“Cô nuôi” tận tâm, hết lòng vì trẻ mầm non

GD&TĐ -Là nhân viên nuôi dưỡng Trường Mầm non Lĩnh Nam (Hoàng Mai, Hà Nội), cô Nguyễn Thị Minh Thơm được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao chuyên môn, tâm huyết, sáng tạo trong nghề.

Cô Nguyễn Thị Minh Thơm (thứ năm từ trái sang) tham gia cuộc thi nấu ăn cho trẻ mầm non.
Cô Nguyễn Thị Minh Thơm (thứ năm từ trái sang) tham gia cuộc thi nấu ăn cho trẻ mầm non.

Để những suất ăn không bỏ dở

Tốt nghiệp Trung cấp kĩ thuật nấu ăn và nghiệp vụ khách sạn Hà Nội năm 2006, cô Nguyễn Thị Minh Thơm được giới thiệu về công tác tại trường Mầm non Lĩnh Nam. Đây là bước ngoặt nghề nghiệp của cô gái trẻ bởi đã được nhận làm giảng viên tại trường Trung cấp du lịch Hoa Sữa.

Cô Nguyễn Thị Minh Thơm trao đổi: Những năm trước đây, những suất ăn của trẻ chỉ 3 món cơ bản là cơm, canh, thức ăn kèm thêm hoa quả tráng miệng. Tuy nhiên từ nghiên cứu chuyên môn và thực tế đòi hỏi về dinh dưỡng, cô và tổ trưởng đã mạnh dạn xây dựng thực đơn, đề xuất nhà trường tăng thêm món rau xào (hoặc luộc) cho các khẩu phần ăn vẫn trên các nguyên liệu và tiền ăn mỗi bữa của trẻ.

Sau 4 năm triển khai tại trường, tới nay đã ghi nhận hiệu quả, trẻ không những được tăng cường dinh dưỡng hơn trước đây mà các suất ăn còn phong phú, hấp dẫn hơn về số món và cách chế biến. Suất ăn luôn được trẻ sử dụng tối đa, không bỏ dở.

Không chỉ trực tiếp nấu những bữa ăn cho trẻ tại trường, cô Thơm cũng tăng cường khâu quan sát trong và sau bữa ăn để ghi nhận thực tế và đánh giá lại quy trình, thực đơn, cách chế biến... “Nếu học sinh ăn hết suất - đó là niềm vui, hạnh phúc của tổ nuôi dưỡng và từng nhân viên; Ngược lại, khi các con ăn bỏ dở, uể oải, không hào hứng… chúng tôi sẽ thấy được món nào phù hợp, chưa phù hợp. Từ đó đánh giá lại và cải tiến cách nấu, tăng cường hoặc điều chỉnh gia vị…”, cô Thơm trao đổi.

Cô Lê Thị Minh Thơm không ngừng tăng cường chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp để phục vụ trẻ tốt nhất.
Cô Lê Thị Minh Thơm không ngừng tăng cường chuyên môn, kinh nghiệm nghề nghiệp để phục vụ trẻ tốt nhất.

Đặc biệt cô Thơm ngoài đánh giá bữa ăn của trẻ qua quan sát trực tiếp còn tăng cường tương tác, lắng nghe trao đổi từ giáo viên phụ trách lớp về sở thích, yêu cầu, đặc điểm của trẻ để phục vụ chu đáo. Thậm chí sự đóng góp ý, trao đổi của phụ huynh với suất ăn cũng được cô Thơm trân trọng, ghi nhận để nghiên cứu và cùng tổ nuôi dưỡng làm tốt hơn công việc.

Cô Thơm tâm sự: “Khi mới học nghề nấu ăn, bản thân chỉ nghĩ học và làm theo sở thích, năng khiếu. Nhưng làm việc trong môi trường giáo dục thì càng nhận thấy vai trò cấp dưỡng đối với sự phát triển của trẻ ở trường lớp vô cùng quan trọng. Điều đó càng đòi hỏi mỗi nhân viên phải tự nâng cao ý thức trong công việc.

