Xây dựng "Trường học hạnh phúc" không là phong trào nhất thời

GD&TĐ - Từ năm 2019 đến nay, ngành GD-ĐT Yên Bái đã nỗ lực không ngừng để xây dựng “trường học hạnh phúc”, với mong muốn mô hình này không dừng lại ở khẩu hiệu và phong trào nhất thời.

Học sinh Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn (Yên Bái) phấn khởi đến trường. Ảnh: TG
Học sinh Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn (Yên Bái) phấn khởi đến trường. Ảnh: TG

Trường là nhà

Trường Mầm non Phúc Lợi (xã Phúc Lợi) đứng chân trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Yên. Ở đây có 1 điểm trường chính, 2 điểm lẻ. Cơ sở vật chất của trường được đầu tư cơ bản đầy đủ, khang trang. Các lớp học đều được lắp tivi, máy chiếu phục vụ dạy học. Góc học tập cũng được bố trí đầy đủ đồ dùng, đồ chơi cho trẻ. Đó chính là điều kiện thuận lợi để hướng tới mục tiêu xây dựng “Trường học hạnh phúc” mà tập thể sư phạm nơi đây đặt ra.

Theo đại diện Ban giám hiệu (BGH) nhà trường, để xây dựng “Trường học hạnh phúc”, trước tiên phải nâng cao ý thức và thói quen giữ gìn vệ sinh cho trẻ. Nhà trường đã phát động đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh tích cực tham gia trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh. Tại các phòng học, giáo viên đều bố trí, sắp xếp chậu hoa, cây cảnh tạo không gian xanh cho trẻ hoạt động vui chơi.

Để lớp học thêm cuốn hút, giáo viên cũng chủ động trang trí nhiều hình vẽ ngộ nghĩnh. Trong mọi hoạt động tại lớp, đồ dùng, đồ chơi được bố trí gọn gàng, hợp lý, để vừa tầm tay của trẻ.

Từ công tác tuyên truyền của BGH, việc làm thiết thực của giáo viên, phụ huynh cũng tích cực đóng góp những vật liệu sẵn có tại địa phương. Từ đó, cô trò cùng nhau thiết kế, sáng tạo ra nhiều đồ dùng, đồ chơi để chỉnh trang trường, lớp.

“Chúng tôi chú trọng xây dựng môi trường học tập tích cực. Thực hiện mục tiêu “Mỗi cán bộ, giáo viên là tấm gương cho trẻ”, chúng tôi phân công rõ nhiệm vụ cho giáo viên ở mỗi nhóm lớp sao cho phù hợp với điều kiện, năng lực của từng cá nhân. Quá trình giảng dạy, giáo viên lồng ghép các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian vào chương trình giáo dục nhà trường. Từ đó, rèn luyện đạo đức, nhân cách, kỹ năng cho trẻ”, cô Trần Thị Vân - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.

Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn hiện có 106 học sinh bán trú với 7 phòng ở, 1 bếp ăn. Đây cũng là trường có học sinh ở bán trú nhiều nhất trên địa bàn huyện Lục Yên. Chính vì vậy, việc xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, để các em xem đây là ngôi nhà thứ 2 luôn được nhà trường coi trọng.

Em Lý Việt Long, lớp 4B cho biết: “Nhà em ở xa trường. Khi học lớp 2, bố mẹ đi làm ăn xa, em ở nhà với ông bà nội. Nhưng vì sức khỏe ông bà yếu, không thể đưa đón hàng ngày nên em tự đi bộ tới trường. Từ khi được các thầy, cô đăng ký cho ở bán trú, em không phải đi lại nhiều, được thầy cô chăm sóc, dạy dỗ. Em rất vui!”.

Theo chia sẻ của cô Vũ Thu Hương - Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS Minh Chuẩn, ngoài sự chỉ đạo đồng bộ từ BGH, mỗi thầy cô đều nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với học sinh, nhất là em bán trú.

“Bên cạnh kiến thức, giáo viên còn quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, giúp các em hòa đồng, an tâm ăn học tại trường. Nỗ lực cải thiện môi trường sống cho học sinh cả về vật chất lẫn tinh thần để các em phát triển toàn diện, luôn cảm thấy ở trường như ở nhà”, cô Hương cho hay.

Trường Mầm non Minh Xuân (Yên Bái) được xây dựng khang trang, thu hút học sinh đến lớp. Ảnh: TG
Trường Mầm non Minh Xuân (Yên Bái) được xây dựng khang trang, thu hút học sinh đến lớp. Ảnh: TG

Không dừng ở khẩu hiệu

Để mô hình “Trường học hạnh phúc” không dừng lại ở khẩu hiệu hay phong trào nhất thời mà thực sự lan tỏa, ngành GD-ĐT Yên Bái đã tham mưu UBND tỉnh ban hành bộ tiêu chí tạm thời. Với 20 tiêu chí chi tiết, ngành đã thống nhất, cụ thể hoá để các trường đồng bộ trong thực hiện, triển khai.

Bám sát phương châm lấy học sinh làm trung tâm, các hoạt động giáo dục hướng tới phát huy tính tích cực, chủ động, năng lực sáng tạo của trò. Đặc biệt là chú trọng giáo dục lý tưởng, bồi đắp “đức, trí, thể, mỹ” gắn với giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống và xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”.

Bộ tiêu chí chia thành 3 nhóm, gồm: Môi trường nhà trường (8 tiêu chí), tổ chức dạy học và các hoạt động giáo dục (6 tiêu chí), các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường (6 tiêu chí).

Năm học 2021 - 2022, với chủ đề “Xây dựng trường học hạnh phúc, đổi mới và hội nhập”, các trường học địa phương này đang triển khai nhiều giải pháp, thay đổi môi trường, nâng cao chất lượng học tập.

Hiện nay, toàn ngành GD-ĐT Yên Bái có 136/452 trường mầm non, tiểu học, THCS, THPT triển khai bộ tiêu chí cụ thể. Trong đó, 100% các trường đạt Chuẩn quốc gia và cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn thành phố Yên Bái tiên phong tổ chức, thực hiện mô hình này.

Ông Nguyễn Xuân Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Lục Yên cho biết: Dựa vào bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc của UBND tỉnh, phòng giáo dục huyện chỉ đạo các trường rà soát, đánh giá tiêu chí đã đạt và chưa đạt. Từ đó có kế hoạch triển khai. Ngành lựa chọn một số trường để xây dựng điểm, trên cơ sở này triển khai đồng bộ.

Từ điều kiện thực tế của địa phương, các cơ sở giáo dục đã linh hoạt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó đẩy mạnh tuyên truyền để làm thay đổi nhận thức của thầy và trò, đổi mới phương pháp giáo dục, tăng cường giáo dục kỹ năng, tạo dựng môi trường ứng xử lành mạnh, đề cao sự chia sẻ yêu thương.

“Với mục tiêu đến năm 2025 có 100% “Trường học hạnh phúc”, ngành GD-ĐT Yên Bái đang nỗ lực góp phần cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân trong tỉnh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19 đã đề ra”, ông Nguyễn Xuân Quang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Rosemarie Dehesa thường đăng video về việc cô ăn nhiều loại thực phẩm. Ảnh: Rosemarie Martin Dehesa/CNN

Lo ngại trước xu hướng mukbang

GD&TĐ - Từ 'mukbang' bắt nguồn từ sự kết hợp của các từ tiếng Hàn 'meokda', có nghĩa là ăn, và 'bangsong', có nghĩa là phát sóng.

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.