(GD&TĐ) - TS. Jin Yang – chuyên gia chương trình cao cấp của Viện Học tập Suốt đời UNESCO đã tiến hành các nghiên cứu về thành phố học tập và chiến lược điều phối chương trình xây dựng năng lực cho việc thành lập các hệ thống học tập suốt đời trong các quốc gia thành viên của UNESCO. Trên cơ sở đó ông đã có những đánh giá về thách thức, rào cản đối với việc xây dựng thành phố học tập và đi đến những nhận xét về việc các nước đang phát triển và UNESCO sử dụng ý tưởng về thành phố học tập như là một chiến lược thúc đẩy học tập suốt đời.
Thành phố học tập- khái niệm mở
Khái niệm Thành phố học tập đã thu hút được sự chú ý trong một khoảng thời gian và được xem như bắt nguồn từ khái niệm “Các thành phố giáo dục” vào đầu những năm 1970. Năm 1973, OECD đưa ra một sáng kiến thành lập Các thành phố giáo dục, những nơi coi giáo dục là một chiến lược và chính sách hàng đầu để cải thiện hiệu quả kinh tế, nuôi dưỡng một nền kinh tế phát triển bền vững và sáng tạo ra cuộc sống tốt đẹp hơn cho mọi công dân. Khái niệm này tiếp tục được phát triển trong báo cáo của Hội nghị quốc tế đầu tiên về Các thành phồ giáo dục do Hội đồng thành phố Barcelona tổ chức năm 1990 với đại diện từ hơn 140 thành phố trên khắp thế giới tham dự. Báo cáo này xem xét giáo dục từ khía cạnh rộng lớn hơn, vượt khỏi hệ thống nhà trường thông thường, và xác định một số nguyên tắc mà một thành phố giáo dục cần thực hiện. Hội nghị cũng đã thông qua bản Hiến chương Các thành phố giáo dục, trong đó định nghĩa thành phố giáo dục là nơi có thể cung cấp toàn bộ tiềm năng của mình, làm cho mọi công dân hiểu được về nó, và có thể giáo dục mọi trẻ em và thanh niên để hiểu biết về thành phố của mình.
Năm 1993 OECD ấn hành báo cáo của Donald Hirsh, một trong những công trình từ Hội nghị quốc tế thứ hai về Các thành phố giáo dục tổ chức tại Gothenburg, Thuỵ Điển năm 1992. Báo cáo này đã chỉ ra rằng thành phố là một thực thể địa lý được xem như có ý nghĩa nhất cho việc tổ chức quá trình học tập suốt đời. Từ đó, thuật ngữ “thành phố học tập” đã xuất hiện và nhanh chóng thu hút mối quan tâm của các quốc gia thành viên OECD.
Năm 1996 được đánh giá là một năm rực rỡ trong lịch sử quá trình thúc đẩy học tập suốt đời của cộng đồng quốc tế khi UNESCO xuất bản báo cáo Học tập: Kho báu nội sinh; cũng năm này, OECD xuất bản báo cáo Học tập suốt đời cho mọi người. Cũng năm 1996, Liên minh châu Âu tuyên bố lấy năm này làm “Năm Châu Âu về Học tập suốt đời”...
Đáng chú ý nhất là việc Liên minh châu Âu đảm nhận việc thực hiện các hành động cụ thể để triển khai Sáng kiến Học tập suốt đời của châu Âu vào giữa những năm 1990 đến 2000. Sáng kiến ELLI phác thảo những đặc điểm cơ bản của một thành phố học tập và khảo sát sự nhận thức, tiến trình phát triển của khoảng 80 thành phố châu Âu, còn chương trình TELS thì xây dựng được một bộ công cụ toàn diện, tạo ra các chỉ số về Thành phố học tập của TELS. Nhờ những nỗ lực này, một định nghĩa về thành phố học tập được dẫn chiếu nhiều hơn đã được hình thành: “Một cộng đồng học tập là một Thành phố, Thị xã hoặc Vùng mà ở đó huy động được mọi nguồn lực trong mọi thành phần của nó nhằm phát triển, làm giàu thêm tiềm năng con người để nuôi dưỡng sự phát triển cá nhân, duy trì sự gắn kết xã hội, và tạo ra sự thịnh vượng...
Một lớp học chữ Hán nôm dành cho mọi lứa tuổi |
Các thành phồ học tập trên thế giới
Vương quốc Anh đóng vai trò quan trọng trong EU cũng như trong các nỗ lực của tổ chức này về thành phố học tập. Năm 1996, thành phố Liverpool đã tự xác nhận mình là một Thành phố học tập, và từ đó mạng lưới các thành phố học tập Anh quốc đã được thành lập. Kể từ thời điểm này, nhiều thành phố khác đã tham gia vào phong trào, và Mạng lưới các thành phố học tập Anh quốc đã có số thành viên gồm khoảng 80 thành phố và vùng. Thành phố Southampton đã tổ chức Hội nghị châu Âu về Thành phố học tập đúng vào dịp nước Anh nắm giữ nhiệm kỳ chủ tịch EU năm 1998.
