Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm trung du, miền núi phía Bắc

GD&TĐ - Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 (Quy hoạch), đến năm 2020, sẽ xây dựng Thái Nguyên trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, là trung tâm của vùng trung du và miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, nhất là dịch vụ giáo dục - đào tạo.

Xây dựng Thái Nguyên là trung tâm trung du, miền núi phía Bắc

Đến năm 2020, Thái Nguyên sẽ có cơ cấu kinh tế hiện đại, tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định và bền vững với các sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao; hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao.

Bên cạnh đó, thực hiện tăng trưởng xanh với mức độ phát thải các-bon giảm dần, tiến tới tạo dựng nền kinh tế xanh, thân thiện với môi trường. Là khu vực phòng thủ vững chắc, địa bàn trọng yếu góp phần giữ vững quốc phòng - an ninh cho cả vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Cụ thể, về kinh tế, đến 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tỉnh Thái Nguyên đạt 10 - 11,0%/năm; GDP bình quân đầu người (theo giá thực tế) đạt khoảng 80 - 81 triệu đồng, tương đương 3.100 USD (bằng mức trung bình của cả nước). Cơ cấu kinh tế: Khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm khoảng 47-48,0%, khu vực dịch vụ chiếm khoảng 39,5 - 40,5% và khu vực nông - lâm - thủy sản chiếm khoảng 11,5 - 14,0%. 

Về văn hóa, xã hội, theo Quy hoạch, phấn đấu giảm tỷ suất sinh hàng năm khoảng 0,01 - 0,02%; tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm 1,8 - 2,0%/năm. 

Đồng thời, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non và phổ cập trung học cơ sở đúng tuổi; phấn đấu phổ cập giáo dục bậc trung học ở những địa bàn có điều kiện; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70% (trong đó lao động qua đào tạo nghề đạt 43%); hàng năm giải quyết việc làm cho 20.000 - 22.000 người; tỷ lệ thất nghiệp khu vực đô thị còn 3,7%.

Số giường bệnh/10.000 dân là 35 - 36 giường (chỉ tính giường bệnh trong các bệnh viện và phòng khám đa khoa khu vực); 80% số xã đạt chuẩn y tế quốc gia; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi giảm còn 10%. 

Bên cạnh đó, sẽ sử dụng công nghệ xanh, sạch với tỷ lệ ngày càng tăng trong sản xuất công, nông nghiệp và trong dịch vụ, nhất là trong khai thác tài nguyên thiên nhiên; giá trị các ngành sản phẩm công nghệ cao, công nghệ xanh chiếm 30 - 32% GDP tỉnh. 

Phấn đấu trên 80% khu, cụm công nghiệp có hệ thống xử lý nước thải tập trung; 95% rác thải sinh hoạt, rác thải y tế được xử lý, 60% nước thải sinh hoạt được xử lý đạt tiêu chuẩn B; cường độ phát thải khí nhà kính giảm ít nhất 8 - 10% so với năm 2010; môi trường không khí tại các đô thị, khu công nghiệp được kiểm soát.

Phát triển mở rộng các đô thị gắn kết với vùng phụ cận; chỉnh trang, nâng cấp kết cấu hạ tầng để thành phố Thái Nguyên xứng tầm là đô thị loại I; các khu đô thị mới được xây dựng hiện đại có kết cấu hạ tầng đồng bộ. 

Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2030, sẽ xây dựng thành phố Thái Nguyên là thành phố sinh thái, có chức năng tổng hợp (quản lý nhà nước, đào tạo, y tế chuyên sâu, khoa học - công nghệ, dịch vụ tài chính, ngân hàng và thương mại).

Một số dự án được ưu tiên nghiên cứu đầu tư của Thái Nguyên đến năm 2020: Dự án Đường Quốc lộ 3 mới, đoạn Thái Nguyên - Chợ Mới, Bắc Kạn; Xây dựng mới đường Hồ Chí Minh; Nâng cấp tuyến đường sắt Thái Nguyên - Núi Hồng - Tuyên Quang; Nâng cấp các tuyến đường sắt Hà Nội - Thái Nguyên, Kép - Lưu Xá; 

Tiếp tục đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên; Đầu tư nâng cấp Bệnh viện Đa khoa trung ương Thái Nguyên; Dự án Trung tâm hội nghị Văn hoá vùng Việt Bắc; Dự án đầu tư cung cấp điện cho các xóm, bản chưa có điện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; 

Đầu tư xây dựng các chợ đầu mối, chợ nông thôn; Dự án đầu tư và phát triển giống nông lâm nghiệp thủy sản chất lượng cao; Xây mới, cải tạo, nâng cấp hệ thống kênh mương thủy lợi trên địa bàn tỉnh; Các dự án xây dựng mới, sửa chữa, nâng cấp các công trình thủy lợi, đảm bảo an toàn hồ đập…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