩn chính xác nhất. Chuẩn quốc gia nhưng phải phù hợp với bản sắc, phát huy giá trị văn hóa địa phương”, ông Phạm Quốc Khánh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