Xây dựng nền GD thông minh ở thành phố mang tên Bác: Tiên phong số hóa giáo dục

GD&TĐ - Những năm gần đây, ngành GD-ĐT TPHCM triển khai hàng loạt mô hình đột phá, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) vào dạy học, quản trị nhà trường, tiên phong xây dựng mô hình GD thông minh (GDTM). 

Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) sử dụng kính thực tế ảo trong tiết học. Ảnh minh họa: H.Hùng
Học sinh Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) sử dụng kính thực tế ảo trong tiết học. Ảnh minh họa: H.Hùng

Chủ động triển khai

Đầu năm 2020, TPHCM ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm điều hành GDTM. Theo ông Lê Hồng Sơn, Giám đốc Sở GD&ĐT TPHCM, Trung tâm điều hành GDTM kỳ vọng sẽ xây dựng và quản lý hệ thống báo cáo thuộc phạm vi của sở GD&ĐT bằng công cụ thông minh, trực tuyến, hỗ trợ công tác chỉ đạo, điều hành. Bên cạnh đó, trung tâm còn giúp quản lý và tổ chức các cuộc họp; quản lý lịch làm việc của sở, cá nhân hóa các lịch làm việc; tích hợp và triển khai hệ thống quản lý văn bản thông minh…

Đặc biệt ấn tượng là trung tâm có hệ thống giám sát thời gian thực qua camera trên cơ sở ứng dụng trí tuệ nhân tạo, giúp cập nhật các thông tin mới nhất về ngành GD-ĐT trên cổng thông tin điện tử, giám sát thông tin trong môi trường mạng. Mô hình này cũng sẽ tạo hệ sinh thái trực tuyến phục vụ việc soạn giảng, nghiên cứu của giáo viên và hoạt động tự học của học sinh, tạo nền tảng xây dựng xã hội học tập.

Ở giai đoạn đầu, mô hình trường học thông minh sẽ thực hiện thí điểm tại Quận 1, Quận 12 và 5 trường THPT gồm: Chuyên Lê Hồng Phong, chuyên Trần Đại Nghĩa, Lê Quý Đôn, Nguyễn Hiền và Nguyễn Du. Từng trường THPT sẽ có giải pháp cụ thể như thí điểm kiểm tra trực tuyến, quản trị nhà trường với phần mềm thông minh, xây dựng mô hình thư viện thông minh, ứng dụng 3D trong dạy học, từng bước xây dựng lớp học điện tử, trường học điện tử - mô hình GDTM… Các trường khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng E-learning kết nối với Hệ tri thức Việt số hóa.

Tiên phong trong triển khai hướng đến trường học thông minh, từ năm 2017 - 2018, Trường THCS Lê Quý Đôn (Quận 3) đã khánh thành phòng thực hành STEM với máy in 3D, 16 bộ thiết bị công cụ và nhiều thiết bị khác để tạo môi trường học tập, thực hành cho HS. Tiếp theo, trường đưa ứng dụng phần mềm học liệu số 3D Mozabook, Mozaweb trong giảng dạy, sử dụng hệ thống kính thực tế ảo VR (Virtual Reality) trong các tiết học STEM, tạo ra giờ học trực quan sinh động. Song song đó, Câu lạc bộ Robotics và lập trình của trường hoạt động khá mạnh, thường xuyên tham gia các hội thi robotics, lập trình của thành phố.

Đặc biệt, chủ động tiếp cận GDTM, bắt kịp xu thế của thế giới, năm học 2019 - 2020, thực hiện chỉ đạo của sở GD&ĐT TP, Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong triển khai dạy học đại trà phổ cập về trí tuệ nhân tạo cho học sinh 3 khối 10, 11, 12 trong trường.

