Xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi sao cho sát với thực tiễn

GD&TĐ - Sáng ngày 20/12, Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Quốc hội khóa XIV) do bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm làm trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Nghệ An về tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn tỉnh.

Buổi làm việc của Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tại Nghệ An
Buổi làm việc của Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội tại Nghệ An

Tiếp và làm việc với đoàn có ông Lê Minh Thông – Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cũng lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã báo cáo về tình hình thi hành Luật Giáo dục trên địa bàn. Trong đó đánh giá việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục; việc triển khai, thi hành Luật Giáo dục và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Luật Giáo dục sau hơn 10 năm thực hiện cũng đã nảy sinh nhiều bất cập và gây nên nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Hệ thống văn bản còn thiếu đồng bộ, có nội dung chưa chặt chẽ, rõ ràng, chồng chéo.

Ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại buổi làm việc

Tại buổi làm việc, với tinh thần thẳng thắn, trách nhiệm, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến góp ý cho việc sửa đổi Luật Giáo dục trong thời gian tới. Trong đó, tập trung đến các vấn đề như tinh giản giáo viên, cơ cấu đầu tư lại các cấp học, việc miễn học phí ở các trường phổ thông hay vấn đề tự chủ ở các trường đại học, cao đẳng. Nhiều ý kiến đề xuất nên quay trở lại việc thu tiền đóng góp xây dựng, thay vì vận động xã hội hóa để tránh nảy sinh những tiêu cực như hiện nay.

Ông Lê Minh Thông – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An - cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng những năm qua, tỉnh Nghệ An luôn đầu tư ưu tiên cho ngành giáo dục và đã đem đến nhiều kết quả rất tích cực.

Tỉnh Nghệ An cũng mong muốn, để Luật Giáo dục triển khai hiệu quả hơn thì Luật cần quy định rõ các vấn đề về chuẩn giáo viên, có phương án cụ thể cho các khoản đóng góp và giám sát chặt chẽ việc hoạt động của các nhà trường hiện nay. Bên cạnh đó, cũng nên có cơ chế “mở” thu hút các nhà đầu tư, các nguồn lực cho ngành giáo dục. Ông Lê Minh Thông cũng đề nghị có chính sách miễn học phí cho bậc học mầm non bởi đối tượng là các cháu nhỏ cần có sự ưu tiên, quan tâm chăm lo của toàn xã hội.

Kết luận tại buổi làm việc, bà Ngô Thị Minh - phó Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên,Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá cao kết quả về giáo dục và đào tạo của tỉnh, dù còn nhiều khó khăn nhưng Nghệ An nhiều năm liền luôn là điểm sáng về giáo dục và đào tạo của cả nước.

Các ý kiến trao đổi, đóng góp sẽ được Đoàn công tác của Uỷ ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội khóa XIV tiếp thu để xây dựng Luật Giáo dục sửa đổi trong thời gian tới sao cho ngày càng sát hơn với thực tiễn.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truy lùng quốc tế

GD&TĐ - Nga đang triển khai chiến dịch truy lùng ráo riết tại một số nước để bắt các nghi phạm liên quan vụ khủng bố đẫm máu tại Moscow.