Đức đã thực hiện Chương trình quốc gia “Các vùng học tập- Cung cấp sự hỗ trợ cho các mạng lưới” được khởi xướng từ năm 2001. Chương trình này đã trợ giúp khoảng 70 vùng, với kinh phí đồng tài trợ từ Bộ giáo dục và nghiên cứu LBĐ và Quỹ xã hội của châu Âu. Theo nhà nghiên cứu Thinesse – Demel thì Hiệp hội các vùng học tập của Đức đã thiết lập được những hệ thống linh hoạt mới ở hầu hết các vùng được hỗ trợ, nhằm thay thế cho cơ cấu giáo dục lạc hậu trước đó.
Tại Canada: Năm 2003, Victoria đã đặt mục tiêu trở thành một “cộng đồng học tập dẫn đầu” vào năm 2020. Sáng kiến này của Victoria có phạm vi trải dài từ học tập ở bậc mầm non cho đến việc khuyến khích những người cao tuổi tham gia vào các khoá học cao đẳng, đại học. Thành phố Vancouver cũng hướng tới việc trở thành một Thành phố học tập, và đưa ra những mục tiêu rất cụ thể, khả thi: đạt tỉ lệ học sinh nhập học và hoàn thành bậc học cao hơn, tỉ lệ biết đọc viết và tính toán cao hơn, và có sự công tác hiệu quả hơn giữa các cơ hội học tập cho những Chiến lược của Vancouver đặc biệt chú trọng đến các cơ hội học tập cho những người và nhóm dân cư thiệt thòi, gặp rủi ro và bị tách biệt về xã hội.
Còn tại Australia, chính quyền của tất cả các bang hiện nay đều ủng hộ và tài trợ cho hiệp hội các thành phố học tập. Ví dụ, ở bang Victoria, tất cả các chính quyền địa phương của hơn 5000 cư dân đều mong muốn tham gia hiệp hội học tập và theo đuổi các chính sách của Thành phố học tập. Mục tiêu trọng tâm là tạo điều kiện cho các cộng đồng học tập tại chỗ, giữ vai trò tích cực trong việc quản lý những vấn đề của mình với sự thống nhất cao hơn của hệ thống dịch vụ giữa và dọc theo các cấp quản lý chính quyền.
Với Nhật Bản ngay từ năm 1979, thành phố Kadegawa năm 1973 đã được tuyên bố là Thành phố học tập suốt đời đầu tiên của Nhật Bản. Ở Kakegawa, học tập suốt đời không chỉ có nghĩa là có cơ hội học tập trong suốt cuộc đời một người, mà còn là học tập liên tục và sử dụng những kiến thức có được trong cộng đồng và cho sự phát triển cá nhân. Từ đó, dự án Thành phố học tập suốt đời của Nhật Bản đã được thực hiện như một phần trong chính sách thúc đẩy học tập suốt đời của các thành phố, thị xã, cộng đồng... Thành phố học tập suốt đời có tác động rất tích cực đối với giáo dục địa phương, năng suất lao động, sự đổi mới và nền kinh tế trong bối cảnh kinh tế tri thức. Nó còn được xem như một chương trình hành động quan trọng được các nhà chính trị và cấp chính quyền tích cực đẩy mạnh.
Ở Hàn Quốc, từ khi Luật giáo dục suốt đời được ban hành năm 1999, trong đó nêu rõ “Chính phủ có thể chỉ định và hỗ trợ một số đô thị, quận, hạt để trở thành những Thành phố học tập, Chính phủ Hàn Quốc đã thực hiện ngay ý tưởng này trong thực tế. Năm 2001, 3 thành phố đầu tiên đã được chọn và tuyên bố trở thành Thành phố học tập. Trước năm 2008, đã có 76 chính quyền địa phương được công bố là “Các thành phố học tập”, chiếm khoảng 1/3 trong tổng số 234 chính quyền địa phương trong cả nước. Quan trọng hơn, các nhà quản lý thành phố đã nhận thức được rằng một Thành phố học tập không chỉ đơn thuần cung cấp các cơ hội giáo dục, học tập mà còn làm cho bản thân thành phố đó trở nên thông minh hơn, cởi mở hơn.
Một đánh giá của Faris (2006) cho thấy tính tới năm 2005, hơn 300 thành phố và thị xã đã thực hiện các chiến lược về Thành phố học tập tại các quốc gia và khu vực như Australia, châu Âu và Canada. Nếu tính cả các thành phố vừa mới được hoặc sắp tới sẽ trở thành Thành phố học tập ở các khu vực khác trên thế giới, con số sẽ còn lớn hơn nữa. Bên cạnh đó, Hiệp hội quốc tế Các thành phố giáo dục (IAEC) cũng không ngừng thúc đẩy việc xây dựng Các thành phố giáo dục. Tới tháng 11/2010, Hiệp hội các thành phố giáo dục (IAEC) đã có số thành viên gồm 422 thành phố ở 36 nước... Điều này cho thấy việc xây dựng các Thành phố học tập/ giáo dục đã trở nên một hiện tượng đáng chú ý trên phạm vi toàn thế giới.
Trung Thành