(GD&TĐ) - Chiều ngày 13/4, tại trụ sở Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã chủ trì cuộc hội thảo "Mục tiêu và chuẩn giáo dục phổ thông sau năm 2015". Tham dự hội thảo có đại diện Ban Khoa giáo TW, Viện khoa học GDVN, Học viện Quản lý GD, Vụ GDTH, Sở GD&ĐT một số tỉnh, các trường ĐH, CĐ Sư phạm và các thành viên Ban chỉ đạo đổi mới chương trình SGK và GDPT sau năm 2015.
Học sinh Hà Nội trong ngày tựu trường. (Ảnh minh họa/ gdtd.vn) |
Tại hội thảo, thay mặt nhóm nghiên cứu của Viện Khoa học GDVN, TS. Đỗ Tiến Đạt đã trình bày tóm tắt những ý tưởng chính liên quan đến việc xây dựng "Mục tiêu và chuẩn GDPT đáp ứng yêu cầu chương trình GDPT sau năm 2015" với những nội dung cụ thể: Tại sao phải đổi mới GDPT? Phương hướng đổi mới và đề xuất mục tiêu cụ thể GDPT sau năm 2015. Chuẩn GDPT là gì? Quan hệ giữa mục tiêu và chuẩn GDPT? Vai trò, vị trí của chuẩn trong tiến trình xây dựng chương trình GDPT?
Chuẩn GDPT là tên gọi chung bao gồm 3 bộ chuẩn của GD tiểu học, THCS và THPT. Đây sẽ là căn cứ để xác định nội dung chương trình chuẩn các lĩnh vực môn học khi xây dựng chương trình chuẩn phổ thông. Phân tích vấn đề "GD phổ thông VN trước yêu cầu phát triển kinh tế xã hội và hội nhập quốc tế", TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đã đưa ra một cái nhìn tổng quát về chiến lược phát triển GD và từ đó xác định hình ảnh GD VN đến năm 2020 và những yêu cầu đối với GDPT trong tương lai.
Mục tiêu của GDPT nói riêng được đặt ra với một số yêu cầu (kết quả đầu ra) là sau khi học hết phổ thông, người học phải có được một phẩm chất/ giá trị phù hợp, những tri thức phổ thông cốt lõi, có được kỹ năng hành động và kỹ năng học tập suốt đời. Do đã xác định được mục tiêu rồi thì phải cụ thể hoá các mục tiêu (kết quả mong đợi) bằng chuẩn và chuẩn GDPT phải đảm bảo yêu cầu hình thành và phát triển các năng lực chung cốt lõi. Việc xác định mức độ của GDPT dựa trên các cấp độ yêu cầu khác nhau, tăng lên và mở rộng hơn theo sự tiếp nối của các cấp học.
Phác thảo những nét chính của chuẩn GDPT, PGS-TS Trần Kiều nhấn mạnh: Kết quả đầu ra - cách để so sánh đạt chuẩn GDPT là những con người phát triển toàn diện về nhân cách trên cơ sở nền tảng sở hữu một hệ thống tri thức, kỹ năng tương đối hoàn chỉnh ở trình độ phổ thông, gắn kết chặt chẽ với việc hình thành và phát triển năng lực chung và năng lực riêng để trở thành người công dân hữu ích....
Các đại biểu đã góp ý về những nội dung liên quan đến các tiêu chí chuẩn, vấn đề bản chất, ý nghĩa và tác dụng của chuẩn GDPT, đề xuất những cách tiếp cận khác nhau, chọn lựa những chuẩn cốt lõi. Cũng có ý kiến cho rằng: Việc xây dựng chuẩn đầu ra, chuẩn năng lực của học sinh liên quan trực tiếp và là hệ quả của những chuẩn khác về điều kiện dạy học, năng lực giảng dạy của GV, chuẩn kết quả học tập gắn kết với môn học do đó phải tiếp cận từ nhiều hướng nghiên cứu và cần sự tham gia, đóng góp của nhiều bộ phận.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Mục tiêu giáo dục mặc dù có nhiều cấp độ, trong đó có mục tiêu giáo dục nói chung, mục tiêu từng cấp học nói riêng nhưng không bao giờ thoát khỏi 4 trụ cột giáo dục chính mà UNESCO đã xây dựng; Có khác chỉ là những mong muốn (tạm gọi là chuẩn) mà chúng ta muốn trang bị cho HS phổ thông. Trên nền tảng chung cần tạo ra 3 "cây" mục tiêu cho từng cấp trên cơ sở đánh giá, nhận xét về chương trình GD hiện nay, có những gì tốt cần giữ lại, phát huy, cái gì không phù hợp thì thay đổi, bổ sung. Ngay cách đặt vấn đề "chuẩn phổ thông" cũng chưa phù hợp, cần tìm một cách nhìn nhận cho phù hợp hơn.
Về cách làm, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng gợi ý, 2 nhóm nghiên cứu chuyên đề năng lực và nhóm chuẩn nên phối hợp thành một nhóm cùng tiến hành công việc này, chắc chắn sẽ sớm tìm được tiếng nói đồng thuận trong việc xây dựng mục tiêu và chuẩn GDPT.
Kim Kim