Không dừng lại ở khẩu hiệu
Trường học hạnh phúc không dừng lại ở khẩu hiệu, phong trào nhất thời, mà đó là hành động cụ thể của đội ngũ thầy cô giáo, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh, phụ huynh và toàn xã hội trong việc kiến tạo môi trường học tập, giáo dục lành mạnh, nhân văn, tiến bộ.
Trong đó, giáo viên và lãnh đạo nhà trường phải thay đổi, trước hết hiệu trưởng phải là người tiên phong. Theo các thầy cô giáo, xây dựng trường học hạnh phúc nhằm giúp cho đội ngũ giáo viên ngày càng vững mạnh mọi mặt và sẵn sàng đồng hành với lộ trình đổi mới giáo dục nước nhà.
Tại trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia, tỉnh Lạng Sơn, là một trong những điểm sáng trong việc xây dựng trường học hạnh phúc.
Thầy giáo Luân Văn Quỳnh, Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ chia sẻ: "Trường học hạnh phúc" là nơi mà giáo viên và học sinh khi đến trường thật sự là một ngày vui và ý nghĩa; là nơi không có bạo lực học đường, không có áp lực về điểm số. Nhà trường đã nỗ lực thay đổi, từ tư duy của cán bộ quản lý đến tư duy của đội ngũ giáo viên.
Học sinh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ tham gia trải nghiệm nặn hình gốm. |
Để cụ thể hóa các phương châm nêu trên, hướng tới xây dựng trường học hạnh phúc, nhà trường thực hiện các nội dung: Xây dựng các quy chế chặt chẽ như Quy chế làm việc, Quy chế dân chủ trong nhà trường, Quy chế thi đua, Quy ước ứng xử văn hóa trong nhà trường. Xây dựng văn hóa nhà trường lành mạnh giúp học sinh và giáo viên cảm thấy thoải mái trong học tập, vui chơi.
Không gian trường học được bố trí hợp lý, xanh, sạch đẹp, có tác dụng giáo dục đối với học sinh. Mỗi bảng biểu trang trí đều mang một thông điệp mà nhà trường muốn mỗi ngày đến trường tất cả các em học sinh đọc, hiểu và làm theo. Trường cũng thường xuyên tổ chức nhiều hoạt động cho giáo viên và học sinh tham gia.
Sau một thời gian triển khai, thực hiện, tuy thời gian chưa nhiều, nhưng nhà trường đã thấy được hiệu quả rất rõ rệt trong phát triển năng lực, phẩm chất của học sinh, cũng như phát triển chất lượng giáo dục. Cách quản lý và tương tác mang tính áp đặt đều được cố gắng khắc phục triệt để; tạo nhiều cơ hội để mỗi cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên và học sinh phát triển được tối đa năng lực, sở trường.
Tăng cường gắn kết sẻ chia yêu thương
Trực tiếp thực hiện mô hình "Trường học hạnh phúc", cô Nông Thị Nhàn, giáo viên chủ nhiệm lớp 2A, trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cho biết: "Năm học 2023-2024, nhà trường vẫn tiếp tục thực hiện mô hình “Trường học hạnh phúc”. Để thực hiện hiệu quả mô hình này, bản thân các thầy cô cũng cần phải có sự thay đổi nhất định về phương pháp dạy học, cách ứng xử với học sinh, phụ huynh.
Cô Nhàn chia sẻ: Với gần 8 năm công tác tại trường, gắn bó với nhiều thế hệ học sinh, bản thân tôi luôn cố gắng làm tốt công tác giảng dạy, có trách nhiệm với công việc, luôn yêu thương, quan tâm, chăm sóc tới các em học sinh, bởi các em đang ở lứa tuổi còn nhỏ, là những mầm non tương lai của đất nước.
Trong quá trình dạy học, việc giao tiếp với học sinh rất quan trọng. Mở đầu tiết học tôi thường kể cho các em nghe những câu chuyện gần gũi, tổ chức những trò chơi học tập tạo cho các em không khí phấn khởi, hào hứng. Khi học sinh gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề học tập, giao tiếp hoặc phát âm không đúng, tôi thường kiên trì giúp đỡ để khắc phục hạn chế cho các em mà không tạo áp lực. Luôn coi trọng việc động viên và khích lệ sự cố gắng của các em, giúp các em mạnh dạn, tự tin hơn. Các em không còn cảm thấy rụt rè, ngượng ngùng khi đưa ra thắc mắc của bản thân trong quá trình học tập.