Đủ lượng, đủ chất, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm… là yêu cầu tất yếu. Song để trẻ ngon miệng, phát triển thể chất theo yêu cầu… đòi hỏi từng nhân viên phải có chuyên môn vững vàng, không ngừng học hỏi và nâng cao tay nghề. Và lớn hơn hết là sự thật sự tận tâm, đam mê, hết lòng với trẻ…”.

Trường có hơn 700 học sinh, đáp ứng hết yêu cầu bữa ăn của trẻ đối với tổ nuôi dưỡng không đơn giản. Thế nhưng chỉ cần phụ huynh trao đổi con dị ứng cá, tôm… thì bếp sẽ sẵn sàng chuẩn bị riêng những suất ăn có thịt. Trường hợp các con chỉ ăn trứng cấp dưỡng cũng “chiều” và chế biến nhiều cách miễn sao trẻ ăn ngon miệng.

Cô Lê Thị Minh Thơm được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao chuyên môn, sự tâm huyết với nghề.
Cô Lê Thị Minh Thơm được nhà trường, đồng nghiệp đánh giá cao chuyên môn, sự tâm huyết với nghề.

Thậm chí, có trẻ vào lớp 3 tuổi vẫn chỉ ăn cháo, tổ nuôi dưỡng cũng chuẩn bị riêng cho các con. Sau đó, sẽ trao đổi cùng gia đình, cô chủ nhiệm tập dần cho trẻ ăn cơm. Khi trẻ thích ứng mới chuyển hẳn suất ăn là cơm cho trẻ.

“Nuôi dưỡng nếu chỉ thiếu tận tâm, sâu sát với trẻ, không coi trẻ như con của mình… thì chỉ là hoàn thành trách nhiệm, khó làm tốt nhất vai trò. Những suất ăn của trẻ ở trường lớp phải làm sao để không bị bỏ dở, giúp trẻ phát triển thể chất, tinh thần, hào hứng tới trường vào lớp…”, cô Thơm chia sẻ.

Nhận xét về cô “nuôi” Nguyễn Thị Minh Thơm, cô Phạm Thị Lê Hoàn, Hiệu trưởng Trường Mầm non Lĩnh Nam cho biết: Cô Thơm là nhân viên nuôi dưỡng có chuyên môn tốt, tinh thần trách nhiệm công việc cao, sáng tạo và có sự bố trí sắp xếp khoa học công việc, tận tâm, yêu nghề yêu trẻ.  

Đã có những tham mưu, tư vấn khoa học phù hợp cùng Ban giám hiệu trong việc tạo nên môi trường bếp ăn an toàn, đảm bảo quy trình một chiều, thiết bị hiện đại đồng bộ… Từ đó việc phục vụ bữa ăn của trẻ đạt hiệu quả tối đa, nâng cao chất lượng chăm nuôi trẻ ở trường lớp.

Để nâng cao chuyên môn, học hỏi kinh nghiệm…, cô Thơm luôn chủ động, xung phong tham gia các cuộc thi chuyên môn do Phòng GD&ĐT, nhà trường tổ chức hàng năm. Tích cực tập huấn bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ do Quận tổ chức.

Với ý thức, tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, cô Thơm không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nhiều năm qua mà đã lan tỏa được tình yêu, tâm huyết công việc tới đồng nghiệp trong tổ và nhà trường; góp phần nâng cao thể chất của trẻ khi được nuôi dưỡng, chăm sóc… tại trường lớp.

