Dự cuộc họp, ngoài nhóm thực hiện đề tài còn có đại diện lãnh đạo một số vụ, cục liên quan của Bộ GD&ĐT và chuyên gia độc lập - TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến.
Đề tài “Nghiên cứu xây dựng Khung Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo Việt Nam giai đoạn 2021-2030” thuộc Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam chủ trì thực hiện.
Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Lê Anh Vinh - Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam – cho biết: Được thực hiện từ tháng2/2019, đến nay đề tài về cơ bản hoàn thành các nội dung theo kế hoạch. Các báo cáo của đề tài có nội dung khoa học, được xây dựng dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn, đồng thời tham khảo kinh nghiệm quốc tế. Các kết quả nghiên cứu đã cung cấp cơ sở khoa học, đóng góp cho việc đánh giá việc thực hiện Chiến lược phát triển phát triển giáo dục 2011-2020, Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011-2020, và xây dựng dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục 2021-2030 và góp ý dự thảo xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2021-2030.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc, đại diện các vụ cục và chuyên gia độc lập đã đưa ra những góp ý cụ thể, giúp nhóm tác giả hoàn thiện đề tài chất lượng. Trong đó lưu ý cơ sở khoa học, kinh nghiệm thế giới về xây dựng khung chiến lược; nhấn mạnh việc xây dựng bộ chỉ số… Trên cơ sở chỉ số, cần đánh giá kỹ hiện trạng, chỉ rõ nguyên nhân. Đánh giá thực trạng cần đi vào nội dung mấu chốt, hết sức trọng tâm, trọng điểm của hệ thống. Khung chiến lược tập trung vào giải pháp ưu tiên, trên cơ sở đó đánh giá được tác động; giải pháp đưa ra phải đi từ nguyên nhân…
“Nhóm nghiên cứu cần tiếp thu nghiêm túc các ý kiến đóng góp để hoàn thiện đề tài.” – Thứ trưởng yêu cầu.
Chiến lược phát triển giáo dục là một công cụ quan trọng của quản lý nhà nước về giáo dục. Thông qua việc ban hành và thực thi Chiến lược phát triển giáo dục những mục tiêu phát triển giáo dục đã được hiện thực hóa, đặc biệt trong bối cảnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay.
Việc nghiên cứu cách thức xây dựng chiến lược nói chung và xây dựng chiến lược ngành Giáo dục nói riêng cũng như của các quốc gia khác trên thế giới giúp việc xây dựng chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021-2030 sẽ tận dụng được những ưu thế sẵn có từ các phương pháp, kinh nghiệm cũng như tránh được những thiếu sót; nhờ đó, định vị được ngành Giáo dục trong mối tương quan với các ngành, xác định được các mục tiêu và đề ra cách thức thực hiện để đạt các mục tiêu đó.