Hạnh phúc là mỗi buổi sáng đến trường, vừa thấy cô giáo đến dừng xe tại nhà để xe là các bạn chạy ùa ra đón, ôm cô, tíu tít dắt tay cô vào lớp. Rồi những giây phút tranh thủ trong giờ nghỉ giải lao sau tiết học, các bạn xúm quanh thi nhau kể chuyện hay chỉ để mách cô một chuyện cỏn con của bạn nào đó cũng khiến không khí lớp học thật là vui vẻ. Có bạn học sinh chia sẻ: Ước mơ sau này của em là trở thành cô giáo, để được đứng trên bục giảng truyền thụ kiến thức và tổ chức trò chơi vui nhộn cho các em học sinh như cô, đã giúp tôi có thêm động lực để tiếp tục cố gắng truyền dạy thật tốt kiến thức cũng như chăm sóc các em như người thân trong gia đình. Cô Nông Thị Nhàn, giáo viên trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ xúc động chia sẻ.
Mỗi ngày đến lớp, các em học sinh trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ đều cảm thấy háo hức mong chờ khi được gặp bạn bè, thầy cô. |
Cũng theo cô Nhàn, nhờ áp dụng các phương pháp dạy học tích cực, tạo dựng một môi trường học hạnh phúc, năm học vừa qua học lớp cô Nhàn chủ nhiệm đã đạt được khá nhiều giải cao trong các cuộc thi cấp trường tổ chức như: giải Nhất thi vẽ tranh và giải Nhì giới thiệu sách trong ngày hội sách và văn hóa đọc Việt Nam; đạt các giải Nhì, giải Ba trong các cuộc thi: tìm hiểu luật ATGT; ngày Tết quê em, ngày hội STEM, … và một số hoạt động ngoại khóa nữa. (Ngày hội STEM là một sự kiện giáo dục thường niên được tổ chức nhằm mục đích khuyến khích, truyền cảm hứng sáng tạo cho các bạn trẻ đam mê khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học).
Phấn khởi, háo hức là những gì mà em Hoàng Thanh Cầm, lớp 2A trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ cảm thấy mỗi khi được tới trường, được biết Thanh Cầm là một học sinh người dân tộc thiểu số, cũng như bao bạn bè cùng trang lứa, những ngày đầu chập chững bước vào lớp em còn nhiều rụt rè, nhút nhát, thế nhưng bằng sự quan tâm, sẻ chia yêu thương từ các thầy cô Thanh Cầm đã từng bước ngày càng mạnh dạn, tự tin và có được nhiều kết quả, thành tích tốt trong quá trình rèn luyện, học tập. Hiện tại em là cô lớp trưởng gương mẫu, luôn chan hoà, cởi mở với bạn bè. Về học tập Thanh Cầm luôn đứng đầu lớp, tham gia tích cực các cuộc thi, các phong trào hoạt động của nhà trường và đạt nhiều giải cao. Em còn thường xuyên giúp đỡ, kèm cặp thêm các bạn học yếu trong lớp. Được các thầy cô và các bạn trong lớp yêu quý.
Em Hoàng Thanh Cầm cho biết: Ở trường, em được các thầy cô quan tâm, dạy cho em những bài học hay, ngoài kiến thức em còn được hướng dẫn, chỉ bảo để trở thành một học trò ngoan, lễ phép, biết giữ gìn, chăm sóc sức khoẻ. Ngoài ra, các thầy cô cũng thường xuyên động viên khi em có tiến bộ và đạt được những thành tích cao.
Như vậy, việc xây dựng mô hình trường học hạnh phúc không phải một sớm một chiều mà cần phải có một quá trình. Trước tiên nhà trường cần tạo sự nhận thức đối với giáo viên, học sinh và phụ huynh, đây là quá trình tác động lâu dài bằng nhiều biện pháp, phương thức khác nhau. Qua đó, góp phần tăng cường gắn kết sẻ chia yêu thương giữa nhà trường, thầy cô và các em học sinh.