Bí thư Đoàn năng nổ và giàu lòng thiện nguyện

Cô Nguyễn Thị Minh Thơm, ngoài vai trò  nhân viên nuôi dưỡng còn kiêm Bí thư chi Đoàn trường Mầm non Lĩnh Nam. Với những nỗ lực không ngừng nghỉ và sự năng động của bản thân, cô đã đạt nhiều thành tích đáng kể như: Liên tục đạt danh hiệu Bí thư Chi đoàn giỏi, nhiều năm liền đưa Chi đoàn Mầm non Lĩnh Nam đạt danh hiệu Chi đoàn xuất sắc; Đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở năm 2006 - 2007, 2010 - 2011, 2014-2015.

Cô đã tham gia công tác Đoàn với nhiều phong trào: “Mỗi lớp một vườn cây”, “Xây dựng môi trường hạnh phúc”, phong trào “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”,  cuộc vận động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”…

Đặc biệt, cô Thơm không quên xây dựng các phong trào thiện nguyện, giúp đỡ người có hoàn cảnh khó khăn về cơ sở vật chất, bị bệnh hiểm nghèo, người già cô đơn.. qua các phong trào “Ngày chủ nhật xanh”, “Trái tim hồng”, “Lá lành đùm lá rách”, “Việc tử tế”, “Vòng tay ấm áp”…

Cô Lê Thị Minh Thơm (trái) trao quà cho em Trương Văn Điệp.
Cô Lê Thị Minh Thơm (trái) trao quà cho em Trương Văn Điệp.

Cô luôn là người tiên phong trong mọi phong trào đặc biệt phong trào thiện nguyện. Nhiều năm gần đây, cô đã đứng ra kêu gọi các đoàn viên trong chi đoàn, tập thể cán bộ, giáo viên nhân viên nhà trường, người thân gia đình, bạn bè tham gia công tác thiện nguyện. Cô còn tham gia bán hàng online sau những giờ làm việc, mở lớp dạy nghệ thuật múa, nhảy hiện đại để có thêm nguồn kinh phí đóng góp cho các quỹ từ thiện.

Trên địa bàn phường Lĩnh Nam nơi cô Thơm đang sinh sống, em Trương Văn Điệp sinh năm 2002 bị tai nạn giao thông chấn thương hộp sọ, gia đình khó khăn không đủ kinh tế chữa bệnh…, cô không chỉ động viên mà còn lập nhóm kêu gọi sự giúp đỡ, lo chữa bệnh cho em.

Trung tuần tháng 10/2020 khi đồng bào miền Trung phải sống trong cảnh lũ lụt thiếu thốn, cô cũng đứng ra kêu gọi những người có tấm lòng hảo tâm hỗ trợ, vật chất, và vào tận nơi tặng quà (tại QuảngTrị).

Cùng chia sẻ với người nghèo trong dịch Covid-19, cô có nhiều chuyến thiện nguyện, tặng nhu yếu phẩm cho bà con trên địa bàn phường. Ttình nguyện tham gia hỗ trợ không quản nắng mưa cho người dân trong đợt tiêm phòng vacxin để ngăn chặn, đẩy lùi đại dịch.

Với những nỗ lực đóng góp, việc làm có ích cho xã hội, người dân, cô Thơm đã được Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai trao tặng danh hiệu “Người tốt - Việc tốt” cấp quận; Ban chấp hành Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận Hoàng Mai tặng giấy khen có thành tích trong công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai năm 2021;
Ban chấp hành Đảng bộ phường Lĩnh Nam tặng giấy khen “Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2021; Chủ tịch UBDN phường tặng giấy khen Bí thư có thành tích xuất sắc trong công tác Đoàn - Hội và phong trào thanh thiếu nhi phường Lĩnh Nam năm 2021...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thầy Tân tranh thủ thời gian rảnh bán vé số để có nguồn hỗ trợ học sinh, dân nghèo. Ảnh: Thành Thật

Thầy giáo bán vé số giúp học trò nghèo

GD&TĐ - Người dân ở thị trấn Phong Điền (Phong Điền, Cần Thơ) từ lâu đã quen với bóng dáng thầy Tân trong bộ quần tây, áo trắng đi bán vé số giúp trò...