Theo lộ trình nhà trường sẽ có kế hoạch giảng dạy chuyên sâu các chuyên đề trí tuệ nhân tạo ở năm tiếp theo, nhằm đào tạo học sinh phát triển toàn diện về trí lực, công nghệ, năng khiếu, kĩ năng... Học sinh nhà trường sẽ trở thành công dân toàn cầu trong thời hội nhập, góp phần phát triển nguồn nhân lực cao cho thành phố nói riêng và đất nước nói chung.

Học sinh Trường THCS Minh Đức (Quận 1) trong phòng thực hành STEM. Ảnh minh họa: P.Nga
Học sinh Trường THCS Minh Đức (Quận 1) trong phòng thực hành STEM. Ảnh minh họa: P.Nga  

Phù hợp với xu thế

Từng giành giải Nhất cuộc thi Giáo viên sáng tạo trên nền tảng CNTT năm 2017 do Sở GD&ĐT TPHCM tổ chức, thầy Phạm Thư Tùng, Trường THPT Ten Lơ Man (Quận 1) chia sẻ: Nhiều trường, giáo viên đã vận dụng phương pháp STEM, dạy học theo dự án, liên môn tích hợp… để nâng cao chất lượng dạy học.

Theo thầy Tùng, để đáp ứng sự phát triển giáo dục trong bối cảnh của cuộc cách mạng 4.0, nhà giáo luôn phải tự nâng cao trình độ, đặc biệt là kỹ năng sử dụng CNTT. Từ những ngày đầu mày mò tìm hiểu, mơ hồ về dạy học ứng dụng CNTT, sử dụng máy chiếu, phần mềm dạy học, soạn bài giảng

online… đến nay các giáo viên đều tự tin dạy học trên Internet, sử dụng các ứng dụng để phục vụ cho dạy học trực tuyến, trao đổi với nhau, giao lưu với các giáo viên trên thế giới thông qua nhiều diễn đàn… Sự thay đổi này rõ rệt nhất là vào thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, mô hình dạy học online được áp dụng rộng rãi.

Là một trong những giáo viên trên địa bàn Quận 3 tiên phong dạy học theo phương pháp STEM, cô Cao Phan Hà My (Trường THCS Lê Quý Đôn) cho hay: Để bắt kịp xu thế đổi mới phương pháp dạy học, bản thân giáo viên phải luôn chủ động tìm tòi kiến thức qua các buổi tập huấn, tự học online, nghiên cứu tài liệu và học hỏi các đồng nghiệp về dạy học theo phương pháp STEM...

Thầy Nguyễn Công Phúc Khánh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) thông tin: Song song với dạy học, trường cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác quản trị. Nhà trường sử dụng phần mềm quản lý smas.edu.vn, phân quyền trong sử dụng, tạo thuận lợi trong khâu quản lý, quản trị; đẩy mạnh thực hiện số hóa sổ sách cho giáo viên và thực hiện việc duyệt kế hoạch bài dạy điện tử… Đặc biệt, trong đợt nghỉ phòng dịch Covid-19 thời gian qua, ứng dụng CNTT đã được các giáo viên, lãnh đạo nhà trường tận dụng triệt để, đạt hiệu quả trong giảng dạy, quản trị.

Nhà giáo Nguyễn Thanh Minh, cựu giáo chức TPHCM cho rằng: Giáo dục TP đã thay đổi rất nhiều so với những năm 2000 khi thầy còn công tác, nhất là việc đổi mới phương pháp dạy học, ứng dụng CNTT vào dạy học. Những lớp học trực tuyến, dự án dạy học ý nghĩa, lan toả khắp cả nước. Những phần mềm ứng dụng cho dạy học được viết bởi chính thầy cô, học sinh… được nhân rộng. 

Để đáp ứng yêu cầu đổi mới, GDTM cần phải được ưu tiên, đầu tư về nguồn kinh phí và con người. Chúng ta phải có đội ngũ nhà giáo tiên phong đổi mới, chủ động tiếp cận với công nghệ để phục vụ, nâng cao chất lượng giảng dạy. - Nhà giáo Nguyễn Thanh Minh 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