Trường với nhà song hành
Để công tác chăm sóc, giáo dục học trò được đảm bảo tốt nhất, không chỉ cần sự nỗ lực của nhà trường, mà còn rất cần sự vào cuộc, đồng hành của phía gia đình. Thực tiễn cho thấy sự kết hợp giữa trường với nhà đã đem lại những kết quả tích cực.
Tại trường THPT Gang Thép (TP Thái Nguyên), những dịp quan trọng trong năm học, thay vì tổ chức “Họp phụ huynh học sinh”, nhà trường tổ chức “Hội nghị phối hợp giữa nhà trường và gia đình trong công tác giáo dục học sinh”. Nhà trường luôn nhấn mạnh với phía gia đình mong muốn: Trường với nhà là một, giáo viên với phụ huynh đều đứng về phía học sinh, đều là cha mẹ ở trường và ở nhà của các con.
Trong nội dung “Những điều muốn nói” gửi đến các gia đình, nhà trường nhắn nhủ: Chúng ta cần yêu thương con bằng cách tìm hiểu con, làm bạn với con, dành nhiều thời gian cho con, dành nhiều thời gian quan sát con, tránh nói con quá nhiều, mắng con quá nhiều và đặc biệt không nên đánh con vì con đã lớn; Để làm cha mẹ tốt chúng ta cũng cần học, chúng ta hãy học làm cha mẹ từng ngày, từng giờ, từng hành động, từng việc làm.
“Nhiều nội dung thiết thực về kĩ năng chia sẻ, động viên, dạy bảo con cái từ những điều cụ thể gần gũi hằng ngày được trao đổi, thảo luận. Các phụ huynh và các thầy cô có sự thông cảm và kết nối chặt chẽ hơn, trao đổi thường xuyên hơn trong việc giáo dục các em”
Cô giáo Ngô Thị Quyên, Hiệu trưởng trường THPT Gang Thép, TP Thái Nguyên.
Đáng chú ý, mô hình Câu lạc bộ “Dạy con nên người” của nhà trường đang cho thấy tính hiệu quả thiết thực. Các thầy cô giáo chủ nhiệm và thành viên Ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp là nòng cốt của CLB, từ đó kết nối lan tỏa đến tất cả các gia đình.
Những ý tưởng hay, những câu nói ý nghĩa, những cách ứng xử khi con thay đổi theo độ tuổi, kĩ năng giám sát và động viên con học tập… được cụ thể hóa thành những nội dung ngắn gọn dễ hiểu, gửi cho tất cả các phụ huynh học sinh. Các gia đình nhờ đó đã nắm sát hơn, quan tâm đúng cách hơn đến việc dạy con, giúp con trưởng thành.
Thầy cô thấu hiểu học trò
Là một ngôi trường của huyện vùng nông thôn, trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Đại Từ (Thái Nguyên) đang là nơi học tập sinh hoạt, rèn luyện của gần 400 con em đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Nhà trường trở thành một địa chỉ tự hào, tin cậy của các gia đình không chỉ bởi các điều kiện chu đáo, mà còn bởi sự tận tình của các thầy cô giáo nơi đây.
Không chỉ chú trọng cho học trò phát triển về tri thức, các thầy cô còn đặc biệt quan tâm chăm chút cho các em về kỹ năng tự lập, lối sống tình cảm, sự yêu thương gắn kết. “Đã thành nền nếp, đầu giờ của các buổi học, các em được đọc, được kể những câu chuyện về đạo đức, lối sống. Những giá trị đẹp đẽ về văn hóa ứng xử được thấm dần một cách tự nhiên trong suy nghĩ mỗi em” - cô giáo Chu Thị Lan, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ.
Đối với trường Tiểu học số 1 Nam Hòa (Đồng Hỷ, Thái Nguyên), tập thể cán bộ giáo viên nhà trường luôn xác định mục tiêu là xây dựng một môi trường giáo dục thân thiện, tích cực. “Chúng tôi cố gắng xây dựng những không gian phù hợp để các em có những hoạt động tự đọc sách báo, tự sáng tạo sản phẩm, phát triển năng khiếu âm nhạc hay hội họa…” - cô giáo Trần Thị Thúy hào hứng bày tỏ.
Không chỉ chú trọng dạy học, các thầy cô giáo ở đây còn quan tâm đến những vấn đề tưởng như “ngoài lề” những rất ý nghĩa. Các phòng học luôn được đảm bảo thông thoáng khi đều đặn các buổi tối đều được làm sạch không khí bằng đèn tia cực tím (thiết bị được cô giáo hiệu trưởng Trần Thị Đoàn mua tặng). Sân trường được dành một khu vực riêng, có chia lối vào lối ra, có khu vực bày ghế đá lắp mái che để cha mẹ học sinh ngồi đợi đón con. Tất cả tạo nên một môi trường thật sự thân thiện, tích cực.