Xây dựng nông thôn mới - cần quan tâm hơn nữa nhà vệ sinh trường học

GD&TĐ - Ngày 29/8, đoàn công tác Ban Chỉ đạo các chương trình mục tiêu quốc gia của Trung ương do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Mạnh Hùng - thành viên Ban Chỉ đạo dẫn đầu có chuyến kiểm tra thực tế và làm việc với lãnh đạo các ngành liên quan về tình hình thực hiện các chương trình xây dựng nông thôn mới tại Đà Nẵng.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ghi nhận những nỗ lực của Đà Nẵng trong xây dựng nông thôn mới theo mô hình đô thị trong lòng nông thôn.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ghi nhận những nỗ lực của Đà Nẵng trong xây dựng nông thôn mới theo mô hình đô thị trong lòng nông thôn.

Năm 2011, trước khi bước vào xây dựng nông thôn mới, huyện Hòa Vang chỉ có 4/11 xã đạt từ 9-15 tiêu chí, 6-8 xã đạt từ 5-8 tiêu chí và 1/11 xã đạt mức 4 tiêu chí, có 11/11 xã chưa phê duyệt quy hoạch, chỉ có 5/18 thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn, thu nhập bình quân đạt 15 triệu đồng/người/năm tỉ lệ hộ nghèo chiếm 16,2%, tỉ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 43%...

Với nhiều giải pháp đồng bộ theo phương châm “tiêu chí nào dễ làm trước, tiêu chí nào khó làm sau, làm quyết liệt và có hiệu quả”…, qua hơn 5 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện đạt nhiều kết quả nổi bật, đã có 11/11 xã đạt 19 tiêu chí; kết cấu hạ tầng được đầu tư mạnh và từng bước đồng bộ theo hướng đô thị; điểm nhấn là đầu tư giao thông, trường học, y tế, thiết chế văn hóa, điện, nước sạch, đẩy mạnh phát triển sản xuất ứng dụng công nghệ cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp…

Đơn cử như về phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, an sinh xã hội và môi trường, hiện Hòa Vang đã có 11/11 xã phổ cập giáo dục THCS, có 35/50 trường đạt chuẩn quốc gia, có 11/11 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, tỉ lệ lao động có việc làm thường xuyên khu vực nông thôn đạt 95,2%; 100% người dân được sử dụng nước sạch và hợp vệ sinh…

Hòa Vang đã rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn mới theo Bộ tiêu chí mới và đang triển khai thực hiện ở 17 thôn để đánh giá, rút kinh nghiệm nhân rộng các năm tiếp theo.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các đơn vị liên quan đề nghị đoàn công tác Trung ương kiến nghị Chính phủ sửa đổi chỉ tiêu 13.1 vì từ thực tế triển khai ở địa phương cho thấy quy định mỗi xã phải có ít nhất một hợp tác xã là chưa phù hợp vì hiện nay do quá trình đô thị hóa ở một số xã có nhiều dự án triển khai trên địa bàn xã nên diện tích sản xuất thu hẹp, lao động dịch chuyển theo các ngành nghề phát triển ở đô thị, thiếu điều kiện để tổ chức HTX nông nghiệp.

Từ thực tế kiểm tra tại một số xã của huyện Hòa Vang, đoàn công tác đã kiến nghị cần cố gắng quy hoạch, sắp xếp lại các điểm trường lẻ theo hướng mỗi cụm trường phải được 5-6 lớp để có thể đầu tư đồ chơi, dụng cụ học tập… chứ để 11 điểm trường mầm non mà có những điểm trường chỉ có 1 lớp 20 cháu như ở xã Hòa Phước là quá nhiều điểm.

Thay mặt đoàn công tác, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng ghi nhận và biểu dương những đột phá và khác biệt của Đà Nẵng trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới thời gian qua như xây dựng nông thôn mới có phát triển du lịch, xây dựng các tiêu chí cao hơn bộ tiêu chí quốc gia theo hướng đô thị trong lòng nông thôn. Đặc biệt, việc hạn chế huy động sự đóng góp của người dân trong xây dựng nông thôn mới cũng là một nét khác biệt đáng tự hào của Đà Nẵng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai xây dựng nông thôn mới, Đà Nẵng cần chú trọng hơn nữa đến tiêu chí môi trường bởi suy cho cùng, mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là để chất lượng cuộc sống của người dân được nâng cao.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Mạnh Hùng đề nghị, đối với tiêu chí giáo dục, cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề nhà vệ sinh, nhất là ở bậc Tiểu học, THCS.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