Xây dựng “sàn diễn” trò chơi dân gian

GD&TĐ - Trò chơi dân gian đến với trẻ thơ một cách nhẹ nhàng, gần gũi nhưng chưa được quan tâm nhiều trong cuộc sống hiện đại.

Ảnh minh họa/INT
Ảnh minh họa/INT

Chính vì vậy, cha mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp con tiếp cận các trò chơi truyền thống.

Tiếp cận “từ nhà đến trường”

Trò chơi dân gian vốn dĩ không cầu kỳ, tốn kém. Nó có thể dễ dàng chơi mọi lúc, mọi nơi, dụng cụ dễ tìm kiếm. Nó được kết thành từ quá trình lao động và sinh hoạt của nhiều thế hệ người Việt.

Trò chơi dân gian mang lại cho thế giới trẻ thơ nhiều điều thú vị và bổ ích. Đồng thời thể hiện nhu cầu giải trí, vui chơi, quyền được chia sẻ niềm vui của các em với bạn bè, cộng đồng. Chính vì vậy, trò chơi dân gian rất cần thiết được lựa chọn, giới thiệu “từ nhà đến trường”. Điều này thể hiện được vai trò to lớn của cha mẹ và nhà trường trong việc giúp trẻ tiếp cận trò chơi dân gian.

Thực tế, trẻ em ngày nay ít được chơi những trò chơi dân gian của thiếu nhi thời xưa. Thậm chí, nó đang ngày càng bị mai một và quên lãng. Ở cả các vùng quê với tốc độ phát triển của công nghệ thông tin cùng những trò chơi hiện đại, dần dần trẻ không còn được tiếp cận với trò chơi dân gian xưa.Vì vậy, giúp các em hiểu và tìm về cội nguồn qua những trò chơi dân gian là một việc làm cần thiết.

Cô giáo Nguyễn Thu Hằng – Trường Mầm non Hoa Hồng (HN) chia sẻ: “Muốn trẻ tiếp cận với trò chơi dân gian thì chính người lớn phải hiểu về nó. Không chỉ là giáo viên, mà còn là phụ huynh của 2 con nhỏ, tôi rất quan tâm tới việc cho trẻ vận động. Việc này giúp trẻ phát triển thể lực và trí tuệ, sống vui vẻ hơn. Vì thế, tôi thường lựa chọn các trò chơi sao cho phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý của từng độ tuổi. Bởi, không phải trò chơi dân gian nào cũng dành cho mọi trẻ em.

Đồ dùng để chơi các trò dân gian cũng vô cùng đa dạng và phong phú. Nó mang tính đặc trưng và được thiết kế dựa vào cách chơi và luật chơi riêng. Chính vì vậy, trước khi tổ chức cho trẻ chơi một trò nào đó cần phải tìm hiểu trước để am hiểu mới có thể hướng dẫn đúng.

Cô Nguyễn Thu Hằng cũng cho biết thêm, khi lựa chọn trò chơi dân gian cho trẻ, cần thực hiện theo các tiêu chí: Không quá đơn giản tránh gây nhàm chán nhưng cũng không quá phức tạp để trẻ thấy nản. Hơn nữa, đồ chơi phải dễ kiếm, dễ tìm. Người lớn có thể tìm cách để gây hứng thú, thu hút sự chú ý của trẻ vào trò chơi. Thông qua đó, cần giúp củng cố tư duy, ngôn ngữ, vận động, kỹ năng cho trẻ để trẻ phát triển toàn diện.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Cùng con làm đồ chơi

Vốn dĩ, trò chơi dân gian sử dụng những vật dụng khá đơn giản, người lớn hoàn toàn có thể tự làm hoặc thiết kế. Khi đó, có thể cho con cùng tham gia để tăng tính tò mò, háo hức của trẻ.

Cô Nguyễn Phương Thảo – Giáo viên Trường Mầm non Ban Mai (HN) cho rằng: Ở bất cứ đâu, trẻ cũng có thể được tiếp cận, được chơi trò chơi dân gian phù hợp. Cha mẹ có thể tận dụng các đồ dùng đồ chơi đã có để sửa chữa cho mới, đẹp có tính thẩm mỹ và an toàn cho trẻ sử dụng.

Ví dụ như trò chơi “cướp cờ” cần đồ dùng gồm có ống đựng cờ. Phụ huynh có thể tận dụng các hộp sữa bột của trẻ nhỏ đã hết đem rửa sạch sau đó dùng giấy decal bọc hộp trang trí lại để cómột chiếc hộp đẹp mắt, thẩm mỹ… Cán cờ lấy giấy mầu quấn sole các màu để chiếc cờ thêm đẹp an toàn cho trẻ khi sử dụng.

Trong trò chơi kéo co, dây thừng không phải là vật dụng khó kiếm. Cha mẹ có thể tận dụng vải thừa để quấn dây, buộc thắt nút lại cho trẻ dễ sửdụng và không bị đau tay khi kéo…

Việc tổ chức trò chơi dân gian cho trẻ cũng có thể coi là một hoạt động vô cùng quan trọng đối với trẻ. Vì thế, cha mẹ cần xác định khắc phục mọi khó khăn để tổ chức cho trẻ chơi ở các hoạt động hàng ngày.

Cha mẹ có thể cho trẻ hoạt động xuyên suốt, liên tục phù hợp với lứa tuổi. Hàng ngày, giúp con tiếp cận bằng cách kể chuyện về những trò chơi này, sự thú vị, vui vẻ khi chơi. Sau đó, dành thời gian chơi cùng con. Cha mẹ cũng có thể kết hợp với phụ huynh trong lớp, trong khu phố tổ chức các trò chơi dân gian mang tính thi đua có thưởng. Điều này sẽ khiến trẻ hào hứng nhập cuộc, thậm chí sẽ là kỉ niệm tuổi thơ không bao giờ quên. Những buổi dã ngoại cũng là nơi đem lại không gian mới mẻ, rộng rãi cho trẻ thực hiện các trò chơi thú vị này cùng người thân.

Cô Nguyễn Phương Thảo cũng lưu ý, cha mẹ nên động viên trẻ kịp thời trong mỗi trò chơi. Không nên tạo sự căng thẳng, tranh đấu quá mức khi tham gia. Chắc hẳn không có trẻ em nào lại không muốn được chơi đùa cùng gia đình, nhất là được khám phá những trò chơi mới mẻ.

Lê Trần Anh Quân – Học sinh Trường Tiểu học Kim Đồng (HN) cho biết: Qua mỗi trò chơi, chúng em được thư giãn sau giờ học căng thẳng. Hơn hết, đây là thời gian những người bạn gần gũi, đoàn kết với nhau. Trò chơi em thích nhất là kéo co, bịt mắt bắt dê… Các bạn nam và nữ đều có thể chơi được và có tính đồng đội cao. Những hôm ở nhà, vì không có bạn chơi cùng và không có sân nên em cùng bố chơi trò ô ăn quan. Em cảm thấy mình vui vẻ, hoạt bát hơn sau khi được chơi đùa. Nhờ đó có tinh thần học tập tốt hơn và không ham mê chơi điện tử nữa.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.